Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương (IBS) uỷ thác đầu tư có năm loại sản phẩm với số tiền uỷ thác thấp nhất là 10 triệu đồng, tối đa không giới hạn, thời hạn tối thiểu một năm, khách hàng không phải trả phí quản lý. Chọn sản phẩm nào là tuỳ mục đích của mỗi khách hàng. Có người yêu cầu phải bảo toàn 100% vốn gốc cộng với một mức lợi nhuận cố định, thí dụ 5-10%/năm. Người khác sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhưng đòi hỏi đồng tiền của mình phải sinh lời trên mức thông thường. Chẳng hạn họ đề nghị bảo toàn vốn gốc ở mức 50-80%, nhưng lợi nhuận phải 20-25%, thậm chí 30%/năm. Có những khách hàng chỉ giao tiền, công ty muốn đầu tư như thế nào cũng được, miễn sao đạt lợi nhuận cam kết. Nhưng không ít khách hàng khó tính, chỉ định đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp này, doanh nghiệp khác, dự án A dự án B… Yêu cầu này gọi là uỷ thác đầu tư có chỉ định hoặc không chỉ định.
Trong trường hợp đạt được mức lợi nhuận cao hơn cam kết, khách hàng nhận tiền gốc, lợi nhuận cam kết cộng thêm một tỷ lệ của phần lợi nhuận cao hơn đó. Mức rủi ro mà khách hàng chấp nhận càng cao, thì khi đạt lợi nhuận cao, tỷ lệ họ được chia càng nhiều, có khi tới 65-70% và ngược lại.
Sau khi ký hợp đồng uỷ thác đầu tư, công ty chứng khoán mở một tài khoản quản lý tiền và các tài sản hình thành từ số tiền này trong quá trình đầu tư ở một ngân hàng cho khách hàng. Tiền khách hàng giao cho công ty sẽ được lưu giữ tại đó. Trong trường hợp khách hàng muốn lấy tiền về trước khi thời hạn uỷ thác kết thúc, họ phải báo cho công ty trước 15 ngày. Nếu số tiền đã được đầu tư vào chứng khoán, khách hàng không thể rút, khi đó họ có thể đề nghị công ty thanh lý các chứng khoán theo giá thị trường.
Theo ông Lưu Trung Dũng, trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư của IBS, tổng số tiền uỷ thác ở công ty này hiện lên tới 900 tỷ đồng. Riêng với khách hàng cá nhân, số tiền uỷ thác cho công ty “muốn làm gì thì làm” khoảng 8 tỷ đồng. Đã có 5-6 hợp đồng uỷ thác kết thúc với mức lợi nhuận bình quân 17,5%/năm. Số người chấp nhận mạo hiểm để có lợi nhuận cao tương đối lớn, lớn hơn số người coi bảo toàn vốn là mục tiêu hàng đầu.
Hiện nay, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận uỷ thác đầu tư nhưng không đưa ra thành dịch vụ giới thiệu với khách hàng. Nếu khách hàng có nhu cầu, họ sẽ thoả thuận từng trường hợp cụ thể. Số tiền uỷ thác càng cao, khách hàng càng dễ thương lượng mức lợi nhuận cam kết.
Một số công ty tài chính, như Công ty tài chính Dầu khí (PVFC), có thời hạn uỷ thác đầu tư đa dạng, từ một tháng trở lên. PVFC đặc biệt chú trọng uỷ thác đầu tư có chỉ định mục đích bằng cách giới thiệu với khách hàng những dự án hay cổ phiếu doanh nghiệp dầu khí, điện lực, là ngành mà công ty có hiểu biết rõ và có nhiều thông tin. Cách đây mấy năm, PVFC uỷ thác đầu tư cho khách hàng một dự án tàu chở dầu với cam kết lợi nhuận bằng đô la Mỹ là 5%/năm (lãi suất tiền gửi ngoại tệ chỉ có 2-3%/năm) và đã đạt được lợi nhuận 8%/năm.
Cái được lớn nhất của uỷ thác đầu tư là khách hàng không mất thời gian và ngay cả những người không có chuyên môn tài chính cũng có thể sử dụng. Thông thường các công ty có một đội ngũ nhân viên chuyên thu thập thông tin, phân tích tài chính, đánh giá chứng khoán, dự án. Đó là chưa kể họ có một danh sách các doanh nghiệp “ruột” được họ tư vấn tài chính khi phát hành cổ phiếu. Còn nếu bạn là “dân tài chính”, thì tự uỷ thác đầu tư là cách có thể áp dụng. Đơn giản là bạn mở một tài khoản giao dịch tại một công ty chứng khoán, bỏ tiền vào đó, trả phí cho người môi giới (broker) để họ chăm sóc tài khoản cho bạn. Tuy nhiên chọn được một broker tin cậy cũng không phải dễ!
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)