- Chị nói mình số "bã trầu", vậy kỷ niệm tình đầu của chị đã nhuốm thứ màu ấy ra sao?
![]() |
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến. |
- 17 tuổi, tôi trao tình đầu cho chàng nhạc công 27 tuổi, người dân tộc Thái. Tôi đã làm bài thơ 100 dòng để tả cái đêm được chàng tháp tùng đi "vay gạo", hồi còn học ở trường Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc. Cuộc tình ấy chưa tiến xa hơn một cái hôn duy nhất và chết yểu sau 10 ngày, khi tôi phát hiện ra lá thư của chàng gửi người con gái khác, với những lời âu yếm: "Gửi hoa biển thân yêu".
- Vì sao chị gửi gắm tình đầu vào một chàng trai người Thái, phải chăng vì anh ta đẹp trai?
- Tôi không dám yêu người đàn ông đẹp hơn mình, vì mặc cảm tự ti. Tôi yêu anh ấy vì anh ấy là người dân tộc Thái. Trường Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc mà tôi học khi ấy đa phần là con em dân tộc thiểu số, nhiều nhất là dân tộc Thái. Tôi ngưỡng mộ lối sống, lối yêu của họ. Truyện thơ khuyết danh của người Thái Tiễn dặn người yêu tác động sâu sắc tới tôi. Người đàn ông trong bài thơ ấy là mẫu hình tôi đi tìm. Tôi đã đến với chàng nhạc công người Thái bằng tình yêu không tính toán, không đòi đáp đền "Như một cánh buồm xinh/Hiến mình ra biển rộng".
- Đổ vỡ của mối tình đầu đã để lại dấu ấn nào trong thơ của chị?
- Bài thơ quen thuộc Gửi tình yêu đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc, tôi viết bằng sự góp nhặt của nhiều nỗi đau, trong đó có nỗi đau tình đầu: "Ta trao cả cho anh/Một con tim dào dạt/Và anh trả cho ta/Nỗi buồn đau tan nát/Ta muốn ôm cả đất/ Ta muốn ôm cả trời/Mà sao không yêu trọn/Trái tim một con người".
- Sau lần vấp ngã, cảm giác của chị với văn hóa Thái như thế nào?
- Đến nay tôi vẫn đắp chăn Thái, nằm đệm Thái. Người bạn gái thân nhất của tôi mấy chục năm nay cũng là người Thái.
- Chị lên xe hoa rất sớm. Người đàn ông nào khiến "nàng thơ" tự nguyện "đeo gông vào cổ"?
- 20 tuổi tôi lập gia đình. Người ấy không đẹp nhưng kho trí tuệ dồi dào, nhiệt tình theo đuổi tôi, cũng hơn tôi gần chục tuổi.
- Chị đã đặt cuộc đời vào một người đàn ông lớn tuổi và rất yêu chị. Theo lẽ thường, cuộc hôn nhân đó sẽ bền vững, nhưng thực tế lại không như vậy. Vì sao?
- "Gái ham tài" chưa hẳn đã hay. Khi sống chung tôi mới biết anh và tôi không hòa hợp. Đã có lúc tôi định chối bỏ cuộc đời nhưng đâu có dễ. 9-10 năm tôi đánh vật với tình yêu, để rồi trở về với con số không tròn trĩnh.
- Còn số phận cuộc hôn nhân thứ hai của chị thì sao?
- Sau ly hôn, tôi sống độc thân 10 năm rồi tái hôn. Cuộc hôn nhân thứ hai chỉ tồn tại 10 tháng.
- Thất bại trong tình yêu phải chăng khiến chị kém tin tưởng ở đàn ông, khi viết rằng: "Nơi nào anh cũng dễ say/Nơi nào cũng sẵn vòng tay hẹn hò"?
- Không phải tôi kém tin tưởng mà chẳng qua đó là thuộc tính của đàn ông. Thuộc tính ấy nói dễ thương cũng được mà dễ ghét cũng được. Tôi thấm thía câu danh ngôn: "Đàn ông chỉ ra đi vì tiêu khiển, trở lại vì hạnh phúc".
- Có lời ì xèo: Lam Luyến coi thường đàn ông. Chị nghĩ sao?
- Vài người nhận xét như thế khi đọc Chồng chị, chồng em của tôi: "Chị thản nhiên mối tình đầu/ Thản nhiên em nhận bã trầu về têm". Tôi trân trọng đàn ông đấy chứ. Có trân trọng mới không nề hà chuyện mình là người đến sau. Tôi không có ý ví đàn ông là "bã trầu" như ai đó lầm tưởng.
- Đã nếm đủ đắng cay, chị rút ra bài học gì cho bản thân?
- Thập niên 60, tôi bước vào tuổi thiếu nữ. Hồi đó, xã hội sống lý tưởng, sách dịch ít nhưng cẩn trọng, tư tưởng lành mạnh. Tôi mê đọc sách và tin sách. Quan niệm tình yêu của tôi cũng được xây dựng từ sách vở. Tôi không tìm được lối đến với tình yêu vì mang trên người quá nhiều luận thuyết. Trong một bài thơ tôi đã viết: "Cứ giận những người làm thơ/Viết về tình yêu quá đẹp/Cho em tìm mãi đến giờ/Thấy đâu trong gian đời hẹp?".
- Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp, hội họa có ảnh hưởng gì tới tình duyên của chị?
- Tôi không phải là nhà sáng tác tranh tốt, nhưng biết nhìn ra cái đẹp trong hội họa. Bi kịch tình yêu của tôi cũng một phần ảnh hưởng từ hội họa. Tôi đặt tình yêu trong một tương quan đắt. Mãi sau này tôi có dịp gặp lại người yêu đầu tiên. Tôi mời anh về nhà, hai người uống hết chai rượu 65 ml, say ngà ngà, nhưng khi đó tôi vẫn giữ mình, dù hoàn cảnh để chúng tôi đến với nhau rất thuận lợi, tôi đã ly hôn, còn anh xa vợ. Tôi hành động như vậy vì muốn giữ mối tình ấy như một tài sản, đặt nó ở một vị trí cao trong trái tim.
- Trong thơ chị rất phá phách. Còn ngoài đời thì sao?
- Vì ngoài đời tôi không phải người phá phách nên mới phá phách trong thơ. Tôi quan niệm yêu đương theo lối truyền thống: Chỉ là của nhau khi đã thành vợ chồng.
- Đến bây giờ, chị còn giữ được bao nhiêu phần của ngọn lửa đam mê như trong "Huyền thoại": "Giá được anh hẹn hò dù phải chờ lâu đến mấy/ Em sẽ chờ như thể một tình yêu"?
- Tôi sống độc thân 15 năm nay đã quen rồi. Bây giờ nếu tái hôn nữa chắc tôi lóng ngóng đời sống vợ chồng lắm. Tôi có tật cứ xem phim hay lại khóc, chẳng biết có người đàn ông nào chấp nhận được không? Trái tim tôi không tỷ lệ thuận cùng thời gian, còn thân xác lại chạy theo năm tháng, mà tôi lại luôn bị cái đẹp hội họa chi phối, đặt tình yêu trong một tương quan đắt. Thế nên, thà chấp nhận "một mình".
(Theo Tiền Phong)