![]() |
Giao dịch tại SeaBank Bình Dương. |
Lý giải mức giảm trừ gia cảnh đối với người có thu nhập (khởi điểm chịu thuế) của luật vẫn giữ ở mức 4 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định phương án này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu tình hình kết quả tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền lương, tiền công của Nhà nước...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ninh cũng cho biết đây là phương án của Chính phủ trong dự luật, còn khi trình QH cho ý kiến thì vẫn trình cả mức khởi điểm chịu thuế 5 triệu đồng/tháng. Theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và ngân sách đã nhất trí với phương án khởi điểm chịu thuế là 5 triệu đồng/tháng.
Theo dự thảo luật, thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ vẫn nằm trong nhóm thu nhập phải chịu thuế với mức thuế suất 5%. Song phân tích ở góc độ ngân hàng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn cho rằng phần lớn những người gửi tiết kiệm là những người không đủ khả năng kinh doanh, nếu tính thuế tiền lãi gửi tiết kiệm sẽ gây ra tâm lý e ngại, người dân sẽ chuyển qua mua vàng, ngoại tệ hoặc dùng biện pháp chia nhỏ lượng tiền gửi, đứng nhiều tên trên sổ tiết kiệm, gửi nhiều ngân hàng... để trốn thuế. Và đây cũng là lý do mà các thành viên UBTVQH khi thảo luận đều cho rằng “chưa nên thu thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm”. Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Bộ trưởng Ninh cho biết sẽ trình Chính phủ xem xét lại.
Ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007. Theo đó, năm 2007 sẽ có ba kỳ họp QH: kỳ họp 11, khóa XI (tháng ba), kỳ họp thứ nhất, khóa XII (tháng bảy) và kỳ họp thứ hai (tháng mười một). Theo Ủy ban Pháp luật của QH, có 59 dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ, các cơ quan, tổ chức đề nghị đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, trong đó 33 dự án thuộc chương trình nhiệm kỳ QH khóa XI và 26 dự án mới đề xuất. Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cho biết năm 2007 sẽ tiến hành bầu cử đại biểu QH khóa XII (dự kiến vào chủ nhật 20/5). |
Liên quan đến cơ sở tính mức giảm trừ gia cảnh vào thời điểm luật chính thức có hiệu lực là sau hai năm nữa, phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng các cơ sở hiện tại để tính toán mức giảm trừ vào năm 2009 là không có giá trị thực tế. “Với thời gian có hiệu lực quá xa như vậy thì cần phải xem xét lại: hoặc không ban hành, hoặc để thời gian có hiệu lực là một năm”, ông Trân đề xuất.
Chia sẻ với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Trần Thị Tâm Đan cho rằng luật từ khi thông qua cho đến lúc có hiệu lực không nên có quá trình dài như vậy.
Trong khi đó, theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, kỳ họp đầu năm sau sẽ dành nhiều thời gian cho các nội dung kết thúc nhiệm kỳ QH khóa 11 và sẽ họp sớm nên có thể không kịp để trình QH thông qua Luật thuế thu nhập cá nhân.
“Tốt nhất là sau lần lấy ý kiến đầu tiên tại kỳ họp tới, dự thảo luật nên dành nhiều thời gian hoàn thiện và để đến kỳ họp cuối năm 2007 thông qua”, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Yểu đề nghị. Bên cạnh đó, theo ông Yểu, dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân dứt khoát phải được đưa ra lấy ý kiến nhân dân sớm.
(Theo Tuổi Trẻ)