Chợ lúa gạo Bà Đắc (xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) thuộc loại sầm uất bậc nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Chợ nằm trên dải đất hẹp giữa quốc lộ 1A và sông An Cư. Khu chợ này hiện có 40 nhà máy lau bóng gạo xuất khẩu và hơn 80 bến, kho chứa gạo. Mỗi năm chợ cung ứng cho thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo. Hơn 1.100 phu khuân vác là người từ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tụ về đây bán cơ bắp, mồ hôi để kiếm cơm.
Ông Nguyễn Hồng Tám, nguyên chủ tịch Nghiệp đoàn bốc vác chợ gạo Bà Đắc, cho biết, những giọt mồ hôi mà hàng ngày đám phu khuân vác đổ ra có giá... rẻ như bèo. Vác một tấn gạo từ ghe lên chất ngay ngắn trong vựa chỉ được trả công 5.000 đồng. Vác gạo thẳng từ ghe lên xe tải (đoạn đường khoảng 50m, qua hai cây đòn dài) được 14.000 đồng một tấn. Vác cám giá 25.000 đồng, tiền nhiều hơn vác gạo nhưng ai cũng ngán vì mỗi bao tải cám nặng đến 70 kg, khi vác bụi cám bay sặc sụa vào miệng, mũi rất khó chịu.
Những người khuân vác gạo thuê. |
“Những lúc vào vụ lúa gạo, nhóm của tôi có thể vác hơn 200 tấn lúa, gạo một ngày, tiền công chia ra được khoảng 100.000 đồng một người. Nhưng những khi ế ẩm thì ngồi cả ngày không có việc, không có đồng bạc nào trong túi lại phải hỏi tiền góp để ăn cơm”, phu khuân vác Nguyễn Văn Lợi nói. Anh Mai Ngọc Thanh, người hành nghề bốc vác đã 15 năm, kể rằng ở những nhà máy lau bóng gạo, công nhân có nhiệm vụ hứng gạo từ máy lau vô bao rồi may miệng, chất thành từng cây cao đến nóc nhà kho, khi có khách mua thì vác gạo chất lên đầy xe. Thu nhập của nhóm máy lau cũng không khá hơn nhóm vác gạo từ ghe: ngày nhiều nhất 100.000 đồng, ngày thấp 10.000 - 20.000 đồng, nhiều khi cũng không có đồng xu dính túi. “Ca ngày từ 6h30 sáng đến 18h chiều, ca đêm từ 22h đến 6h30 sáng hôm sau, giá cả vẫn như nhau. Bất kể đêm ngày, hễ cứ có hàng là làm quần quật. Tiền công bốc vác năm năm rồi vẫn không tăng”, anh Thanh than thở.
Hầu hết những phu bốc vác này không dám nghĩ tới ngày mai vì “làm ngày nào xào ngày đó”. Anh Sơn Kim Hồng (quê ở xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) đang ở trọ trong gian nhà lá tồi tàn như căn chòi giữ vịt cho biết giá thuê 70.000 đồng một tháng. Mỗi lần trời mưa, nước dột tứ giăng. Quanh chòi nước ngập như cái ao, tràn vào tận chân giường. Anh Hồng chỉ về đây ngả lưng khi ra ca, cơm nước ăn ngoài quán xá. “Tui lên đây làm bốc vác đã gần năm năm rồi. Tằn tiện không nhậu nhẹt thì mỗi ngày dư khoảng 30.000 đồng, ngày nào nhậu với anh em thì trắng tay. Cực lắm nhưng phải bấm bụng làm vì ở dưới quê cũng không làm chi ra tiền!”, anh Hồng than. Nhắc tới quê nhà, anh chợt buồn hiu, giọng rưng rưng: “Nhớ nhà lắm nhưng mỗi năm chỉ dám về thăm quê một, hai lần vào những dịp lễ, Tết”. Hỏi chuyện vợ con, anh cười méo xẹo: “Thân tui còn lo chưa xong, bữa đói bữa no, cưới vợ về đặng... xúm nhau chết đói à?”.
