Đến một lúc nào đó, có thể bạn sẽ phát hiện ra đứa con bé bỏng của mình nói dối. Trong nhiều tình huống, việc trẻ nói dối ẩn chứa những vấn đề nghiêm trọng không thể bỏ qua. Việc tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ nói dối sẽ giúp bố mẹ hiểu trẻ hơn và biết được vấn đề mà trẻ đang gặp phải. Phần lớn khi trẻ nói dối là lúc chúng cảm thấy tự ti và kém cỏi. Trẻ nói dối để tránh bị trừng phạt hoặc cố gắng làm tăng giá trị của bản thân trong mắt các bạn đồng trang lứa... Mỗi một tình huống trẻ nói dối đòi hỏi bố mẹ phải thật cẩn trọng xem xét để đưa ra những xử lý đúng đắn và kịp thời. Cuốn sách về tâm lý trẻ em của nhà tâm lý học Lawrence Kutner đã liệt kê ra 5 lý do khiến trẻ nói dối.
1. Sợ hình phạt
Trẻ em luôn sợ sẽ bị trừng phạt, đặc biệt trong trường hợp các bậc cha mẹ đòi hỏi hay kì vọng quá mức (đôi khi là phi thực tế) từ trẻ. Ví dụ bạn muốn con gái mình phải luôn được điểm cao trong các giờ học. Khi con bị điểm kém, con sẽ nói dối bạn kiểu như hôm nay cô không chấm điểm, hoặc con vẫn được điểm cao. Hoặc bạn luôn muốn đứa con gái 5 tuổi của bạn phải cẩn thận sắp xếp đồ đạc cho ngăn nắp mà không phải nhắc nhở. Khi được hỏi đã làm chưa, bé sẽ trả lời "con làm rồi" mà trên thực tế trẻ quên béng đi việc đó.
Bố mẹ thường tỏ ra thất vọng và phàn nàn về khi phát hiện con nói dối. Nhưng trong trường hợp này, vấn đề không phải ở con bạn mà do chính các bậc cha mẹ khi luôn kỳ vọng quá cao đối với con cái mình. Đứa trẻ trong trường hợp này chỉ đang cố gắng xử lý tình huống một cách mà chúng cho rằng sẽ mang lại kết quả tốt nhất.
2. Tăng lòng tự trọng
Trẻ ở lứa tuổi học sinh nói dối để cố gắng và hy vọng sẽ được bạn bè ngưỡng mộ. Ví dụ, trẻ có thể nói dối là chúng mới được đi xem buổi trình diễn ca nhạc của các ngôi sao nổi tiếng, hay chúng gặp được cầu thủ bóng đá, thậm chí phóng đại thu nhập của bố mẹ... Nếu trường hợp nói dối này hiếm khi thấy ở trẻ thì các bậc cha mẹ không cần quá lo lắng, vì mong muốn thành siêu sao hay mong muốn gần gũi với những điều tương tự là sự mơ mộng đáng yêu của trẻ. Nhưng nếu đứa trẻ thường xuyên phóng đại những sự kiện trong cuộc sống thực của trẻ, thường xuyên nghĩ ra những điều viển vông không có thực để nói dối với bạn bè đồng trang lứa, thì đó có thể là biểu hiện của của việc trẻ không hài lòng với cuộc sống hiện giờ của mình. Trẻ tự ti và mặc cảm mỗi khi nghĩ về bản thân và gia đình. Trong trường hợp này, bố mẹ hãy tìm hiểu lý do tại sao trẻ cảm thấy tự ti, đôi khi là xấu hổ khi nói thật về bản thân mình. Có thể trẻ nói dối như vậy bởi vì trong trường lớp, hay trong nhóm bạn bè không ai quan tâm hay thân thiết với trẻ, trẻ bị cô lập. Hoặc xấu hơn là trẻ bị cười nhạo vì lí do nào đó, thậm chí bị hành hạ và làm nhục.
3. Tự bảo vệ mình
Đối với nhiều trẻ em, việc nói dối là một cách để chống đối lại cha mẹ, thách thức cha mẹ mình. Đặc biệt ở lứa tuổi 11-13, trẻ thường cảm thấy không nhất thiết phải nói tất cả với cha mẹ. Trẻ có xu hướng né tránh những cuộc thảo luận về những vấn đề cá nhân. Trong trường hợp này, trẻ thường nói dối khi phải trả lời những câu hỏi mà đối với trẻ đó là sự hạch sách hay thể hiện quyền hạn của cha mẹ.
4. Cố gắng tạo vỏ bọc cho bản thân
Khi lớn lên, trẻ dần cảm thấy rõ ràng tầm quan trọng của sự độc lập, cuộc sống cá nhân và không gian cá nhân. Nhưng các bậc cha mẹ thì luôn lo sợ "sự muốn độc lập" này nên càng ra sức kiểm soát hơn. Và một vòng luẩn quẩn, cha mẹ càng cố gắng kiểm soát, đứa trẻ càng hay nói dối và càng tránh trò chuyện với cha mẹ.
Ngoài biểu hiển nói dối, trong trường hợp này, trẻ thường có thái độ hung hăng, ương bướng, ngang tàng và thách thức. Ví dụ nếu bạn hỏi trẻ: "Con đi đâu?" - "Chẳng đi đâu cả", "Con đang làm gì đấy?"- "Không có gì", "Bạn đó là ai vậy?"- "Mẹ không biết bạn đó đâu". Cha mẹ sẽ nhận được những câu trả lời lảng tránh nếu trẻ cho rằng bạn đang muốn kiểm soát đời tư của chúng.
5. Những vấn đề trong gia đình
Khi một đứa trẻ thường xuyên nói dối, đây là dấu hiệu cho thấy có gì đó không ổn trong mối quan hệ của trẻ với các thành viên trong gia đình. Đặc biệt khi chúng liên quan đến những hành vi trộm cắp hay phá hoại những tài sản của gia đình. Nếu trẻ lấy cắp tiền của cha mẹ hay những thành viên trong gia đình thì có thể trẻ có vấn đề ở ngoài xã hội mà không tiện nói với cha mẹ, như trẻ bị bắt nạt, lừa lọc hay tống tiền.
Nếu trẻ phá hoại đồ đạc, ngang tàng, bất cần thì có thể đó là một hành vi thể hiện sự tuyệt vọng, chán nản, hay đau buồn của trẻ. Thường thì trường hợp này xảy ra khi trẻ nhận thấy không có sự hòa hợp của cha mẹ, cha mẹ chuẩn bị li hôn, hay có những rạn nứt, hay bố mẹ không quan tâm, yêu thương trẻ... Hành vi này thể hiện nỗ lực mong muốn bố mẹ hòa hợp lại, hay phải quan tâm đến mình... Đôi khi, mong muốn này của trẻ chính trẻ cũng không nhận ra, nhưng nó cho thấy đó là mong muốn vô thức nơi trẻ.
Đừng trách mắng trẻ một cách thái quá khi phát hiện trẻ nói dối, hãy bình tĩnh và tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ lại nói dối bạn. Và đừng quên giải thích cho trẻ tác hại của việc nói dối. Với những lời nói dối vô hại của trẻ, hãy nhắc nhở trẻ nhẹ nhàng bằng việc kể cho trẻ nghe câu chuyện của "chú bé chăn cừu". Với những lời nói dối thường xuyên của và có dấu hiệu vi phạm đạo đức, hãy cùng trẻ giải quyết từ nguyên nhân đằng sau đó.
Nga Ngô