Mất hơn một tiếng đồng hồ để đi từ công ty ở bên Gia Lâm về đến nhà ở TP Hà Đông, anh Hưng cáu bẳn giật khỏi tai cái khẩu trang đen xám lại vì bụi. "Không khí bẩn thế này thì sống ra cái hồn gì!", anh càu nhàu trong khi chui vào toilet rửa mặt.
Anh Hưng mỗi ngày phải đi xe máy khoảng 30 cây số để đi làm và về nhà. Chặng đường anh đi phải qua nhiều nút giao thông thường xuyên tắc nghẽn, nhiều đoạn đường đang xây dựng bụi mù mịt, anh lại bị xoang mãn tính nên cảm thấy vô cùng khổ sở. "Nhiều lúc đi đường mà tôi thấy cổ họng tức nghẹn vì không thể thở được. Có khi cố nín thở để qua chỗ khói bụi, lâu dần thành thói quen xấu, bây giờ muốn thở sâu cũng không được", anh Hưng than thở.
Chị Mai, vợ anh đang làm văn phòng ở Hà Nội cũng khốn khổ vì thiếu khí. "Văn phòng nhỏ mà đông người, đầy máy móc và thiết bị điện, lúc nào cũng bật điều hoà... tôi luôn cảm thấy uể oải vì bí và ngột ngạt". Con gái của anh chị đang học ĐH KHXH và NV, xung quanh là vòng vây của liên minh "cao-xà-lá" (ba công ty Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long và Unilever) nên cũng phải chịu chung cảnh ngộ. Mỗi chiều tối cả nhà anh lại gặp nhau trong tình trạng mệt mỏi, nhiều khi cơm chẳng thiết ăn, ai cũng chỉ chăm chăm đi tắm rửa rồi lăn ra ngủ.
Phải công nhận Hà Nội ngày càng bẩn, bụi, không khí ngoài đường lúc nào cũng đặc quánh lại. Người bình thường thành ra mệt; người yếu thành ra bệnh, người bệnh thì... khổ khỏi nói! Bác Nguyễn Văn Hoàng, nhà ở đường Láng, ngay sát con sông Tô Lịch, hễ nói về căn bệnh dị ứng hô hấp của mình là kể tội ngay con sông nặng mùi. Bác bảo: "Đi ra ngoài nhà thì bụi bẩn, về nhà thì lúc nào cũng khó chịu vì mùi hôi thối quanh quất trong nhà. Buổi tối mùa hè nóng nực muốn ra ngoài cửa hóng gió một tí thì mùi nước sông nồng nặc lại xộc vào mũi!". Chưa hết, bác Hoàng còn có mẹ già gần 90 tuổi, bị bệnh tim, nhiều hôm thời tiết nóng bức, cụ hay bị xỉu, ngất, lại cuống cuồng gọi 115...
Năm 2006, công ty Seven-Eleven của Nhật tung ra thị trường sản phẩm mới mang tên O2 Supli với lời giới thiệu giúp người dùng xả stress. |
Tình cờ, anh Hưng gặp một người bạn từ Nhật về, mang theo một bình oxy dạng bỏ túi, đề phòng căn bệnh phế quản trở lại khi về VN làm việc trong mấy ngày. Nghe anh Hưng than thở về môi trường ô nhiễm và căn bệnh xoang mãn tính của mình, ông bạn khuyên nên mua bình dưỡng khí sử dụng. Nghe giới thiệu qua về tác dụng của khí oxy, anh Hưng "dính đèn" ngay. Anh gọi điện đặt ngay một bình oxy 14 lít, giá 1,6 triệu đồng. Mỗi tối, mọi người trong nhà anh hào hứng thay nhau đeo bộ ống thở, người nằm, người ngồi, vừa xem phim, đọc sách vừa tiếp "nhiên liệu". Chị Mai, vợ anh Hưng tấm tắc khen: "Chỉ cần thở oxy khoảng 15-30 phút là cảm thấy sảng khoái, nhẹ nhõm hơn hẳn". Món "khí sạch" trở thành thú vui thư giãn của gia đình.
