"Thế mà cũng ở đây được hơn 3 năm rồi".
Hà Trung Hiếu
Tôi vừa lẩm bẩm vừa lôi xềnh xệch chiếc xe đạp qua cánh cửa cũ mèm, mạt gỗ bắn tứ tung phát ra những âm thanh cót két. Từ phía khu nhà đối diện xuất hiện cái dáng ú ụ thịt da đang lẳng bước qua. Bàn chân tôi tự nhiên như có ai đó hối thúc chỉ chực chạy cho thật nhanh.
Tôi cuống cuồng dắt xe từ tầng bốn xuống, hối hả đạp. Chắc giờ này bà béo đang tru tréo, cái nốt ruồi đen xì vô lý trên khuôn mặt đang giần giật liên hồi.
Tôi biết bà ta đang giận sôi người vì đã mấy tháng không tài nào thu được tiền điện. Lại còn tiền nước, tiền nhà nữa chứ. Chao ơi, trăm thứ tiền! Nếu lỡ ra tháng này bị cắt điện, tôi sẽ chuyển sang nấu bằng dầu và thắp nến. Mặc kệ! Tôi tặc lưỡi. Khổ quen rồi, có điện hay không chẳng có ý nghĩa quái gì sất!
Mưa rào rạt đến tức thở, quất lên đầu tôi, lên mặt tôi từng chập. Cơn gió ngược thả sức vồ vập rồi nuốt chửng lấy chiếc xe đạp còm cõi. Tôi dật dờ trong cơn đói lả, người nhẹ bẫng không điểm tựa. Gió hăm hở hành hạ tôi, mưa khánh kiệt tôi.
Khoác vội chiếc áo mưa vào người, tôi lại tiếp tục lao đi. Được một đoạn, chiếc xe khựng lại như có ai đó ác ý kéo giật từ đằng sau. Tôi mất thăng bằng và ngã bổ nhào vào một vùng nước lớn với loang lổ mỡ dầu. Xích xe bị rơi tuột ra ngoài, một phần lê lết trên đường, phần còn lại cuốn chặt vào líp xe phía sau. Cả tháng trời nay "đứa con yêu" của tôi bị dở chứng. Chiếc vành nhôm bị biến dạng thậm tệ, đang thẳng trở nên cong queo, siêu vẹo trong một lần bị va quyệt.
Chính vì thế, xích chẳng còn ăn nhập với trục đỡ, nếu không khéo di chuyển sẽ rơi tuột ra ngoài bất cứ lúc nào. Và hậu quả lúc này, tôi bị biến thành nạn nhân trong trò chơi tai ác của nó. Những tiếng cười hô hố vượt qua tôi, những cái nhìn thương hại vây quanh tôi. Tôi thấy mình như một gã rồ dở bị quăng vào rạp xiếc và đóng vai một thằng hề quá đỗi xuất sắc. Không ào ạt pháo tay cũng chẳng có xanh đỏ quần là áo lượt, tôi nhầy nhụa bùn và tủi thân đến cùng cực.
Tôi đến muộn gần một tiếng đồng hồ. Hà đang đi đi lại lại nơi bậc cửa, khuôn mặt hiện rõ vẻ bực dọc. Nhìn thấy tôi trong bộ dạng cáu bẩn đến mức thảm hại, khuôn mặt cô giãn ra. Chưa kịp nghe tôi phân trần, Hà sốt sắng giục tôi lên tầng cao nhất của ngôi nhà nơi tôi vẫn đều đặn hằng tuần dạy kèm tiếng Nhật cho cô. Tôi đứng chết chân trong nhà vệ sinh, gương mặt không giấu nổi sự bối rối. Hà đang chạy đi tìm cái gì đấy, một lát sau cô trở lại, trên tay cầm theo một chiếc can nhựa in hình con vịt màu đỏ chót.
- Anh chìa tay ra!
Cô cuống quýt mở nắp can ra và liên tục rót vào tay tôi chất gì đó nhầy nhầy.
- Anh xoa đều khắp tay, chắc sẽ chóng sạch ngay thôi.
Tôi làm theo Hà như một cái máy, ánh mắt cố tình lẩn đi không đối diện với khuôn mặt cô. Thứ chất nhớt nhèo gì đó bây giờ đã thấm ướt hết đôi bàn tay tôi. Hình như có triệu triệu con kiến vàng đang thi nhau cắn xé, cào cấu tôi vô tội vạ... Cảm giác đau nhức áp bức hết cả mười đầu ngón tay, cánh tay. Không thể chịu đựng được lâu hơn, bất giác tôi kêu lên khe khẽ và hất tung tóe cái thứ chết tiệt đó ra tứ phía. Nền gạch bè bẹt, xanh xanh, đỏ đỏ. Em gái Hà từ phòng bên cạnh chạy sang, nhìn tôi và Hà như hai kẻ đần độn.
