Thầy giáo Thuỵ đang dạy các cháu bắt chước tiếng gà gáy. |
“Chú nuôi dạy trẻ” Lương Trọng Bình là một người đàn ông có râu mép rậm đen và dáng người chắc nịch. Nếu không tận mắt chứng kiến anh đứng lớp, múa hát, đùa vui với các cháu nhỏ thật khó tin là anh đã có thâm niên 13 năm trong nghề. Hiện thầy giáo Bình là hiệu phó chuyên môn của Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3, TP HCM. “Mang tiếng” là hiệu phó nhưng anh vẫn thường xuyên xuống lớp tham gia cùng các cô chăm sóc, dạy dỗ các bé, nhất là đối với những môn học khó như “dạy trẻ làm quen với nước”, “dạy trẻ làm quen với máy vi tính”... Từ những ngày mới về trường, anh đã nổi tiếng về tài hát hay, múa giỏi và đặc biệt có “máu” con nít.
Trường Mầm non Bàu Cát ở quận Tân Bình có đến 2 thầy nuôi dạy trẻ. Đó là thầy Nguyễn Ngọc Tâm và thầy Nguyễn Tường Thụy. Mỗi khi nói về 2 giáo viên nam của trường mình, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Dung rất hãnh diện: “Từ lúc có thầy Thụy, thầy Tâm về công tác, không khí trong trường như khác hẳn. Các phong trào học tập, thi đua cũng trở nên sôi nổi, tích cực hơn. Đặc biệt các cháu bé rất thích học lớp có thầy phụ trách”.
Theo thầy Lương Trọng Bình, do nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ ngày càng cao nên công việc của người giáo viên mầm non không chỉ đơn thuần như lo cho các bé ăn, ru cho bé ngủ, dỗ dành bé khi khóc mà như công việc của một “kỹ sư xây dựng” - phải luôn biết tạo ra những mô hình học tập mới cho bé chơi, bé học. Xuất phát từ ý nghĩ này, anh Bình đã tạo ra nhiều mô hình học tập cho các cháu.
Còn thầy giáo Thụy cho rằng nhiều người nghĩ nghề giữ trẻ mầm non nhàm chán không hợp với tính cách của người đàn ông. Nhưng nếu thật sự hiểu được bọn trẻ sẽ thấy công việc rất thú vị. Trẻ em bây giờ rất hiếu động và tinh nghịch nên giáo viên phải chủ động và linh hoạt trong công việc. Nhiều nữ đồng nghiệp “ganh tỵ” nói, các thầy vừa có cái uy của người cha vừa có sự dịu dàng, khéo léo của người mẹ nên bảo gì bọn trẻ cũng răm rắp nghe theo. Đây chính là ưu thế chung của phái mạnh khi làm nghề giữ trẻ.
Theo Người Lao Động, hiện nay, thầy giáo mầm non ở các quận huyện trên địa bàn TP chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Những năm qua số nam học sinh ở Trường Trung học Sư phạm Mầm non TP cứ giảm dần. Cô Bùi Thị Thu Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Sư phạm Mầm non TP, nhận định: “Một số học sinh nam học khá nhưng khi tốt nghiệp ra trường lại không theo nghề vì sợ “mang tiếng”. Tại sao chúng ta lại cứ giữ quan niệm nghề nuôi dạy trẻ là công việc của phụ nữ? Chính quan niệm hẹp hòi này đã tạo áp lực “đẩy” những giáo viên nam ra khỏi ngành giáo dục mầm non. Đây là một thiệt thòi không nhỏ vì những em nam từng theo học ở đây khi ra trường đều trở thành giáo viên giỏi. Họ yêu trẻ, yêu nghề, là lực lượng nòng cốt của các trường mầm non quận huyện”.