Bình thường trong không khí tự nhiên, O2 chiếm tỷ lệ 21,6%, Nitơ chiếm 78 %. Hỗn hợp này giúp cho cơ thể trao đổi oxy không khí với máu và đào thải khí CO2 ra khỏi cơ thể, đồng thời còn giúp điều hoà chức năng hô hấp. Trong điều kiện bình thường, tỷ lệ oxy và nitơ rất ít thay đổi nên không có vấn đề thiếu oxy trong điều kiện sinh hoạt tự nhiên. Nhưng tại các nút giao thông ở những đô thị lớn ở VN, nồng độ CO và NO2 có thể vượt 9 lần, SO2 vượt 7 lần, chất hữu cơ bay hơi (VOC) vượt 33 lần tiêu chuẩn cho phép... làm tăng đột biến các căn bệnh đường hô hấp. Thiếu oxy làm cho con người mất khả năng tập trung, mệt mỏi, dễ đau đầu, chóng mặt, sớm lão hoá... Mặc dù trong không khí tại các thành phố ở VN chưa đến mức thiếu oxy nhưng nhiều khi hít thở chúng ta có cảm giác tắc cổ là do sự kích thích và nhiễm độc của khí CO, H2S, NOx, SOx. (Tiến sĩ Phạm Ngọc Châu, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vệ sinh và Y học Môi trường, Học viện Quân y). |
Nghe người nọ người kia mách, bác Hoàng cũng tìm mua một bình khí sạch của Công ty Thiện Chí. Đến chỗ bán, bác Hoàng càng yên tâm khi gặp khá nhiều người đến mua oxy để chăm sóc người bệnh, người già và trẻ nhỏ.
Ông Nguyễn Hữu Viên, Giám đốc công ty TM Thiện Chí, cho biết: "Loại oxy tinh khiết 99,9% được chúng tôi cung cấp ra thị trường là loại chuyên dùng cho phi công do nhà máy A34 và A41 Quốc phòng sản xuất. Khí được chia nhỏ vào các bình với dung tích từ 2 đến 40 lít. Những bình oxy sẽ được chuyển đến nhà khách hàng kèm theo một bộ ống thở. Hiện nay, các gia đình có người già, người yếu bệnh chủ yếu dùng loại 14 lít vì vỏ bình khá gọn, phù hợp với không gian nhà".
Cũng theo ông Viên, một hai năm trước chỉ có những gia đình có người ốm liệt, bị các bệnh về tim mạch, hô hấp kinh niên mới tìm mua, còn bây giờ thì những gia đình có chỗ ở chật hẹp, thường xuyên làm việc trí óc căng thẳng trong phòng máy lạnh, trong môi trường độc hại hoặc ở chỗ đông người, ngồi lâu trong xe hơi, nghiện rượu bia, thuốc lá... cũng là khách hàng thường xuyên. Đặc biệt, nhiều người có điều kiện kinh tế thì mua oxy tinh lọc "hưởng thụ" như một thú chơi sạch và lành mạnh.
Ông Đại, Phó giám đốc một công ty kinh doanh nhà đất, ở chung cư cao cấp Mỹ Đình cứ khoảng một tháng lại gọi điện kêu một bình 14 lít. Dùng vài tháng, ông thấy sức khoẻ khá hẳn lên. Sáng sáng, ông dậy sớm chạy thể dục, về nhà là thở oxy khoảng 20 phút, chiều tối đi làm về lại thở một lúc nữa... Rất lấy làm tâm đắc, ông quảng cáo khắp bạn bè. Thi thoảng, ông mời bạn bè về nhà, chiêu đãi món khí sạch, ai cũng đùa vui bảo là "món độc".
Hiện thị trường bình khí oxy tinh lọc ở HN đã khá phát triển nhưng cũng chỉ bằng một phần nhỏ so với thị trường TP HCM, nơi xuất hiện ngày một nhiều những khu chung cư cao tầng và "hội chứng cao ốc", ô nhiễm môi trường ngày càng nặng.
Khôi Nguyên