- Chị tận dụng thời gian tránh dịch thế nào để thỏa mãn đam mê nấu nướng?
- Tôi là người đam mê ăn ngon thì đúng hơn. Tôi cũng thích nấu ăn khi rảnh rỗi nhưng trước đây công việc của hai vợ chồng quá bận rộn, vả lại đi "ăn ngoài" ở TP HCM cũng rất tiện nên mỗi tuần tôi chỉ có cơ hội trổ tài 1-2 lần. Thời gian tránh dịch này, tôi dành phần lớn để chăm sóc bé Myla bởi không có bất cứ sự trợ giúp nào. Mỗi ngày, tôi đặt ra mục tiêu nấu một món ngon yêu thích mà trước đây chưa từng nấu. Càng nấu, tôi càng hưng phấn vì được thư giãn tâm trí và thưởng thức nhiều món mà trước đó phải chờ ra ngoài hàng hay bay về Hà Nội mới được ăn.
- Chị chọn nấu những món gì để hợp khẩu vị cả nhà, đủ dinh dưỡng cho chồng con?
- Buổi sáng, chúng tôi thường ăn đơn giản như ngũ cốc với sữa chua hoặc sữa tươi với hoa quả; bánh mì kèm trứng ốp la hoặc bơ, mứt. Buổi trưa cũng nhẹ nhàng, luân phiên các món nước như bún, miến, phở còn buổi tối thì cầu kỳ bằng cơm Việt, đồ Âu, Thái... Các bữa ăn luôn giàu protein, đạm, rau xanh... để cả nhà không những ăn ngon mà còn đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, tôi sẽ nấu những món mà cả hai vợ chồng đều thích. Đó là ghẹ sốt me, bún thang, bún riêu, bún ốc, phở bò, pad Thái, cà ri gà...
- Nấu những món cầu kỳ, đòi hỏi nhiều nguyên liệu trong khi việc đi chợ bị hạn chế, chị xoay xở như thế nào?
- Mua được loại gia vị hay rau thơm nào đặc biệt, tôi sẽ nương theo đó mà trổ tài. Ví dụ hôm bữa kiếm được rau răm, tôi sẽ chế biến các món có thể dùng rau răm như bún thang, miến gà... Nếu mua được ngò gai, tôi sẽ tìm bằng được cua đồng để nấu bún riêu. Có ít xương bò thì hầm nước lèo chan phở. Tôi cũng cắt rau củ cho vào hộp để dự trữ như các gia đình khác, giữ thói quen bảo quản thịt, cá bằng cách đông lạnh để ăn dần. Chúng tôi may mắn vì khu vực Hồ Tràm - nơi cả nhà tránh dịch - hải sản rất phong phú. Có lẽ vì vậy mà tôi không gặp hạn chế nào, có cơ hội thể hiện nhiều món hơn.
- Là người yêu cái đẹp và thích ăn ngon, chị dung hòa các yếu tố hương vị, dinh dưỡng và hình thức thế nào trong mỗi món ăn?
- Đối với tôi - một người con Hà Nội - gia vị và hương vị phải vừa đủ, đan xen, bổ trợ thật tinh tế. Tôi thích sự truyền thống của món ăn nên không "pha tạp" như bỏ thịt bò vào bún riêu hay sử dụng các loại rau thơm, gia vị tùy tiện làm sai hương vị. Các yếu tố dinh dưỡng phải đảm bảo. Tôi hay chọn thịt, cá, rau củ chất lượng tốt nhất. Việc bày biện cầu kỳ không phải sở trường của tôi. Tôi chỉ bày ra nhìn cho "ngon mắt", "đầy đặn" là được chứ cắt tỉa, trang trí nhiều đĩa thì lúc dọn rửa rất kỳ công.
- Chị được truyền cảm hứng bếp núc từ ai?
- Hai bà và mẹ của tôi đều nấu ăn ngon. Cảm hứng của tôi là hương vị các món ăn truyền thống và những ký ức tuổi thơ thật đẹp gắn liền với chúng. Mỗi hương vị, màu sắc món ăn lại gợi nhớ cho tôi về sự sum vầy, hạnh phúc gia đình... Những gánh hàng rong hay quán ăn nhỏ nơi góc phố làm trẻ con chúng tôi khi ấy háo hức và mong chờ.
