"Ông vua đẻ" trên mảnh đất "thủ phủ" của cây thuốc lá có tên đầy đủ là Trương Văn Ve (sinh năm 1966), trú tại thôn Tả Bốc, xã Lương Thông, huyện Thông Nông (tỉnh Cao Bằng). Khi khách tìm hỏi nhà Ve, ai cũng biết, cũng chỉ răm rắp. Người ta bảo, ở đất Cao Bằng này không có người đàn ông khác sở hữu hai vợ, đẻ hơn chục người con nữa.
Dân ở miền núi quanh năm mây phủ ở Tả Bốc hầu hết là anh em họ hàng của Ve, từ anh em ruột cho đến con cái, con rể của ông ở rải rác khắp bản làng vùng núi này.
Nhà ông Ve là một căn nhà sàn ọp ẹp, bên trong hệt như một lớp học mầm non. Còn người được giao nhiệm vụ trông trẻ ấy chính là ông Ve. Có điều “lớp học” này đặc biệt ở chỗ không có đồ chơi nhựa, mà tất cả các loại ô tô, xe máy... mô hình đều được Ve làm từ gỗ rừng, từ chai lọ vứt đi.
Ông Ve nghiện thuốc lào, hai tay ôm lấy cái ống điếu nhưng ánh mắt vẫn phải đảo liên tục để ý lũ trẻ. Rồi ông bảo: “Ngày hôm nay tôi được các bà giao nhiệm vụ trông 8 đứa nhỏ, còn lại những đứa lớn đi theo mẹ lên nương ngô. Số thì chăn bò trong thung lũng, ai cũng có việc cả, nhưng trông trẻ đối với tôi là một công việc khó”.
Theo ông Ve, đến thời điểm bây giờ, ông có tất thảy 21 người con và hai cô vợ. Còn thời gian tới thì không biết nữa, nhưng dù sao Ve cũng đã có ý muốn dừng lại, bởi cuộc sống đối với ông bây giờ là quá tệ hại.
Những người thân trong gia đình Ve cho biết, tính tới mấy đời gần đây hầu như thế hệ nào thuộc gia đình Ve cũng lập kỉ lục nhất làng, nhất bản về đẻ. Cụ thể như đời ông cụ của Ve có đến 12 con. Đời Ve, bố mẹ ông cũng đẻ những 8 anh em, trong đó ông là con thứ 2. Và cuối cùng vợ chồng Ve được cho là “củng cố” nhất, khi sinh đến tận 21 đứa con.
Những người dân ở Tả Bốc cho biết, ở đây cái gì gia đình Ve cũng được cho là nhất, nhiều vợ nhất, nhiều con nhất và nghèo cũng... nhất. Đặc biệt, trong danh sách những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, gia đình Ve là gia đình được báo động là có khả năng đói ăn nếu mất mùa.
Chia sẻ về bữa ăn hằng ngày, ông Ve bộc bạch: “Cả cuộc đời mình, tôi gần như có thể đếm nổi những lần được ăn cơm nấu từ gạo. Nhưng mấy đứa nhỏ thì khác, giờ nó đi chơi với bạn bè được ăn cơm, về nhà phải ăn mèn mén (bột ngô) chúng không chịu, nên hay khóc lắm! Mỗi lần thấy thế, tôi cảm thấy chạnh lòng vì không thể cho chúng cuộc sống như bạn bè cùng lứa”.
Ve bảo, từ bài học của cuộc đời mình, ông không còn tin những quan niệm cổ hủ của các cụ trước. Cho rằng đẻ nhiều là có anh, có em để khi gặp khó khăn sẽ có người này giúp đỡ người kia. Nhưng thực tế đời ông đẻ nhiều mới biết những chính sách tuyên truyền của làng, của xã là hoàn toàn đúng.
Theo đó, cách đây hơn chục năm về trước, khi ông chỉ lấy một vợ, đẻ vài ba đứa con, Ve thấy cuộc sống của mình đủ đầy, kể cả mất mùa cũng không lo bữa đói bữa no. Thời điểm đó, xã vận động tuyên truyền, nhưng Ve không nghe, giờ đông con, lại hai vợ nên mặc dù có lên núi khai hoang trồng thêm ngô, thêm cỏ vẫn cứ đói dài dài.
Ngoài cái đói cái nghèo, gia đình Ve bây giờ còn hay xảy ra xích mích, cãi vã. Lý do có khi là hai bà mẹ bênh con ruột mình hoặc chuyện phân công công việc, rồi chuyện đất đai chưa hợp lý. Mỗi lần như thế, Ve là trụ cột, nên bắt buộc phải đứng ra giải hòa, bằng không con cái và hai bên sẽ gây ra chuyện lớn.
Điều đó trên thực tế đã xảy ra nhất nhiều lần, thậm chí chính quyền xã phải đau đầu vì gia đình có thể nói là đông con nhất Việt Nam này.
Theo Dân Việt