Cũng giống như nhiều vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, hai làng An Khánh và Hà Vĩ (nằm kề nhau) đang chộn rộn chuyển mình theo cơ chế thị trường. Từ những năm 90, Hà Tây bắt đầu rộ lên việc nuôi gà công nghiệp, dân An Khánh, Hà Vĩ cũng lục tục xây chuồng trại rồi mua giống về nuôi. Khắp làng đâu đâu cũng nghe tiếng gà. Người dân vừa cho gà ăn xong, cầm chén nước lên đã kháo nhau chuyện gà. Không khí vui mừng hơn khi nhiều nhà nhờ gà mà mua sắm được tivi, xe máy, thậm chí xây được nhà mới. Thừa thắng xông lên, nhiều gia đnh còn chạy vay vốn, cầm cố nhà cửa, đất đai để đầu tư vào gà.
Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Năm 1995-1996, hàng chục nghìn con gà của bà con đã đến kỳ xuất chuồng thì đột nhiên đổ bệnh. Khách buôn không về ''ăn'' gà nhiều như trước. Mà có bắt thì họ lại ăn chẹt. Cả làng lúc đó tràn ngập không khí u ám. Những người phụ nữ trong làng nhìn cả cơ nghiệp của mình tàn lụi thì xót của, cố vớt vát bằng cách thử giết mổ-vài con mang bán cho các nhà hàng rồi bán rong ở Hà Nội, Hà Đông... Có người năng động, bắt mối được với các khách sạn, nhà hàng, các quán cơm bình dân, số lượng tiêu thụ được có khi đến hàng trăm con. Số gà tồn trong chuồng nhờ thế cứ vơi dần. Từ sau cái ''đận" kinh hoàng ấy, dân Hà Vĩ, An Khánh “cạch” hẳn nuôi gà. Riêng làng Hà Vĩ có 700 hộ thì đã có trên 600 hộ chuyển sang giết mổ gà, vịt ngan để kiếm sống. Có lẽ đây là những làng quê có quy mô giết mổ gia cầm, thủy cầm lớn nhất miền Bắc.
Khi hỏi đường về Hà Vĩ, được chỉ dẫn: Cứ đi thẳng, chừng nào tới chợ gà là đến. Còn cách chợ non cây số, qua một đoạn đường hầm chúng tôi đồ là chợ nhưng đó chỉ là một bến tập kết của các tay buôn tư nhân mang gà vào làng. Sáng đầu đông hanh hao nắng gió, bụi vần lên từ những lồng gà, vịt chưa qua kiểm dịch. Ngộ nhỡ có H5N1 thì không hiểu chúng sẽ phát tán ra sao khi tất cả mọi người ra vào làng đều phải đi qua đoạn đường quẩn gió này?
Cuối cùng thì cũng đến chợ gà Hà Vĩ. Cơ man là gà, vịt, ngan. Người dân vẫn thản nhiên bên những lồng gà, vịt cỡ bự (mỗi lồng vài chục con) mà không cần đeo khẩu trang. Thậm chí họ còn tranh thủ thời gian ăn quà sáng.
Định, một trong số 5 người ở địa phương làm ở Trạm Kiểm dịch xã Lê Lợi, cười: "May mà chị không đến vào ngày mưa đấy, lúc ấy dân gà như bọn em mới thấy hơi khó chịu, chứ bình thường thế này thì chả thấy mùi, thấy vị gì cả...''. Định khơ khớ tiếp tục câu chuyện: ''Ôi dào, cứ bảo dịch cúm nhưng qua mấy đận cả vùng này chả ai làm sao mới tài chứ. Nhà em ở ngay giữa chợ đấy chị, hằng ngày ông bà già và hai đứa trẻ con cứ chạy ra chạy vào, vẫn vô tư chị ạ. Có lẽ ở đây miễn dịch rồi''.
''Miễn dịch'' là câu trả lời chung của tất cả những người được hỏi. Anh Đào Văn Thi (người thôn Hà Vĩ) nói rất “hoang mang'' vì lại phải đối mặt với một phen lận đận, người thành phố không chịu ăn gà nữa, rẻ cũng không mua. Mổ một con gà, bán cả lòng mề và chân, người mổ gà kiếm được 1.000 đồng, vịt được 2.000 đồng, ngan được 3.000 đồng. Nhân lên với số lượng trung bình 50-100 con/gia đình thì thu nhập cũng không phải là thấp so với mặt bằng chung ở nông thôn. Tuy nhiên, đến thời điểm này lượng hàng đã giảm đi 90%. Mỗi nhà giờ chỉ làm cầm chừng 10-15 con/ngày.
Khi chưa có những khuyến cáo về dịch cúm có nguy cơ trở lại, một ngày làm việc ở đây bắt đầu từ 2-3 giờ sáng. Các gia đình hầu như phải huy động hết mọi người tham gia vào công việc. Nhiều cụ già mắt mờ, tay yếu cũng trở dậy giúp con cái vặt lông, rửa gà hoặc thu dọn nồi niêu, các dụng cụ mổ gà cho sạch sẽ. Lũ trẻ đang tuổi ăn ngủ cũng không thoát khỏi cảnh vất vả của bố mẹ. Chúng thường phải dậy từ 5h để phụ giúp bố mẹ những khâu cuối cùng trong các công đoạn mổ gà. Ngày nào đắt hàng thì phải dậy sớm hơn. Và đương nhiên những buổi lên lớp của chúng luôn đi cùng những cơn buồn ngủ gà gật.
Khoảng 5-6 giờ sáng là giờ cao điểm, những phụ nữ khéo ăn nói cùng nhau chở gà lên Hà Nội bán ở các chở, các nhà hàng, các ông chồng phải kịp có mặt ở chợ để lựa gà, vịt cho buổi chợ sáng hôm sau. Làm việc suốt đêm, mệt nhọc, buồn ngủ cộng thêm với hàng cồng kềnh phía sau khiến dân làng gà dễ bị tai nạn giao thông.
Theo ông Quách Văn Ngọc, Phó thôn, Trưởng Ban Quản lý chợ Hà Vĩ, thì xảy ra những tai nạn thương tâm thường là vì có những nhà sáng ra đi muộn, vội vàng rồi bất cẩn. Đầu năm vừa rỗi đã có 2 người chết vì lý do này.
(Theo Pháp Luật)