Chiều 8/6, Trung tá Mai Anh Tiến, Trưởng Công an huyện Như Xuân, cho biết đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt ông Lê Văn Nê về hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường, vi phạm quy định về phòng bệnh động vật.
Ngoài bị xử phạt hành chính mức 5-6 triệu đồng, chủ trang trại phải chịu thêm các chi phí cho công tác tiêu huỷ, phòng ngừa dịch bệnh...

Hơn 80 con lợn bị ông Nê vứt ở khu đất trống đã được đưa đi tiêu huỷ.
Theo trung tá Tiến, liên quan vụ việc, nhà chức trách đang xác định người bán đàn lợn mắc bệnh cho ông Nê để xử lý theo quy định. "Không chỉ người vứt xác lợn chết, lợn bệnh mà đầu mối cung ứng hàng hoá cũng phải chịu trách nhiệm", trung tá Tiến nói.
Trước đó, ngày 3/12, người dân phát hiện đàn lợn bị vứt bỏ sát đường dân sinh, cách xa nhà dân vài trăm mét thuộc khu vực giáp ranh xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) và xã Xuân Bình, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Cơ quan chức năng xác định, số lợn được chủ trại chở bằng xe tải tới vùng này để vứt rạng sáng cùng ngày. Trong số hơn 80 con lợn loại 30-40 kg, có một số đã chết hoặc yếu ớt.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, ngày 6/12, Công an huyện Như Xuân xác định người đổ trộm lợn nhiễm dịch bệnh là ông Lê Văn Nê. Khi bị triệu tập đến cơ quan công an, ông Nê khai đầu tháng 12 có mua đàn lợn gần 100 con lợn (trọng lượng 20-30 kg mỗi con) của một người dân ở tỉnh Phú Thọ đưa về trang trại của gia đình nuôi.
Tuy nhiên được vài hôm, nhiều con lợn trong đàn có biểu hiện nhiễm dịch bệnh, lăn ra chết nên rạng sáng 3/12, ông Nê dùng xe tải chở 83 con lợn từ nhà sang khu vực thôn 13 xã Xuân Bình huyện Như Xuân đổ trộm bên đường, sau đó lái xe về nhà.
Hiện chiếc xe tải chở lợn đang được Công an huyện Như Xuân tạm giữ, đồng thời cho cơ quan thú y phun tiêu độc khử trùng để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên đầu tháng 2/2019, trong vòng 7 tháng, dịch lan ra 63 tỉnh, thành. Khoảng 6 triệu con lợn, tổng trọng lượng gần 340.000 tấn đã bị tiêu hủy, làm giảm trên 8% sản lượng thịt lợn cả nước. Nhiều địa phương phải chi hàng nghìn tỷ đồng để ngăn chặn dịch.