Máy nào thẻ nấy
Thẻ CF 5 GB. |
Trên thị trường hiện có gần chục loại thẻ nhớ, sự đa dạng về thể loại của chúng lại khiến người mua không khỏi lúng túng: Memory Stick card (MS), Secure Digitai card (SD), Compact Flash (CF), Multi Media card, Smart Media, MMC card, Memory Stick Duo, xD-Picture card, Micro Driver... Phổ biến hơn cả vẫn là 3 loại thẻ MS, SD và CF, trong đó CF là thông dụng nhất với TypeI và Type II. Về cơ bản, tất cả các loại thẻ trên đều là thẻ nhớ mở rộng của máy ảnh số, máy quay phim, máy nghe nhạc MP3, điện thoại di động, PDA, bút ghi âm... dùng để lưu trữ các file ảnh, file nhạc nén, video clip hoặc tài liệu đồ hoạ. Tuy nhiên, mỗi loại có một chuẩn riêng biệt tuỳ theo các nhà sản xuất. Trừ CF có thể dùng cho nhiều loại thiết bị và nhiều nhãn hiệu, đa số các loại thẻ khác đều chỉ phù hợp với một hoặc hai loại máy ảnh riêng. Ví dụ: SD và MMC cho Canon; Smart Media, xD-Picture cho Fujifilm và Olympus, MS cho Sony, SD cho Panasonic, Micro Driver cho Nikon. Bạn đừng nên đặt câu hỏi "Tại sao không dùng chung một loại thẻ nhớ?". Đơn giản vì các hãng bán máy ra cũng cần bán cả thiết bị đi kèm.
Những người phải tiếp xúc với nhiều loại thẻ khác nhau phải có nhiều đầu đọc thẻ khác nhau. Gần đây, loại đầu đọc thẻ đa dụng đang chiếm chiếm ưu thế vì sự tiện dụng và giá cả tương đối thấp. Nếu như 1 chiếu đầu đọc đơn khoảng dưới 100.000 đồng thì 1 chiếc đầu đọc đa dụng, đọc được 6 hoặc 7 loại thẻ có giá 300.000 đồng. Nhiều cửa hàng đang có bán loại đầu đọc Carry (Đài Loan) đọc được 8 loại thẻ khác nhau, thích hợp cho phóng viên, người làm đồ họa-thiết kế, thợ chụp-phóng ảnh số...
Bên cạnh sự đa dạng về chúng loại, thị trường thẻ nhớ còn phong phú bởi nhãn hiệu của nhiều nhà sản xuất. Không chỉ có Lexar, Sandisk, Fujifilm mà Transcend, Kingston, Sony, Samsung, Seagate... cũng ngày càng có uy tín trên thị trường.
"M" hay "G" thì vừa?
Thế hệ thẻ nhớ đầu tiên có trên thị trường nước ta có dung lượng 4-6-16MB (thường đi kèm máy ảnh kỹ thuật số). Loại thẻ dung lượng thấp này nhanh chóng bị lãng quên bởi sự ra đời ồ ạt của các thẻ dung lượng lớn, từ 128MB-256MB-512MB-1GB-2,2GB-4GB-5GB và kỷ lục là 8GB (Samsung đang giữ kỷ lục). Hãng Panasonic có kế hoạch sản xuất thẻ 18GB vào năm 2008. Như một cuộc chạy đua, máy ảnh số độ phân giải ngày càng cao thì thẻ nhớ dung lượng ngày càng lớn. Đồng thời, tốc độ của thẻ nhớ cũng được cải thiện nhanh chóng, từ 300-600KB/s đến 900KB-2,4MB/s, rồi lên tới 10MB/s, 20MB/s.
Nếu như máy ảnh gia đình và cơ quan hiện nay dùng thẻ 128 hoặc 256 là tương đối "ổn" thì thợ chụp ảnh chuyên nghiệp trang bị thẻ tối thiểu là 512MB, thậm chí "ăn" nhau bằng "ghi". Trên thực tế, thị trường Việt Nam mới chỉ có thẻ 4-5GB, tuy nhiên còn chưa phổ biến vì giá còn đắt. Do có nhiều nguồn hàng khác nhau nên giá cả các loại thẻ chênh nhau tuỳ thuộc vào mỗi nhãn hiệu và từng cửa hàng, cùng một loại thẻ, có thể chênh từ 2-10USD. Thẻ 128MB giá xê dịch từ 25-40USD, 256MB là 40-60USD, 512 là 65-120USD, thẻ 1GB giá từ 100USD trở lên. Tốt nhất là bạn nên đến nhà phân phối chính thức của hãng sản xuất để mua thẻ.
Anh Chu Bình, Cửa hàng vật tư ngành ảnh số 77 Hàng Trống cho biết: "Giá các loại thẻ nhớ có xu hướng ngày càng giảm, trừ Memory Stick Duo (thẻ kép) vẫn giữ giá và đắt nhất. Memory Stick Duo 128 là 60USD, 256 là 110USD, 512 là 170USD...".
Anh Giang Thanh Tùng, Hội viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hà Nội cho Xã Hội Thông Tin biết, với máy ảnh kỹ thuật số, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đặt độ phân giải 28-30MB/ảnh, thợ chụp-phóng ảnh đặt trung bình 1,3M/ảnh còn ảnh chụp lưu niệm trong gia đình chỉ cần vài trăm KB/ảnh. Tuy nhiên, tuỳ vào mục đích và dung lượng thẻ nhớ của bạn mà đặt độ phân giải thích hợp.
Bạn không nên sử dụng thẻ nhớ như một ổ cứng lưu trữ, với thẻ nhớ có dung lượng lớn, từ 512MB-1GB, cần xả ảnh ngay khi chụp ảnh (hoặc sao chép dữ liệu). Loại thẻ mỏng, không có lớp vỏ bảo vệ rất dễ bị trầy xước, có thể không đọc được dữ liệu. Vì thế cần cẩn thận khi lưu giữ.