Hàng "cáy" trên thị trường còn gọi là hàng second-hand, hàng "nghĩa địa", hàng "bãi rác"... Nói đến hàng "cáy", người ta thường nghĩ ngay tới chợ Sắt, khu trung tâm buôn bán sầm uất vào bậc nhất ở Hải Phòng, nơi được coi là đầu mối giao thương lớn nhất miền Bắc về hàng "cáy".
Hoạt động có tiếng ở Hải Phòng, chợ Sắt được nhiều người mê âm thanh, mê đồ điện tử biết đến bởi các chủng loại hàng phong phú, giá rẻ, hàng xịn.
Cả chợ Sắt có hơn 2.000 quầy bày bán, trong đó tầng 1 là lãnh địa riêng của hàng "cáy". Có đủ cả, từ hàng điện tử - điện lạnh, hàng gia dụng cho đến hệ thống nghe nhìn. Xịn, rẻ, bền là câu mà bất kỳ ai khi tìm mua hàng cũ đều được quảng cáo như vậy. Tuy không cạnh tranh ồn ào như hàng mới nhưng hàng "cáy" vẫn có sức hút riêng.
Cuối tuần, khách vào chợ Sắt đông hơn ngày thường và đa phần là từ các tỉnh đến. Vào một quầy hàng bán đài đĩa trông có vẻ bắt mắt, dừng lại để định tìm mua cho cậu con trai một chiếc để về học ngoại ngữ. Xách lên một "con" hiệu Victor hình viên đạn, vỏ đen trông không được mới nhưng khá đầm tay, yêu cầu chị chủ quầy cho nghe thử. Mắt đĩa đọc bài rất nhanh, âm thanh cũng khá tốt, hỏi giá. Chủ quầy phát: 450.000 đồng. Khi hỏi: "Đúng giá bao nhiêu? Bớt cho bác 50 nghìn lấy may". Mặc cả một hồi, cuối cùng chủ quầy bớt thêm 20 nghìn đồng nữa.
Sang quầy khác, để ý thấy có một cặp vợ chồng đi lại nhiều lần tìm mua bộ dàn nghe nhạc. Dừng lại trước bộ dàn KENWOOD 5 thớt còn bóng mới ngay gần đó, ông chồng rẽ vào xem và nghe thử. Chủ quầy nhanh nhẹn thao tác lắp đĩa chiều lòng khách. Âm thanh nhỏ giọt rất êm tai. Một vị khách đứng gần cũng đang xem chỉ vào hệ thống đèn Equalizer "mưa rơi trên thành phố" và nhận xét chiếc này có vẻ còn ngon lắm, mới khoảng 80%. Ông chồng ngắm nghía xem xét một hồi, quay ra thảo luận với vợ. Khi hỏi: "Bộ này bao nhiêu? 3.500.000 đồng". Rẻ ngoài sức tưởng tượng.
Mới đây, khi mua về một bộ dàn Panasonic 5.0 giá 600USD, cả nhà thích lắm vì trông đẹp mắt, 4 loa đứng mini ánh bạc, song xem chừng âm thanh của nó còn không bằng bộ này. Nghĩ kể cũng hơi tiếc vì âm thanh, kiểu dáng của bộ này cũng không thua kém gì hàng mới đã mua.
Qua trao đổi với các chủ quầy tại chợ, mới hay người tiêu dùng dù tâm lý cũng thích dùng hàng mới nhưng rất ngại mua phải đồ lắp ráp linh kiện của Trung Quốc. Hầu hết các mặt hàng mới hiện nay đều có sản xuất tại Trung Quốc, duy có công nghệ là của Nhật, Hàn Quốc. Phần lớn người tiêu dùng vốn có thói quen thích dùng hàng rẻ nhưng xuất xứ từ Nhật. Giá cho màn hình tùy theo đời, hãng sản xuất có giá từ 400 đến 1 triệu đồng/chiếc, với đồ máy giặt thì có giá từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/chiếc (tùy theo trọng lượng, thương hiệu, chức năng).
