Những năm trước đây, các trường Mỹ thuật và Mỹ thuật công nghiệp (MTCN) chỉ dành cho thiểu số người say mê với cái đẹp và quyết tâm theo đuổi nghề. Họ chọn ngành thiết kế đồ họa (TKDH) vì sự phù hợp của bản thân và ham muốn khám phá những điều thú vị rất riêng của nghề này. Chẳng thế mà Hoa, 5 năm trước đây, đã phải trốn bố mẹ để thi vào trường MTCN, bỏ cả suất vào đại học báo chí, với đầu ra là một chỗ trong Đài tiếng nói VN mà bố mẹ đã để sẵn cho cô. Phần thưởng của cô là kết quả thủ khoa vào trường MTCN, chỗ làm việc hiện nay là manager phòng thiết kế của một công ty lớn, mặc dù phải 1 năm nữa cô mới chính thức tốt nghiệp.
Tiêu biểu hơn là trường hợp của Hoàng, dân trong nghề TKDH chẳng có ai là không biết đến anh, Công ty Galaxy. Nhưng để xây dựng nên một công ty tên tuổi như hiện nay, Hoàng đã phải kiên trì 3 năm mới thi đỗ vào trường MTCN, lăn lộn làm đủ các nơi trong suốt thời sinh viên để tự tìm ra thế mạnh và khẳng định hướng đi của bản thân.
Nhưng hiện nay thi vào khoa Thiết kế đồ họa của trường MTCN đang là “mốt” của không ít các cô, cậu tú tài. Dạo qua các lớp luyện thi của trường MTCN, sẽ thấy phần lớn những bạn trẻ đang ôn ở đây “giao diện” đều khá đẹp, bóng bẩy, xem ra không phải... con nhà nghèo. Và lý do chọn nghề của họ cũng khá hình thức: đeo ống vẽ, làm việc với bảng giấy, màu mè, trông “rất nghệ” là hình ảnh khiến không ít người “đắm đuối”.
Dũng, có lực học xoàng xoàng bậc trung, đủ để tốt nghiệp PTTH, lý luận một kiểu khác: “Em biết mình học không tốt, có chút ít năng khiếu vẽ vời. Trong khi, trường này thi rất khó, nhiều người thi mãi cũng chẳng đỗ, nếu em có trượt thì bố mẹ cũng chẳng trách cứ gì”. Một “kế hoãn binh” xem chừng rất khả thi. Đấy còn là chưa kể đến một số ít chọn MTCN vì cho rằng “trường này chạy chọt, mua điểm dễ”… Thêm nữa, “cơn lốc” blog, web trên khắp các diễn đàn cũng hút hồn không ít những ai thích chạy theo trào lưu.
Chính vì vậy mà người thi vào MTCN thì nhiều, nhưng tỷ lệ đỗ có hạn. Mỗi khóa trường chỉ lấy khoảng 50 người, rơi rớt trong quá trình học mất một ít. Nhưng những ai đã ra trường đều có thể sống bằng nghề. Không hẳn dễ kiếm tiền, nhưng nghề này đang đúng thời, không lo thất nghiệp. Chính vì thế, những người học khoa khác trong trường MTCN như thủy tinh, tạo dáng sản phẩm công nghiệp..., thậm chí cả dân IT cũng nhảy sang làm TKDH.
Lương tháng của sinh viên đi làm part-time cũng khoảng 1,5 triệu đồng, 2 triệu đồng. Lương của người đi làm trung bình 3-6 triệu đồng và có thể cao hơn tùy vào khả năng và chế độ lương bổng nơi làm việc. Bạn có thể làm việc ở những công ty chuyên về thiết kế, hay làm ở bộ phận thiết kế cho các doanh nghiệp. Công việc đa dạng tạm chia thành thiết kế in ấn, thiết kế website, thiết kế truyền hình và 3D. “Để làm chuyên nghiệp, mỗi người thường chỉ mạnh về một lĩnh vực, thậm chí mạnh về một mảng như sắp xếp hình khối, đường nét hay màu sắc”, Hải, thiết kế website của Công ty Truyền thông Á châu, cho biết.
Những ai ít nhiều đã va chạm với nghề đều thừa nhận một nhiệm vụ tương đối khó khăn, không phải thuộc về chuyên môn của họ chính là sự hòa hợp với khách hàng. Tất nhiên, khách hàng có người này, người kia và không phải ai cũng có gu thẩm mỹ tốt, đôi khi gây ức chế cho không ít người thiết kế. Mai, nhân viên một công ty chuyên về thiết kế, than thở: “Nhiều khi, gặp phải những khách hàng “rất chuối”. Họ mê tín, yêu cầu mình nhét cả sông, biển - những thứ chẳng liên quan gì vào logo, banner vì cho rằng họ hợp với mạng Thủy. Cuối cùng, sản phẩm mình mất công chăm chút biến thành một thứ “tạp phế lù”.
Có không ít người lên tiếng chê bai khách hàng, chê bai cả sếp, cả đồng nghiệp vì không hiểu “chuyên môn”, họ cũng chê công ty vì nhận hàng “chợ”, mất thể diện. Họ chuyển nơi làm việc hết nơi này đến nơi khác, mong tìm được một chỗ lý tưởng để được tự do sáng tạo, làm đúng với trình độ “pờ-rồ” được đào tạo. Thái độ này bị xem là non nớt, thiếu chuyên nghiệp và thần kinh yếu. Vì chỉ trừ khi bạn bỏ nghề, còn chẳng ở đâu bạn làm việc “độc lập” đến mức cực đoan như vậy. Và không hẳn làm những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, ý tưởng táo bạo, gây sốc mới là những thứ đáng làm.
