Đào hố cho chuối trổ buồng
Buồng chuối đến 200 nải của nhà cụ Nguyễn Văn Chính. |
Địa chỉ đầu tiên là nhà cụ Nguyễn Văn Chính (tức Chính "Chài", 80 tuổi), ở xã Phú Đức, Long Hồ, Vĩnh Long. Gần đây, cụ Chính "Chài" nổi tiếng khắp vùng vì trồng được giống chuối trổ buồng đến 200 nải.
Cách đây 3 năm, trong một lần đi thăm người thân ở Bình Minh, Vĩnh Long, cụ phát hiện có một hộ dân tộc Khmer trồng được giống chuối nhiều nải nên nài nỉ mua được một cây giá 100.000 đồng.
Sau 10 tháng chăm sóc, cây chuối ấy trổ buồng làm “hoa mắt” bà con lối xóm: Từ nải thứ 100, nó trổ đến 150, 180 và cuối cùng là 200 nải! Buồng chuối quá dài nên con cháu cụ phải liên tục đào sâu thêm một cái hố bên dưới để có chỗ trống cho nó ra nải.
Cụ Chính "Chài" bảo: “Chuối này khi chín mỗi trái chỉ bằng ngón chân cái, nhưng màu vàng óng, ăn nghe ngọt thanh, thơm và béo”. Giống chuối này nhảy con rất chậm so với nhiều giống chuối khác, nên 3 năm nay, bụi chuối nhà cụ chỉ mới trổ buồng 3 đợt. Vì là “của hiếm” nên cụ chỉ để dành trong nhà ăn và làm quà biếu người thân, chòm xóm.
Cô bé “nhỏ nhất hành tinh”
Chạy lòng vòng hơn 40 km trong những con đường nông thôn ngoằn ngoèo, qua mấy lần đò để đến ngôi nhà lá xiêu vẹo ở ấp An Hòa, xã Trung Thành Tây, Vũng Liêm, Vĩnh Long. Nơi đây có một bé gái, mà theo lời người dân trong vùng là “nhỏ nhất hành tinh”.
Đó là bé Nguyễn Thị Trúc Ly, hiện đã 4 tuổi nhưng chỉ cân nặng đúng 3 kg và cao chừng 40 cm! Bà Nguyễn Thị Hà, bà ngoại của Ly, kể: “Lúc mới sinh cháu chỉ nặng 0,8 kg, nhìn cứ như một con ếch. Ai cũng khuyên nên cho bệnh viện hay chùa nuôi, nhưng tui và mẹ cháu dứt khoát không chịu”.
Suốt một năm đầu, mẹ bé Ly phải tự vắt sữa cho con bú, vì miệng Ly quá nhỏ không ngậm vú được. Đến năm 3 tuổi Ly mới bắt đầu tập đi và bập bẹ nói.
Nhìn bé Ly hồn nhiên múa hát khi bà ngoại cháu đưa lên cân cho khách xem, ngắm bé đứng cạnh lon sữa bột loại 1 kg chỉ nhỉnh hơn một chút, chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Mỗi bữa Ly ăn chỉ một vài muỗng cơm và một ly sữa nhỏ.
Bà Hà buồn bã: “Cha mẹ cháu suốt ngày đi làm mướn, vì gia đình nghèo lại không có ruộng đất gì. Mọi chuyện chăm sóc cháu đều một tay tui lo”. Bé Ly vừa có một em gái, tuy mới 6 tháng tuổi mà đã nặng 6 kg, gấp đôi chị.
Gia đình “một ngón”
Đến ấp Hưng Lớn B, xã Tam Ngãi, Cầu Kè, Trà Vinh, vùng đất nổi tiếng có nhiều chuyện lạ đời. Ở đây có một gia đình mà cả 3 đời nay, mỗi đời đều có “đại diện” là người mà mỗi bàn tay, bàn chân chỉ có một ngón.
Ông Nguyễn Văn Cộng, 54 tuổi, thế hệ thứ hai trong gia đình “ngộ nghĩnh” này, cho biết đầu tiên cha ông là cụ Nguyễn Văn Bốn đã bị như thế. Đến khi ông sinh ra cũng bị vậy. Trong 4 người con của ông Cộng, anh con trai duy nhất cũng tiếp tục “tiếp nhận” từ cha và ông nội một ngón ở mỗi bàn tay, bàn chân.
Theo Người Lao Động, cụ Bốn trước đây từng tham gia cách mạng và đã hy sinh. Ông Cộng cũng sớm tham gia cách mạng, đến nay đã có trên 30 năm tuổi Đảng. Ông Cộng nhớ lại: “Năm 1967, tui tình nguyện xin đi bộ đội nhưng mấy anh, mấy chú không cho, bảo thằng này chỉ có một ngón tay làm sao cầm súng! Tập mãi, một bữa tôi thuyết phục mấy ổng bằng cách “biểu diễn” tháo lắp súng, bắn mục tiêu... Thấy ngon lành quá nên mấy ổng cũng chấp nhận cho vô quân đội”.
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Cộng về quê làm thư ký ở xã kiêm huấn luyện quân sự cho thanh niên địa phương.
Như để chứng minh mình không hề thua kém người bình thường, ông Cộng dùng 2 ngón từ 2 bàn tay gọn gàng xé giấy quấn thuốc rê, nhanh chóng đưa lên miệng phì phà. Rồi ông lấy ra một cây đàn ghi ta phím lõm, tự đàn hát 6 câu vọng cổ nghe thật mùi mẫn.
Bà Nguyễn Thị Anh, vợ ông, cho biết: “Cha con ổng làm được hầu hết mọi việc như người thường. Thậm chí 2 cha con còn viết chữ rất nhanh và đẹp”.