Lúc tôi nấu ăn, bao nhiêu ký ức đẹp tràn về. Tôi rất hạnh phúc khi được truyền lại những ký ức và câu chuyện này cho gia đình nhỏ và đứa con thơ của mình. Câu chuyện ẩm thực là câu chuyện về truyền thống và gia đình. Chúng ta lưu truyền những món ăn ngon là cách lưu truyền giá trị văn hoá và gia đình hết đời này đến đời khác.
- Ở nơi tránh dịch, không có người giúp việc, ông xã Olly sẽ được chị phân công những nhiệm vụ gì?
- Anh Olly giúp đỡ dọn dẹp và thỉnh thoảng xung phong vào bếp những lúc tôi ngại nấu nướng vì mệt. Khi tôi nấu, anh chăm Myla để con đỡ "quấn chân" mẹ. Đặc biệt, lúc thưởng thức, anh ấy luôn "khen nức nở" và cảm ơn vợ để tôi vui. Anh còn nhắc bé Myla phải cảm ơn mẹ nữa.
Ngắm hai bố con vừa ăn vừa khen ngon, tôi rất thích thú. Là đầu bếp, khi được "thực khách" thưởng thức nhiệt tình, vét sạch đĩa, tôi cảm thấy không hạnh phúc nào hơn.
- Lên ba tuổi, khẩu vị của bé Myla thế nào?
- Myla ăn được tất cả món Việt và Âu. Món nước hay món khô, bé đều hưởng ứng. Tôi còn cho con làm quen chút riêu cua, ốc, trứng vịt lộn, chè... Myla rất mê ăn ốc. Sau này, chắc chắn tôi sẽ có "đồng minh" đi ăn ốc.
-️ Chị làm sao để bé ăn phong phú, dễ thích nghi với nhiều phong cách ẩm thực như vậy?
- Tôi và bảo mẫu của Myla đã giới thiệu cho bé đầy đủ những hương vị, mùi, màu sắc... khác nhau. Ngoài ra, khi gia đình ăn cùng bé, mọi người thể hiện sự tự tin và yêu thích các món ăn, chia sẻ với nhau những miếng ngon, để xây dựng trong bé tình yêu ẩm thực.
Chúng tôi không bao giờ chê bai trước mặt con những gì không muốn ăn để tạo ấn tượng xấu cho bé. Cũng không tạo rào cản như "không cho con ăn vì tự nghĩ quá chua"... Tôi không dựa vào những đánh giá chủ quan của mình để hạn chế mà vẫn cho con được trải nghiệm, tự quyết định bé có thích ăn hay không.
- Gia đình chị đã ở Hồ Tràm ba tháng kể từ khi TP HCM giãn cách xã hội. Tâm trạng chị lúc này thế nào?
- Chúng tôi rất nhớ gia đình ở Hà Nội và em gái, bạn bè đang sống tại TP HCM. Nhiều tháng rồi, tôi không được gặp bà nội, ba mẹ nên trong lòng không yên tâm. Cả nhà gọi điện cho nhau hàng ngày và tôi hay gửi đồ ăn, hỏa quả ngon cho mọi người. Đây là cách tôi chăm sóc gia đình từ xa cho đỡ nhớ, còn bản thân vẫn an toàn và thoải mái khi tránh dịch ở Hồ Tràm.
Ở đây có không gian cho bé Myla vui chơi. Dù nhớ nhà ở TP HCM, chúng tôi vẫn tự tạo niềm vui cho tổ ấm của mình tại đây. Nơi đâu có nhau, nơi ấy là nhà. Giờ tôi cũng rất rành chuyện chợ búa tại khu này và sinh hoạt gia đình bình yên, thư thái. Tôi hơi bận rộn vì vừa chăm Myla vừa nấu nướng và hai vợ chồng vẫn làm việc online, nhưng tôi tự nhủ "người khác làm được thì mình cũng làm được, và phải làm tốt nữa".
>> Xem thêm: Những mâm cơm Hà Anh nấu cho chồng con khi tránh dịch
Lam Trà