Ở cô nhi viện Xuân Tâm, Xuân Lộc, Đồng Nai, mỗi một đứa trẻ mang trong mình một câu chuyện bất hạnh của quá khứ, và tương lai chúng cũng thế, bất định, bị xô đẩy bởi dòng đời mà không ai biết trước điều gì.
Một đêm mưa, thầy Linh ở cô nhi viện Xuân Tâm dạo quanh nhà nguyện thì nghe tiếng khóc của con trẻ giữa đêm khuya. Thầy vội lần về nơi có âm thanh và suýt đánh rơi chiếc đèn pin khi thấy một đứa trẻ đỏ hỏn nằm cuộn tròn trong chiếc khăn bông để gần máng xối. Dường như không còn sức để khóc, mặt bé tím tái, mắt nhắm nghiền. Thầy bế lên. Nó nhẹ quá! Chắc chưa tới 2 kg. Thằng bé ngọ nguậy khi được ủ chút hơi người. Nhìn kỹ, cả người nó nhàu nhĩ, nhăn nhúm như miếng giẻ lau, mặt mũi, tay chân teo tóp.
Sợ không biết cách chăm sóc đứa bé sẽ không sống nổi, thầy gọi cậu bé giúp lễ chở thầy bế bé đem gửi các dì ở nhà dòng. Nơi đó, nhiều sinh linh nhỏ khác cũng được cứu sống. Có em khi được bế đến chỉ còn thoi thóp chút hơi tàn; có đứa sống nhưng oặt oẹo, chỉ nằm một chỗ; có bé lớn lên khôn lanh, đáng yêu như một thiên thần... Dường như sự ra đời của những đứa trẻ này được cha mẹ chúng coi như “của nợ” muốn gán cho ai đó hoặc vứt bỏ, phủi sạch trách nhiệm hay không muốn dính líu, bận tâm...
Thằng bé được mọi người gọi là Tề Thiên vì nó rất giống khỉ con. Tề Thiên sống được gần 3 tháng rồi mất. Dù sao nó cũng được các dì chăm sóc và ủ ấm bằng tình thương trong những ngày ngắn ngủi, còn hơn là run rẩy, tím tái, chết lạnh lẽo cạnh máng xối ngoài kia. Người xung quanh kể, thi thoảng trên ngọn đồi thanh vắng, người ta lại bắt gặp một cô gái trẻ lén đứng trước ngôi mộ của Tề Thiên thắp nhang khóc sụt sùi. Có người nói, Tề Thiên bị teo tóp, không phát triển bình thường là do mẹ nó sợ người ta biết mình chửa hoang nên lấy nịt thít chặt bụng từ lúc có thai cho đến khi sinh nở.
Có những câu chuyện rất buồn quanh thân phận những đứa trẻ mồ côi được đưa vào trung tâm. Có đứa người dân nhặt được ven đường, không có điều kiện nuôi dưỡng nên đem về cho trung tâm, có đứa suýt chết ở mé sông... Một số đứa không được may mắn như thế, chết khi chưa kịp được những bàn tay nhận nuôi.
Những cái tên của đám trẻ được các dì ở ở cô nhi viện Xuân Tâm gọi hàng ngày gắn liền với mỗi tính cách, một gương mặt như thể ai đó nghe qua cũng hình dung được em đó thế nào. Bé Mẹt có gương mặt bẹt tròn, mũi tẹt. Thằng Cười thì từ khi còn quấn tã đến lúc biết chạy chơi, gương mặt nó lúc nào cũng mỉm một nụ cười để sẵn. Bé Mủng lúng liếng, thằng Quậy tinh nghịch, thằng Dần khù khờ, thằng Moi lanh lẹ, thằng Nghệch ngơ ngáo...
Thằng Nghệch được mẹ nó bế đem cho cô nhi viện từ khi lọt lòng. Mẹ nó bảo: "Nếu nuôi thời gian nữa, đến lúc thằng Nghệch bập bẹ biết nói, biết thương thì bỏ không đành, mà như thế sẽ khổ đời nó. Để các dì nuôi, nó được giáo dục, ăn uống đầy đủ hơn là sống với mẹ thiếu trước, hụt sau. Bây giờ nó chưa biết gì, mình đau ít". Nói vậy chứ mắt chị đỏ hoe, cứ bịn rịn, bứt rứt khi trao con cho người. Vứt bỏ núm ruột của mình, bà mẹ nào chẳng nhói lòng.
Thời gian đầu thằng Nghệch láu lỉnh, đẹp trai. Lớn một chút bỗng cổ họng nó bị tắc nghẽn, cứ đút cháo vào lại trào ra. Chị bảo mẫu bảo thằng Nghệch không có “lưỡi gà” như người bình thường nên nuốt thức ăn rất khó. Tay chân nó co giật như bị động kinh. Nghệch nằm liệt một chỗ, tứ chi chẳng phát triển, chỉ có cái đầu dẹp to dần, cặp mắt thao láo và hay cười ngớ ngẩn. Có lẽ thằng Nghệch bị ảnh hưởng từ người cha nghiện ma túy nặng.
Bé Mẹt được một người đàn ông râu ria xồm xoàm bế đến gửi các dì khi nó vừa biết đi lững chững. Ông để lại một túi nilon đồ con trẻ và bọc bánh. Khi nó mải chơi với mấy con thú nhồi bông và giành đồ hàng của những đứa trẻ khác, ông lén nhìn con lần cuối, nước mắt trào ra rồi quay đi như chạy trốn. Ông sợ nghe tiếng kêu của nó, cầm lòng không nổi.
Con bé chơi chán, không thấy cha đâu nó òa khóc gọi cha thảm thiết. Khóc rồi lại quên vì Mẹt mới tròn 5 tuổi, nó không thể nhớ trước đó mình có một người cha, chỉ biết lâu lâu lại có một ông râu tóc bờm xờm đứng ngoài hàng rào nhìn lén nó chơi cùng lũ bạn. Khi người này đưa tay vẫy, nó rụt rè đến gần. Ông xoa đầu, đưa cho nó một bọc đựng đủ thứ bánh kẹo và búp bê rồi lẳng lặng bỏ đi.
Thi thoảng, những đoàn thiện nguyện đến. Đó là những ngày hội đối với những đứa trẻ. Một thế giới khác mở ra trước mắt chúng, với những người lớn quan tâm, yêu thương, với những buổi văn nghệ nho nhỏ và những món quà.
Hầu như chẳng bao giờ nghe lũ trẻ hỏi về cha mẹ chúng, kể cả đứa lớn như thằng Dần. Cũng là một kiếp người nhưng chúng không biết người sinh thành của mình là ai. Không biết chúng không hiểu hay mặc cảm nữa, nhưng dù thế nào thì đó cũng là sự mất mát và thiệt thòi nhất trong cuộc đời không gì bù đắp được.
Theo Pháp Luật Việt Nam