- Chết, sao chị lấy nước tẩy bồn cầu cho anh ấy?
- Ối, chị tưởng...
Gương mặt tôi trở nên dài thuỗn và méo xệch. Còn Hà, cô ấy đứng đó, tay nọ không ngớt đan vào tay kia trông bối rối như muốn độn thổ.
Buổi học diễn ra rời rạc và miễn cưỡng. Tôi như mộng du không lối thoát trong những câu chữ luộm thuộm. Hà cũng chẳng có vẻ hứng thú gì với bài giảng của tôi, đôi mắt cô ấy không còn nhìn thẳng nữa, chúng hướng xuống phía dưới đờ đẫn, vô định. Hà đang thương hại tôi chăng? Có lẽ thế! Nhưng tôi đâu cần đếm xỉa đến sự thương hại đó, ngược lại nó chỉ càng làm tôi cảm thấy thêm tủi hổ mà thôi.
Tự nhiên tôi giận Hà kinh khủng. Tôi quy chụp mọi đen đủi xẩy ra với mình đều do Hà gây ra. Vì cô ấy mà tôi sống khổ, sống sở hơn suốt một tháng qua. Nếu như cô ấy trả tiền công cho tôi đúng hạn thì tôi đã có thể sửa được chiếc xe khốn kiếp kia rồi và không phải đói eo óp như bây giờ. Nếu như, nếu như... Trăm nghìn lần nếu như cứ nhảy múa trong đầu tôi, trọc ghẹo tôi như thể chính tôi là người gây ra những rắc rối cho mình. Sao Hà là con gái mà kém nhạy cảm đến mức như thế? Cô không linh cảm được mọi việc và kéo tôi ra khỏi tình huống này sao?
Tôi vùng vằng dắt xe ra khỏi cổng, tai lõm bõm câu chào gì đó của Hà. Bỏ lại sau cánh cửa sắt to kềnh càng, tôi nhảy tót lên xe, phóng đi như điên dại. Xung quanh tôi những ngọn đèn cao áp nhòe nhoẹt ánh sáng, những dáng cây oằn oẹt trong bóng đêm, những tiếng xe cộ lùng bùng như mơ ảo. Tôi không còn đủ tỉnh táo để phân biệt được đâu là ranh giới giữa cái sướng và cái khổ, cái đói và cái no. Mọi thứ trên con đường tôi đang bươn bả kiếm tìm hạnh phúc cứ nhạt nhòa, thếch thác bởi những thứ có cái tên: cơm, áo, gạo, tiền. Phải chăng tôi đã kiệt quệ sức chịu đựng? Giới hạn nào trong tâm hồn tôi giờ đã đạt đến tận cùng của giới hạn? Tôi vẫn đạp đi như một kẻ mất hồn, nhanh và gấp gáp. Âm thanh cuộc sống vốn vẫn hỗn độn và phù tạp giờ bị lấn át đi bằng những tiếng kêu lọc xọc phát ra từ "đứa con yêu quý" của tôi.
Mùi mỡ dầu váng vất, tiếng nước chảy xối xả đem theo mùi clo quen thuộc. Có lẽ nào đã về đến khu tập thể tồi tàn nơi đã gắn bó với tôi suốt hơn ba năm qua? Có lẽ nào tôi cục súc và rồ dại đến như thế mà chiếc xe không một lần tuột xích? Tôi chẳng còn đâu tâm trạng để tự cắt nghĩa và lý giải được điều đó.
Tôi đẩy cánh cửa rầm rầm, thô bạo bước vào. Đứa bạn cùng phòng lầu bầu cái gì đó rồi bỏ ra ngoài. Tôi rơi mình xuống giường, tắt thứ ánh sáng hiu hắt phả ra từ bóng điện trần và trốn chạy trong bóng đêm mịt mùng.
Cô đơn hiện về mơn trớn khắp thân thể, nỗi buồn lại ghé thăm và thầm thì vào tai tôi những hoang vu bất tận. Tự nhiên, tôi trở nên sợ hãi cảm giác một mình. Có bao giờ tôi như thế này đâu? Từ hồi bé đến giờ tôi vẫn luôn là một đứa thích chui lủi vào trong thế giới của riêng mình. Suốt những năm cuối tiểu học và đầu trung học, tôi bị chúng bạn khai trừ ra khỏi nhóm. Nhiều lúc tôi đau khổ đến mức kinh sợ cái cảm giác đặt chân đến trường. Nhưng dần dà tôi quen với việc đến lớp để rồi thu mình vào một góc.
