Mann up
"Con trai Hà Nội là phải biết nghe chèo". Đó là một trong những tâm đắc hiếm hoi của bố mà tôi còn lưu lại trong cái trí nhớ cá vàng của mình. Bố tôi, một người Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên gần làng Sét nơi có cá rô đi vào ca dao, luôn có những tín điều kiểu như vậy. Mỗi người đàn ông, à mà có lẽ là ai cũng vậy, đều có những sự cố chấp của riêng mình. Với bố tôi, đó là những tín điều của riêng ông - những điều ông tin một cách, đôi khi là vô căn cứ, và sống cả đời theo những gì ông tin. Và rồi, ông truyền lại niềm tin đấy cho những đứa con của mình. Trong đó có niềm tin nho nhỏ - mà cứng rắn - rằng thì việc nghe một thứ âm nhạc Bắc Bộ là bổn phận của một anh con trai Hà Nội.
Thế giới của tôi, không chỉ gói gọn trong câu chuyện Hà Nội - ngoại tỉnh như thời bố tôi. Thời của ông, ông là lính sinh viên ra đi từ mái trường Kiến trúc, mang theo trong mình những điều đẹp đẽ mơ mộng, tách mình ra khỏi những anh lính nông dân, bảo vệ điều đó bằng những điều bản thân tin tưởng, những điều ông nghĩ sẽ làm nên con người Hà Nội trong ông. Thế giới của tôi là thế giới ngập tràn trong thông tin, khi mà ranh giới địa phương đôi khi được xoá nhoà đi bởi Internet, ở Hà Nội hay ở Yên Bái. Với tôi, những tín điều của cha ông đã có những sự thay đổi để trở thành những điều tôi tin tưởng và tâm niệm về một điều gì đó lớn hơn.
Tôi luôn có một niềm đam mê đối với những gì thuộc về văn hoá cổ truyền, văn hoá dân tộc. Có lạ lẫm không khi một cậu trai trẻ mặc đồ military (quân đội) lại gật gù theo những điệu xẩm, những khúc chầu văn, thậm chí còn lẩm nhẩm hát theo ca nương ở những chỗ đắc ý? Điều đó quá dị biệt khi quanh tôi không thiếu những khán giả trẻ tuổi, vỗ đùi sung sướng khi thấy các cụ biểu diễn những đoạn nhạc cổ truyền với những kỹ thuật không thua gì những khúc drum solo hay "quạt chả" của nghệ sĩ nhạc hiện đại. Cũng như tôi, họ tìm kiếm những giá trị truyền thống trong bối cảnh hiện đại, giữa một hội trường trung tâm văn hoá nước ngoài, giữa lúc ngoài kia trời thì mưa, và rockstorm thì có lẽ vẫn nhiệt.
Tôi tin rằng, điều làm nên sự khác biệt của một anh người Việt với một anh người Tây nào đó trong câu chuyện hội nhập vĩ mô, đôi khi xuất phát từ những điều rất nhỏ. Nó không nhất thiết là ở bộ lễ phục quốc gia, ở màu da tiếng nói, mà xuất phát từ tiềm thức, được nuôi dưỡng bởi một sự tự hào đến từ bề dày văn hoá. Sự tự hào đó không được nuôi lớn bởi Pop, bởi Metal Rock, bởi giao hưởng thính phòng, mà đôi khi, lại từ điệu hát ru à ơi của người bà ru ta thuở nhỏ. Nó tạo nên một bản cách con người khác biệt của dân tộc, một bản cách không dễ dàng bị hoà tan hay đồng hoá bởi những văn hoá ngoại lai.
Thế hệ chúng tôi, thế hệ chúng ta, lại là một thế hệ tìm tòi.Thế hệ cha ông đã là thế hệ tìm kiếm sự mở mang trong tiếp cận với văn hoá nước ngoài, tìm kiếm những giá trị của cái đẹp phổ quát. Thế hệ này, lại là thế hệ đi tìm kiếm bản sắc trong cái đẹp phổ quát ấy, dân tộc hoá nó, Việt Nam hoá nó. Nói tới đây, tôi nhớ tới Bức Tường hay Ngũ Cung với những tìm tòi mang chất liệu âm nhạc Tây Bắc vào Rock. Tôi nhớ tới Quốc Trung với album "Đường xa vạn dặm" cách đây hơn 10 năm. Tôi nhớ tới Đen với câu hát "Vì đất nước mình còn lạ, cần chi đâu nước ngoài". Tôi nhớ tới những nghệ sĩ đang đau đáu mang trong mình ước vọng đem những giá trị Việt đến với nghệ thuật thế giới. Tôi nhớ tới những tiếng vỗ tay vang dội nơi hội trường đêm nhạc "Tiếng trúc tiếng tơ" của những người bạn quốc tế không hiểu một chữ tiếng Việt, của những người trẻ sau đó có thể lên bar.
Rồi, tôi lại chợt nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa", hôm nay tôi chợt được nghe lại trong điệu xẩm xoan:
"Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ, mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?"
Hôm nay, tôi viết những dòng này sau khi trở về từ buổi biểu diễn "Tiếng trúc tiếng tơ" ở Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội. Một buổi biểu diễn tuyệt vời, theo nghĩa mọi thứ đều tròn trịa, đem lại cảm giác thoả mãn cho đa số công chúng - mà đa phần là người nước ngoài và thanh niên. Chỉ là, chẳng phải sẽ tuyệt hơn nếu như có sự góp mặt của những ca nương, những nhạc công trẻ tuổi trong những phần biểu diễn này ư? Để chứng tỏ rằng, trong quá trình tiến ra thế giới, chúng ta không vô tình bỏ quên những giá trị truyền thống làm nên con người mình. Để chứng tỏ rằng, văn hoá Việt Nam có nhiều hơn là thư pháp, chữ quốc ngữ, múa nón và nhảy sạp, để đến một ngày - chẳng hạn - sẽ có Rock Tây Bắc sánh vai với Rock Bắc Âu, trở thành một thứ văn hoá truyền thống mang tính đại chúng hơn?
Hay đó chỉ là một giấc mơ như vạn giấc mơ khác trước khi ta thành một ai đó không phải là mình.