Ngược lại với “cái tôi” thu hẹp ở trên là những trường hợp “cậy chuyên môn” đem ra lòe những người ngoài nghề. Các bạn cùng lớp không ai lạ gì T., học hành chẳng ra đâu vào đâu, vẽ mãi không được một hình họa, thường xuyên bỏ học, nợ môn, nghỉ học nhiều bị cô giáo mắng, T. trả lời thẳng tưng: “Em hỏi cô với việc đi làm 6 triệu đồng và việc ngồi đây nghe bài, em nên làm gì hơn”…
Sở dĩ, T. mạnh miệng như vậy vì cô cũng có “năng khiếu riêng”. Tất nhiên với dân cùng nghề thì không nói làm gì nhưng với những “kẻ ngoại đạo”, T. rất biết cách tỏ ra chuyên nghiệp và có đẳng cấp. Cô sớm tìm được chỗ làm “ngon” vì biết phô trương và nhanh nhạy trong việc chiều theo thị hiếu của khách hàng. Tiếng tăm của T. cũng khá ấn tượng trong mắt của những người… chưa tiếp xúc nhiều. Nhưng xem ra mánh khóe của T. cũng không lâu bền. Cô nhảy việc nhiều vì dần dần sếp và đồng nghiệp thấy cô cũng không “sành điệu” như lời cô nói. Đến bây giờ, T. vẫn tự hào về bản thân nhưng những ai biết T. đều nhận định, cô không thể tiến xa thêm nữa.
Thái độ tích cực nhất là không ngừng học hỏi, mở rộng chuyên môn và hiểu biết. Nghề này đòi hỏi phải quan sát, biết cách thổi hồn vào những thứ quen thuộc trong cuộc sống, không ngừng làm mới bản thân và đừng để óc sáng tạo bị chết. Người yêu nghề luôn tìm thấy niềm vui từ những tìm tòi, khám phá và đổi mới của chính bản thân ở mỗi mẫu thiết kế. Đó là thứ để phân biệt họa sĩ thiết kế với những người thợ kẻ vẽ.
Bạn cũng phải biết cách làm việc “team work”, hiểu sản phẩm, hiểu khách hàng và có khả năng thuyết thục khách hàng. Lê, hiện làm họa sỹ thiết kế ở Công ty VTC kể: "Mình từng nhận được đơn đặt hàng làm trang web của khách sạn Daewoo. Mình nghĩ là website phải tạo cho khách hàng cảm giác như khi bước chân vào khách sạn: ấm cúng và thân mật, không lạnh lẽo hay quá nghiêm túc. Do đó, mình thiết kế site đó theo gam màu vàng ấm của ánh đèn, của cách bài trí nội thất. Nhưng thiết kế xong thì ông sếp người châu Á đòi đổi sang màu xanh, vì màu vàng đối với họ biểu hiện sự kém may mắn, họ rất kiêng màu vàng. Mình kiên trì thuyết phục và bây giờ nếu bạn thăm site đó sẽ thấy màu vàng chủ đạo”. Do đó, đối với khách hàng, bạn có thể không hoàn toàn trùng khớp ý kiến với họ, bạn có thể đi con đường riêng của mình, nhưng hãy biết cách đi cùng hướng, chứ đừng đi ngược lại.
Chuyện copy, nhái lại trong nghề TKĐH không phải là hiếm. Việc lấy chỗ này một ít, chỗ kia một ít, trộn vào thành sản phẩm của mình khá phổ biến. Thậm chí, nhiều khách hàng còn đưa sẵn mẫu thiết kế của nước ngoài, yêu cầu “design” y hệt như vậy là họ hài lòng. Xét cho cùng, khi các nước phương Tây đã có một bước tiến dài so với VN, thì việc học hỏi, ảnh hưởng của họ là điều không thể tránh. Nhưng chẳng ai cổ xúy cho việc “ăn cắp” chất xám và công sức của người khác.
Hoa bức xúc kể: “Chính em là nạn nhân của việc ăn cắp ngay trong trường. Năm trước, khi làm bài tập tem đề tài côn trùng, thay vì dùng bút vẽ như các bạn, em đã hì hục dùng dao “trổ” trên nhiều lớp giấy thành hình con bướm, rất mất công, sứt cả tay, bài của em được thày, cô đánh giá rất cao. Vậy mà, mới đây khi xem bài tốt nghiệp khóa Cao đẳng trong trường, em thấy con bướm của em bị cóp y nguyên cho vào bài tập làm túi sách, làm lịch của các bạn khác”.
Một chuyện “ly kỳ” khác là của một sinh viên đồ họa bị một công ty lớn ăn cắp trắng trợn mẫu thiết kế bằng những thủ đoạn ngọt ngào và lịch sự. Câu chuyện được kể trong một diễn đàn lớn nhất của VN. Cậu viết: Nếu bạn đã từng đi trên chiếc taxi Deluxe của hãng taxi Y, bạn sẽ nhìn thấy mẫu quảng cáo mà hiện tôi vẫn còn giữ những file gốc nhưng tôi không được hưởng gì và cũng không được thừa nhận là chủ mẫu thiết kế đó. Làm cộng tác không hợp đồng với công ty, tôi không nhận được một đồng nào cho rất nhiều công việc được giao. Tôi đành ngậm đắng nuốt cay vì nghĩ mẫu thiết kế của mình cũng không được công ty sử dụng cho đến khi nhìn thấy mẫu thiết kế của mình trên taxi của hãng, họ đủ khôn ngoan để cả năm sau mới đem sản phẩm của tôi ra dùng...
Cũng như bao nghề khác, không hề có con đường trải toàn hoa hồng cho sự vươn tới thành công của nghề TKDH. Nhưng nếu bạn có một niềm đam mê thì nghề này cũng đáng để theo đuổi.
Thu Lê