Đơn độc không còn gặm nhấm tôi hàng ngày. Tôi thích nghi nhanh chóng với việc chơi một mình, cười nói một mình trong thế giới của riêng tôi. Nhưng giây phút này đây, mưu cầu được san sẻ cứ lớn lên và chiếm ngập tâm tư. Tôi thèm một lời an ủi, một tiếng vỗ về để mong sao lấp bớt đi khoảng trống toang hoác đầy giông gió trong lòng. Tôi muốn khóc mà sao khó đến thế? Lâu rồi, tôi đã quên mất chức năng này còn đâu. Thương tổn trong đời sống khiến nước mắt tôi biết cách không trào ra. Khi đớn đau nhất là lúc mắt tôi ráo hoảnh, kìm nén.
Bên ngoài, trời lại đổ mưa từng cơn. Sấm rền rĩ đổ vào tôi những âm u khó tả. Chân tay, toàn bộ thân thể tôi đờ đẫn, bất động. Có một khối nặng nào đó đang vô hình đè nén lên mọi xúc cảm chỉ chờ được bung ra và vỡ òa.
Tôi cố gắng vùng vẫy, cấu xé hòng trốn chạy khỏi thực tại nhưng vô ích. Trong lúc hành hạ mọi đồ vật xung quanh mình, tôi làm văng ra một thứ gì đó nằm phía sau chiếc gối. Vật thể đó bay lên trên rồi rơi thõng xuống ngay trước mặt tôi.
Một lá thư.
Tôi nhỏm dậy, với tay bật công tắc đèn. Trong ánh sáng vàng vọt của căn phòng, tôi cố nuốt từng từ, từng từ một.
Hiếu thân yêu của dì!
Cháu có khỏe không? Việc học của cháu vẫn tốt đấy chứ?
Hôm vừa rồi dì có gặp mẹ cháu, thấy mẹ dạo này sức khỏe và tinh thần sa sút nghiêm trọng. Mẹ nói mấy tháng hè này không thấy cháu về nhà. Các bạn đã về hết rồi đấy, cháu ạ. Mẹ lo cho cháu nhiều lắm! Có một việc dì không muốn giấu, cháu cần phải biết. Mẹ cháu đang rất khổ tâm vì không còn đủ sức để cáng đáng cho cháu học hết năm cuối đại học. Nợ đã nhiều, chẳng còn ai có thể cho mình vay tiền được nữa..."
Từng con chữ của dì táp vào mắt tôi nhức nhối. Tôi không thể nào tiếp tục đọc thêm những dòng chạy dài phía sau. Tự nhiên, tôi nhớ mẹ tôi da diết! Dường như mẹ đang gần chỗ tôi lắm, siêu vẹo, khắc khổ. Góc chợ chiều nơi mẹ ngồi có lẽ suốt đời này ám ảnh tôi.
Mẹ ơi, con thương mẹ nhiều lắm!
Những giọt nước rơi xuống lã chã nhòe nhoẹt hết trang giấy. Khuôn mặt tôi dàn dụa và nóng hổi. Tôi khóc ư? Không, tôi đâu còn khả năng đó nữa! Bất giác tôi không còn dám tin vào ngay cả bản năng bình thường nhất của con người. Những giọt nước mắt bị giam cầm để rồi tự giải phóng mình ra khỏi chốn lao tù nơi đáy mắt. Khóc với tôi lúc này như một liều thuốc trấn an mọi trạng thái cảm xúc: Bức bối, tủi hổ, oán thán, nhớ nhung, yêu thương. Tôi lịm đi trong mộng mị, mơ hồ...
Nắng lấp ló phía ngoài khung cửa, những sợi tơ vàng biết nhảy múa. Mưa đã thôi rơi từ lâu nhường chỗ cho nền trời xanh cao vòi vọi.
Ai bánh mỳ nóng, bánh ngọt đây
Tiếng rao buổi sớm đánh thức tôi tỉnh dậy. Trời đã chuyển sang một ngày mới. Tôi tất tả dắt xe từ tầng bốn xuống, nháo nhào mua một tờ báo rao vặt và lặn ngụp trong dòng người xuôi ngược. Hình như đã có chút bình minh ấm áp, nhẹ nhõm nào đó len lén vào hồn tôi. Phải chăng tất cả với tôi hôm qua chỉ là giấc mơ? Không, nhất định không rồi. Đấy là hiện thực!
Không được để mình đầu hàng trước hiện thực. Phải đối mặt, phải lăn xả mới hy vọng có được chiến thắng.
Tôi tự nhủ lòng mình như vậy và bất giác bóp chặt bàn tay lại.
Sapporo, những ngày công tác tháng cuối tháng 8/2007
Nghe ca khúc I Believe In You của Celine Dion và nhóm Il Divo. |
Vài nét về blogger:
"Âm nhạc là hơi thở, du lịch là cách đánh thức giác quan, thời trang là đam mê, trang trí nội thất giúp bản thân ngẫu hứng và sáng tạo." - Hà Trung Hiếu, hiện sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản. - Where there is a will, there is a way. Bài đã đăng: Một sự trải nghiệm tuyệt vời, Nếu như... và hạnh phúc.