![]() |
Abramovitch sở hữu câu lạc bộ Chelsea. |
Từ năm 2001, “làn sóng Nga” đã đổ ập xuống London, do tỷ phú Boris Berezovski khởi đầu. Philip Beresford, người làm phụ trương Rich List của tờ Sunday Times phát biểu: “Vài năm gần đây, rất đông người Nga đã đổ xô đến London lập nghiệp. Và họ đã không lầm, vì London khác hẳn Moscow. Ở đây, luật pháp rõ ràng, tài sản cá nhân hoàn toàn được tôn trọng, an ninh cá nhân được bảo đảm tốt, không có bắt cóc hoặc cưỡng chế”.
Các vụ đánh bom và đe doạ khủng bố tại London cũng không làm những người ngoại quốc giàu có cảm thấy bất an khi chọn nước Anh. Đơn giản, vì họ nghĩ: Ai sống tại Anh hiện nay mới là người giàu.
Những quyến rũ từ London
Sau Mittal và Roman Abramovitch, trong số 10 nhân vật Top của London được kể đến là Hans Rausing người Thụy Điển với 4,9 tỷ bảng Anh, Leonard Blavatnik người Nga (4,6 tỷ), các trùm tư bản tài chính Ấn Độ Sri và Gopi Hinduja (3,6 tỷ), anh em nhà David và Simon Reuben người Do Thái gốc Iraq nhưng sinh ra tại Bombay (3,2 tỷ) và ông vua tàu chở dầu người Na Uy John Fredriksen (2,8 tỷ ). Có 3 công dân Anh lọt vào Top 10 này gồm công tước Westminster - người sở hữu khá nhiều đất đai ở London (6,6 tỷ), Philip Green - ông vua chuỗi cửa hàng quần áo thời trang (4,9 tỷ) và Richard Branson, chủ tập đoàn Virgin (3 tỷ). |
Một trong những yếu tố vượt trội mà London có được để tạo ra sức hút mạnh mẽ so với Paris hay New York chính là hệ thống thuế khóa. Thuế ở đây khá thoáng. Định mức thuế thu nhập tối đa tại Vương quốc Anh là 40% và hoàn toàn không có khoản thuế phụ trội đối với các đối tượng sở hữu những nguồn gốc tài sản lớn.
Mặt khác, do vẫn còn áp dụng một đạo luật ưu đãi dành cho những người thuộc diện “không cư trú”, nên Anh vẫn đặc biệt hấp dẫn đối với các tỷ phú ngoại quốc, những đối tượng hiện đang hoạt động làm ăn kinh doanh bên ngoài lãnh thổ Anh. Chủ tịch Viện nghiên cứu về thuế của Anh John Whiting giải thích: “Nếu quý vị là người sinh ra và lớn lên bên ngoài lãnh thổ Anh, thì ở đây quý vị luôn được pháp luật xem như một người “không cư trú trên lãnh thổ Anh”. Trong trường hợp đó, ngay cả khi quý vị đã sinh sống tại Anh 30 năm và thậm chí công ty của quý vị đang hoạt động tại Anh, thì quý vị cũng không phải nộp thuế thu nhập và những khoản thuế lợi tức phát sinh bên ngoài nước Anh”.
Những nhân vật như Mittal, Abramovitch và khoảng 100.000 cư dân nước ngoài giàu có đang được hưởng ưu đãi này.
Không những chỉ được hưởng một chính sách thuế khóa ưu đãi, những người giàu muốn tìm đến nước Anh cũng là để chứng tỏ họ là những người quý phái khi sở hữu những bất động sản kếch sù mang màu sắc hoàng gia. Theo thống kê, 70% tổng số nhà ở và biệt thự tráng lệ trị giá trên 10 triệu bảng Anh hiện nay đã được những người nước ngoài mua. Những đối tượng này có hẳn một khu vực bất động sản riêng biệt để có thể chọn lựa tùy thích theo “gu” riêng.
Andrew Philipps, người phụ trách mảng dịch vụ cho các “khách sộp” của công ty bất động sản nổi tiếng Hamptons International cho biết: “Bất động sản ở London đắt đỏ nhất thế giới, nhưng hoàn toàn không thành vấn đề đối với các tỉ phú”.
Để chứng minh ý kiến trên, có thể đưa ra ví dụ về hai dinh thự sang trọng của tỉ phú gốc Ấn Độ Lakshmi Mittal (trị giá 70 triệu bảng) và của Leonard Blavatnik người Nga (74 triệu bảng). Hai dinh thự này nằm không xa Kensington Palace, nơi ở cũ của công nương Diana. Và nếu chỉ tính riêng trong khu Kensington và Chelsea, đã có 850 căn nhà và căn hộ được bán với giá hơn 1 triệu bảng Anh vào năm 2004, tăng 35% so với năm trước đó.
Một thuận lợi khác là công dân “nhập cư” này cảm thấy có nhiều cơ hội hòa nhập ngay lập tức vào xã hội Anh. Họ không cảm thấy mình bị bỏ rơi và đơn độc ngay tại London. Nhiều lễ hội được tổ chức tưng bừng vào mùa hè như đua ngựa tại trường đua Ascot, lễ hội hoa tại Chelsea và giải thi đấu polo Cartier tại Windsor. Những sự kiện này không còn chỉ dành riêng cho các bậc trưởng giả quý phái của nước Anh, mà đón tiếp mọi tầng lớp giàu có hiện đang sinh sống trên đất nước Anh.
Philip Beresford nói: “Cả hoàng gia và tầng lớp quý tộc Anh ngày nay đã thay đổi. Họ đã có một cái nhìn đầy thiện cảm và niềm nở với tầng lớp những tỷ phú mới của thời đại, nhất là đối với những người nước ngoài. Do đó, những tỷ phú nước ngoài rất thích thú khi được mời đến dự những buổi tiệc hay chiêu đãi do tầng lớp quý tộc tổ chức”.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)