Cực khổ vậy nhưng mỗi khi có sơ suất xảy ra là họ lại bị chủ nhà máy, chủ hàng thẳng tay đền tiền. Anh Lợi nói dù có tuổi nghề bao nhiêu năm đi nữa thì chuyện trượt chân té đòn vẫn khó tránh khỏi. Những lần té đòn bắc từ ghe lên nhà máy thực sự là nỗi sợ hãi của phu khuân vác. Vừa bị trặc chân, gãy tay vừa phải đền cho chủ bao gạo (hoặc bao lúa, bao cám) đã bị rớt xuống sông. Mỗi lần như vậy, người bốc vác phải đi vay trả góp để đền cho chủ, mua thuốc thang trị vết thương và mua gạo ăn trong những ngày không đi làm được. Nạn mất gạo trong nhà máy cũng là nỗi ám ảnh, ca nào bị mất gạo thì chủ nhà máy (hoặc chủ hàng) thẳng tay trừ tiền của cả tổ trực đêm đó. Mỗi người sẽ bị trừ 5.000 đồng một ngày đến khi nào đủ số tiền gạo bị mất mới thôi.
Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, kể cả Liên đoàn Lao động đều chưa quan tâm đến loại hình lao động này. Ông Nguyễn Hồng Tám, nguyên chủ tịch nghiệp đoàn khuân vác, cho biết từ trước đến giờ chưa người nào có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm tai nạn vì đa số chủ nhà máy đều ngại tốn kém và... thờ ơ với luật lao động. “Vả lại, quan hệ giữa chủ với phu khuân vác là quan hệ thuận mua vừa bán (sức lao động), không bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động nên khi xảy ra tai nạn hoặc bị bệnh tật thì phu khuân vác phải “tự cứu lấy thân”, chủ yếu là hỏi tiền góp để chữa cho hết bệnh rồi sau đó đi làm trả nợ” - ông Tám nói. Ông K. (chủ một nhà máy) thanh minh: “Công nhân bốc vác nay làm cho nhà máy này, mai lại chạy qua nhà máy khác nên tụi tôi không thể mua bảo hiểm cho họ”.
Về việc bảo vệ quyền lợi cho phu khuân vác, bà Tống Thị Hồng Loan, Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Cái Bè, cho biết, huyện không có khả năng giúp đỡ vì hiện không thể nắm rõ số lượng lao động, công việc, thu nhập, đời sống của họ. “Năm 1997, Liên đoàn cũng từng xây dựng một nghiệp đoàn bốc vác ở chợ gạo Bà Đắc với hơn 1.000 đoàn viên. Nhưng đến năm 2002 thì nghe đâu họ hoạt động không hiệu quả, không quản lý được đoàn viên, không bênh vực được quyền lợi cho công nhân nên... xã đã cho giải tán”, bà Loan nói. Nhưng theo ông Nguyễn Hồng Tám, tuy thời gian hoạt động ngắn ngủi nhưng nghiệp đoàn trước đây cũng làm được nhiều việc có ích. Hồi đó, nghiệp đoàn đã can thiệp để các nhà máy may đồng phục cho phu khuân vác, mua bảo hiểm tai nạn, lo bảo hộ lao động và có chế độ tặng gạo, quà Tết cho công nhân...
Những người có trách nhiệm ở Liên đoàn huyện thanh minh: “Chúng tôi cũng rất muốn khôi phục lại nghiệp đoàn bốc vác ở chợ gạo Bà Đắc nhưng không có người quản lý, cũng không có kinh phí để trả lương nên... lực bất tòng tâm. Chúng tôi đã phản ánh thực tế này nhiều lần với Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang nhưng phía tỉnh cũng... không nói gì”. Về tiền công lao động rẻ mạt, Liên đoàn Lao động nói không thể can thiệp, nhà nước không có quy định về tiền công bốc vác.
(Theo Pháp Luật TP HCM)