Riêng dòng điện tử thì giá rất vô cùng. Tuy nhiên, mua hàng "cáy" phải tinh nghề mới chọn được cái tốt. Không phải hàng cũ nào cũng bền và chất lượng cao vì đôi khi vớ phải những "con hàng" tuổi thọ kém, "đi viện" nhiều lần thì coi như lỗ nặng. Thường khi mua đồ cũ, phải tính xem mua mặt hàng nào rồi định dòng, hãng để mua. Mỗi nhãn hiệu có những ưu thế vượt trội riêng như màn hình có Panasonic, Sony, JVC, gia dụng có Sharp, Toshiba, điện tử Pioneer, Denon.
Chung quy, xu hướng người dân vẫn thích hàng Nhật xuất sang các nước Đông Âu hơn với các hãng Malaysia, Hàn Quốc... vì chất lượng đảm bảo, độ bền cao, dễ giải mã.
Có cô bạn mê âm thanh đến lạ kỳ. Nhớ hôm khánh thành nhà mới, cả bọn đến chơi mới hay hệ thống dàn loa, âm thanh nghe nhìn của ngôi biệt thự này toàn là hàng "cáy". Biết là khách thắc mắc, cô nàng tự hào: mất 3 tháng săn lùng đấy. Đừng coi thường hàng cũ, chất của nó là đỉnh chất. Phải thừa nhận, âm thanh bộ dàn mà gia chủ thửa được nghe không chê vào đâu được.
Nhìn đôi loa cây đứng trong góc nhà, vỏ gỗ hiệu Advent đã đủ thấy niềm kiêu hãnh của dòng âm thanh Mỹ, chưa kể ampli Denon (một hãng nổi tiếng về âm thanh của Nhật) đi kèm vỏ đen trông rất "nồi đồng cối đá". Cô chủ cho hay, giá cho ampli là 4 triệu, đôi loa là 7 triệu, màn hình 5 triệu, đầu đĩa 1 triệu...vị chi cho bộ âm thanh này cũng tròm trèm 17 triệu. Rất nhiều người khi đến chơi đều tấm tắc khen bộ dàn "cáy": sành điệu mà giá cả quá hợp lý.
Thế mới hay, gu chơi âm thanh của người đời cũng nhiều cái lạ, chẳng cứ hàng mới là hàng đảm bảo, hàng cũ cũng có uy tín riêng của nó. Hầu hết những người tìm chơi hàng "cáy" là giới sành chơi, ưa đồ xịn, không ngại là hàng cũ hay hàng không đắt tiền mà với họ, hàng cũ là hàng Nhật xịn 100%. Săn hàng "cáy" ngoài dân sành chơi còn có học sinh, sinh viên hoặc công nhân ở các khu công nghiệp.
Hương, người Quảng Ninh đến Hải Phòng học, ngay ngày đầu tiên đã ra chợ Sắt tìm nồi cơm điện về nấu. Lang thang mất nửa ngày, Hương xách về nồi cơm điện Sharp 1,8 lít khoe cả phòng rẻ lắm, chỉ có 250 nghìn đồng thôi, hàng xịn 100%, bảo hành 10 năm. Nhìn chiếc nồi cũ kỹ, sứt sẹo ngoài vỏ, cả bọn không tin lắm nhưng thấy rẻ nên cũng ham. Ngay lập tức cả xóm trọ đổ xô đi mua nồi cơm điện, phích nước cũ về dùng. Chưa khi nào thấy nhà trọ vui như hôm đó. Từ đó đến nay, những chiếc nồi cơm điện mà đám sinh viên đang dùng xem ra còn hoạt động tốt. Xem ra, hàng "cáy" quả là có sức hút lạ.
(Theo Tư Vấn Tiêu Dùng)