Nhà đầu tư ngóng chờ hàng mới. |
Theo nhận xét của một nhà đầu tư cá nhân, sau một vài phiên tranh thủ "lướt sóng" khi thị trường tăng mạnh, nhiều người đang có tâm lý chờ đón một lượng cung lớn hàng hóa mới nên xả hàng để rút tiền về.
Những thông tin niêm yết cổ phiếu của một loạt các doanh nghiệp lớn như Đạm Phú Mỹ, Hoà Phát, Cao su Đồng phú, Công ty xây dựng số 5, PVFC hay Vietcombank... đang được giới đầu tư ngóng chờ. Trong đó, yếu tố tác động nhiều nhất đến diễn biến thị trường trong 3 phiên gần đây là IPO của công ty Tài chính dầu khí (PVFC) và Vietcombank.
Theo dự đoán của giới đầu tư, phiên đấu giá hôm nay (19/10) của PVFC hứa hẹn nhiều điều bất ngờ. Tuấn Ngọc, nhà đầu tư sàn An Bình, nhận định, nếu kết quả đấu giá tốt, PVFC có lộ trình niêm yết rõ ràng và sớm, chắc chắn sẽ có một lượng vốn lớn đổ vào để gom hàng.
Tuy vậy, một nhà đầu tư cá nhân khác cho rằng đối tượng tham gia đấu giá PVFC chủ yếu là các tổ chức, đây là cuộc chơi giữa các nhà đầu tư lớn với nhau. Còn nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm phần nhỏ, vì vậy, có thể lượng vốn rút khỏi thị trường niêm yết để chuyển sang PVFC không nhiều.
Nhà đầu tư Xuân Quảng phân tích, khoảng 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank sẽ dành bán cho nhà đầu tư trong nước, tương đương gần 1.000 tỷ đồng. "Giả sử giá bán cổ phiếu Vietcombank gấp 4-5 lần mệnh giá, thì số vốn 4.000-5.000 tỷ đồng sẽ là "khủng" với các nhà đầu tư trong nước. Vì vậy, giới đầu tư chờ đợi để dành tiền cho đợt đấu giá quan trọng này", Quảng nói.
Tuy nhiên, theo ông Quảng, hiện nay những thông tin liên quan IPO của đại gia ngân hàng này vẫn chậm chạp khiến nhà đầu tư rất sốt ruột. Trước đây, họ kỳ vọng thông tin sẽ công khai trước ngày 15/10. Thế nhưng đến nay, ngân hàng này vẫn chưa công bố đối tác chiến lược và các thông tin liên quan tới giá bán, điều kiện hợp tác nên nhà đầu tư khó đưa ra kế hoạch lâu dài.
Về phía các chuyên gia, họ cho rằng, chuyện thị trường lên xuống là bình thường và việc nhà đầu tư chờ hàng mới chỉ là một yếu tố.
Tuy nhiên, những yếu tố này chưa đủ sức nặng để thị trường hồi phục mạnh mẽ như hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay. Do vậy, khi thị trường lên đến một mức nào đó sẽ có sự điều chỉnh. Ngoài ra, quy luật của các thị trường chứng khoán là có lên thì sẽ phải xuống chứ không thể lên mãi được.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia chứng khoán khác phân tích, trước đây nhiều người kỳ vọng VN-Index có thể chạm 1.170 điểm. Sau một thời gian khá lâu vẫn không phá được ngưỡng cản quan trọng này nên thị trường quay đầu đi xuống. Tuy vậy, theo chuyên gia này, VN-Index khó có thể xuống dưới 1.000 điểm trong ngắn hạn.
"Nhiều khả năng vào thứ hai tới hoặc chậm nhất là thứ 3, cả hai sàn sẽ đổi chiều. Ngay sáng nay tại sàn Hà Nội, vào cuối phiên, nhiều mã đã có dấu hiệu phục hồi; thay vì chạm sàn như lúc mở cửa, về cuối phiên đã giảm ít hơn", ông này nói thêm.
Anh Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư kỳ cựu tại sàn Habubank, cũng cho rằng, với giá trị giao dịch như hiện nay thì thị trường khó xuống sâu hơn. 3 phiên điều chỉnh vừa qua, trung bình mỗi phiên vẫn có hơn 13 triệu chứng khoán được giao dịch, giá trị cũng đạt hơn 1.200 tỷ đồng.
Theo dự đoán của ông Lê Bá Hoàng Quang, những phiên sắp tới VN-Index có thể vẫn có phiên điều chỉnh, song sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, chỉ số này sẽ chỉ dao động trong khoảng 1.000-1.100 điểm trong tháng 11. Theo lý giải của ông Quang, thông thường tháng 11 là thời điểm giữa quý III và quý IV nên thị trường ít khả năng bật lên mạnh mẽ như hồi cuối tháng 9 đầu tháng 10.
(Theo VnExpress)