Ngoài 20 tuổi, dáng người cao, da trắng, gương mặt ưa nhìn và ăn nói đặc biệt có duyên, Nga được khá nhiều chàng trai theo đuổi. Cô lấy chồng là chuyện bình thường, nhưng lại không bình thường vì chú rể Hàn lớn hơn Nga gần 20 tuổi. Hai người chỉ biết nhau... có mấy ngày. Thời gian gặp, làm quen và cưới gói gọn một tuần.
![]() |
Một đám cưới cô dâu Việt chú rể Hàn ở Hải Phòng. |
Gặp lại Nga một lần cô ghé qua tiệm, tôi lo lắng hỏi:
- Em đã suy nghĩ kỹ chưa?
- Rồi chị ạ. Cả nhà em cũng đồng ý.
- Em có biết chuyện các cô dâu Việt bị chồng đánh đập, hành hạ không?
- Có chị ạ, em xem trên TV và đọc báo. Nhưng em thấy mặt chồng em có vẻ hiền hiền. Vả lại chị ơi, ở đâu cũng có người tốt người xấu. Đấy, ngay ở Việt Nam mình, cũng đầy người bị chồng đánh, chồng giết, chị cứ đọc báo Công an thì thấy. Đàn bà may ra gặp người tử tế thì được nhờ, như bạn em cũng lấy chồng Hàn Quốc, đổi đời đấy chị ạ. Ông chồng em là nhờ nó giới thiệu.
Tôi cố thuyết phục:
- Em không biết tiếng Hàn Quốc, không nói được tiếng Anh, lấy gì làm cơ sở để xây dựng hạnh phúc? Chuyện vợ chồng, không thể trông chờ vào sự may rủi...
- Tiếng thì học mãi cũng phải biết. Từ hôm gặp nhau đến giờ, em cũng học được khối thứ. Bạn em đi một năm về cũng nói được khá. Nó làm phiên dịch cho em đấy. Những lúc không có nó, "chúng em" nói chuyện bằng tay, cũng hiểu. Ông chồng em có vẻ tử tế chị ạ. Hôm ăn hỏi, cho phong bì 2 triệu. Cưới nhau xong, trước khi về Hàn, cho mẹ em 2 "vé", em 2 "vé"...
Nhìn vẻ mặt hồ hởi của Nga, tôi biết chẳng có cách gì làm em thay đổi ý định. Có chăng chỉ có thể khuyên em vài điều mang tính sách vở và bảo em nên đến Trung tâm Tư vấn pháp luật của Thành hội Phụ nữ để được tư vấn cho cách làm... vợ và cách tự bảo vệ mình nếu có chuyện không may xảy ra nơi đất khách quê người.
Đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Thành hội Phụ nữ Hải Phòng, địa phương có khá đông chị em lấy chồng ngoại, mới hay, trường hợp của Nga không phải là ngoại lệ.
Hai cô gái còn trẻ, đều khá xinh xắn, một đến từ Phả Lễ, Thủy Nguyên, một đến từ thị xã Đồ Sơn, đang chờ để được tư vấn pháp luật, một thủ tục cần và đủ cho một bộ hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố quốc tế theo quy định. Thực tế, cả hai cô đều đã làm đám cưới (cả hai chú rể đều là người Hàn Quốc).
Chú rể của cô dâu người Thủy Nguyên mới sang Việt Nam vào ngày 16/8, ngày 17/8 họ gặp nhau, 20/8 ăn hỏi, 21/8 tổ chức đám cưới, mặc dù người Việt Nam có tục lệ kiêng cưới hỏi vào tháng 7 âm lịch (tháng Ngâu).
Nguyện vọng của cô dâu mới này là mong muốn Trung tâm giúp đỡ cô nhanh chóng hoàn thành thủ tục để được đăng ký kết hôn và ra nước ngoài theo chồng.
Theo chị Phạm Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (thuộc Hội LHPN Hải Phòng) xu thế hướng ngoại, muốn xuất ngoại đã thực sự chi phối sâu sắc đời sống cộng đồng.
Tuy có rất nhiều lời cảnh báo về hiện tượng bạo lực gia đình mà các cô dâu Việt là người phải gánh chịu, nhưng số lượng các cô dâu lấy chồng ngoại quốc không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng.
Năm 2006, riêng ở Hải Phòng, Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội LHPN) tư vấn cho 275 trường hợp lấy chồng ngoại. Từ đầu năm đến nay, đã có 218 trường hợp đến xin được tư vấn để hoàn thành thủ tục lấy chồng ngoại quốc.
Các xã Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên), Đại Hợp, Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy), Bàng La (Đồ Sơn)... là những xã có nhiều cô dâu lấy chồng ngoại. Riêng xã Lập Lễ (Thuỷ Nguyên) đã có trên 500 cô dâu lấy chồng ngoại quốc.
"Đối tác hôn nhân" thường là người Hàn Quốc và Đài Loan. Phần đông họ không có nghề nghiệp ổn định và đặc biệt là tuổi tác quá chênh lệch so với cô dâu Việt. Trong sổ tư vấn của Trung tâm ghi danh không ít cô gái chỉ mười tám đôi mươi, nhưng "đối tác" chuẩn bị kết hôn là những “chàng trai” đã có một vài đời vợ, tuổi tác chênh lệch gấp vài lần.
Các trường hợp chị em thế hệ 8X lấy các ông chồng “chào đời” vào những năm 50 là khá phổ biến. Một số cô lấy chồng qua các đường dây môi giới, không biết đã đành. Nhưng nhiều cô được bạn bè "đi trước" giới thiệu như trường hợp cô Nga kể trên, dù biết quá rõ sự chênh lệch, vẫn đồng ý mặc áo cô dâu.
"Khối người lấy chồng "nội" 100% nhưng vẫn bị đánh đập, bị ép sinh con trai, ép kiếm tiền cho chồng đi nhậu, đi đánh bạc, ép ly hôn để chồng lấy vợ mới... Sống còn không ngẩng đầu lên được thì sao báo hiếu được cho bố mẹ", nhiều cô gái nông thôn đã nói như thế khi được hỏi tại sao chọn phận làm dâu bấp bênh nơi xứ người.
Khi tôi hỏi các em có biết theo khảo sát chính thức chỉ 50-60% các cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc có hạnh phúc, một cô lập tức hỏi lại tôi: "Vậy chị có bảo đảm lấy chồng trong nước thì số cô dâu hạnh phúc sẽ nhiều hơn?".
Mới hay buông lời trách móc các cô gái nông nổi, nhẹ dạ thì thật dễ, nhưng phía sau những lý do như người ta vẫn thường nghĩ về các cô (ham tiền, lười lao động...), dường như vẫn còn nhiều tâm sự khác. Có phải vì thế mà làn sóng lấy chồng ngoại vẫn gia tăng, ngay cả khi công luận đã đưa ra những lời cảnh báo mạnh mẽ nhất?
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)