Năm nào lúc ngồi chuẩn bị món ăn, mẹ cũng kể cho con gái nghe câu chuyện của cách đây hơn hai chục năm. Mỗi năm mỗi khác nhưng mẹ vẫn kể câu chuyện ấy như một kỷ niệm cần phải nhớ, nhắc các con nhớ cùng mẹ để thấy mẹ bước vào đời làm dâu cơ cực và tủi thân đến nhường nào. Mẹ chẳng ác ý hay "thù lâu" nhưng mẹ nói ra cho thanh thản, nhẹ nhõm và để cho họ hàng nhà chồng biết rằng, mẹ ăn ở có trước có sau.
Ngày đó mẹ về ra mắt nhà chồng với hành trang là... hai đứa con nhỏ. Khi lấy nhau, đằng nhà chồng đã kịch liệt phản đối chỉ vì mẹ là người dân tộc ở cái nơi "khỉ ho cò gáy". Nhà nội không ai lên trong ngày cưới của bố mẹ vậy là ông bà ngoại phải đứng ra tổ chức và vừa là nhà trai, vừa là nhà gái. Sau này, mỗi lần bà nội "nhớ nhầm" khi kể cho các cháu nghe chuyện ngày xưa ông bà lên hỏi vợ cho con như thế nào, mẹ lại tủi thân đến rơi nước mắt. Mẹ nhớ mãi lời "đánh tiếng" từ nhà chồng rằng "bố đi công tác thì để cơ quan lo". Tổ ấm của bố mẹ được ông bà ngoại đùm bọc, cưu mang từ đó. Cuộc sống khó khăn khiến bố mẹ không thể thu xếp năm nào cũng về quê ăn Tết. Mãi tới năm con gái 5 tuổi, con trai 3 tuổi, cả nhà mới khăn gói về "nhận họ hàng". Tạm cất nỗi bực dọc, giận hờn, mẹ theo chồng về quê.
2h sáng, bốn con người ấy đã lục đục dắt díu nhau trên chiếc xe đạp nam cọc cạch để đến nhà máy cho kịp chuyến xe. Con gái ngồi vắt vẻo trên khung trước, bố là người cầm lái còn mẹ ngồi sau bồng bế cậu con nhỏ. Thỉnh thoảng dọc đường xe tuột xích, "hành khách trên xe" lại tạm thời xuống nghỉ để "tài xế" lắp lại xích.
Chuyến xe Tết thật đông vui. Nhà nào cũng bồng bế, mang vác và hớn hở sắp được đoàn tụ cùng gia đình trong mấy ngày Tết. Có một suất trên thùng chiếc xe tải "mui trần" là cả một niềm hạnh phúc của các gia đình lúc bấy giờ. Đi lại khó khăn, kiếm mỏi mắt không được tấm vé nên ai nấy cũng đến thật sớm để "chọn chỗ đẹp" trên thùng xe. Chiếc xe lổn nhổn những người lăn bánh mang theo cả niềm hạnh phúc đoàn tụ.
Lúc đi háo hức, chờ mong và hy vọng bao nhiêu thì ngày về mẹ mang cả một nỗi niềm tủi thân, uất ức bấy nhiêu. Còn bố, ông hận nhà mình đến nỗi đã thề không bao giờ về lại quê nữa. Sự thờ ơ, ghẻ lạnh của nhà chồng khiến mẹ đau và thương cho hai đứa con nhỏ. Mẹ giận nhà chồng, không ai cho hai đứa con mẹ một tấm bánh đi đường để ăn để chúng phải đói và "nhìn mồm" người bên cạnh. Có chục chiếc bánh gai một người họ hàng tốt bụng gửi về biếu ông bà ngoại, mẹ đành phải bóc ra cho các con ăn. Chúng vừa ăn vừa vứt mà đâu biết rằng lòng mẹ đau nhói. Về đến nhà, mẹ đạp xe về thẳng nhà ông ngoại mà khóc. Xin được 5 kg cả xương lẫn thịt lợn ở nhà ông ngoại, mẹ lại hối hả đạp về để bố gói bánh chưng. Lúc đó đã là mồng 5, mẹ mới làm Tết ở nhà mình.
Sau cái Tết ấy, 7 năm sau bố mới về quê. Ông ngoại là người tâm lý đã chủ động rủ bố về để ông có dịp gặp mặt thông gia. Khi ấy bố mới chịu nối lại quan hệ, mới "ngó ngàng" tới anh em. Mẹ biết bố giận nhưng năm nào cũng động viên bố về, dù gì cũng là quê hương. Còn mẹ, mẹ để nỗi niềm trong lòng và làm trọn nghĩa vụ của một con dâu. Tết nào có dịp về nhà nội, mẹ cũng lo đầy đủ quà biếu cho ông bà, họ hàng, vẫn ăn ở biết điều và cư xử khiêm nhường với mọi người. Có lẽ, họ nhận ra đã làm điều quá đáng với nàng dâu như mẹ nên đã thay đổi thái độ và "thấu hiểu" mẹ hơn. Năm nay, mẹ lại về quê ăn Tết nhưng lòng đã nhẹ nhõm hơn xưa. Thời gian đã làm dịu đi những vết thương lòng của mẹ nhưng mãi mãi không thể xóa đi ký ức buồn của đời mẹ. Mẹ nhớ tới điều đó như một bài học để dạy con gái cách sống trước khi về làm dâu nhà chồng.
Bình Minh