Sinh ra ở Cà Mau, Lý Kim Quyên (sinh năm 1990) không thích ăn cua - một đặc sản của quê hương - nhưng lại có đam mê gỡ cua. Cô giáo mầm non hiện ở Hóc Môn, TP HCM, thường đùa rằng mình có sở thích kỳ lạ, chỉ thích lột vỏ cua cho người khác ăn vì ngồi không cũng chán. Quyên từ nhỏ đã thích gỡ vỏ cua và những kinh nghiệm này đều do bản thân tự đúc kết, không học từ ai cả. Khác với những kiểu gỡ thông thường, cô gái Cà Mau tách từng phần vỏ cua, khớp nối để giữ nguyên hình dáng bên trong và xếp lại thành con cua hoàn chỉnh như ban đầu. Thông thường, Kim Quyên lột cua cho các cháu ăn hoặc đóng túi zip bán cho khách hàng mua cua Cà Màu. Không chỉ gỡ cua biển, Quuyên còn gỡ được cả cua đồng nguyên vẹn, không nát. Kiểu gỡ cua giữ nguyên hình dáng ban đầu gần giống với nghệ thuật ăn cua kiểu quý tộc ở Trung Quốc, từng xuất hiện trong một số bộ phim như Đông cung... Người ta tin rằng, những ai ăn cua chỉ lấy phần thịt bên trong còn vỏ vẫn nguyên và có thể xếp lại ngay ngắn các bộ phận như hình dáng ban đầu thì sẽ gặp may mắn. Để cua thành phẩm không rụng càng, ngoe, cô giáo trẻ sẽ ngâm cua ngập trong nước đá thật lạnh tầm 30 phút. Khi cua đã "xỉu", Quyên nhanh tay tháo dây, vệ sinh sạch sẽ rồi hấp hoặc luộc tùy theo yêu cầu của khách hàng, còn nếu nhà ăn, cô thường đem luộc. Đồ nghề gỡ cua của cô gái Cà Mau gồm một cái kéo, một muỗng cà phê cán dài, một cái thớt và chày. Với cua đồng, Quyên chuẩn bị tương tự nhưng thay muỗng cà phê bằng tăm bởi kích thước cua nhỏ. Công việc này tốn nhiều thời gian và công sức của cô giáo trẻ. Với cua biển, Quyên mất khoảng 30 phút gỡ xong một con, còn cua đồng, cô mất tới một tiếng Chiếc càng cua được Kim Quyên lột và giữ nguyên hình dáng từ gốc tới ngọn. Gỡ cua biển đã khó nhưng gỡ cua đồng lại là một thách thức lớn hơn với Kim Quyên. Cô gái Cà Mau tỉ mẩn tách từng ngoe cua nhỏ xíu. "Khi lột cua, tôi thấy khó nhất là lột các khớp nối của ngoe cua. Lột từng khúc thì dễ nhưng nếu lột còn nguyên cả ngoe dính nhau thì cần phải kiên nhẫn và nhẹ nhàng mới gỡ được các khớp nối. Cua đồng bé quá nên khó nhìn, thao tác cần phải hết sức nhẹ nhàng, nếu không sẽ làm nát thịt hay đứt các phần của ngoe. Cua biển to nhưng vỏ lại cứng nên việc dùng chày đập phải canh lực vừa phải nếu không sẽ làm nát thịt, vỏ đâm vào thịt cua sẽ không đẹp mắt", Quyên bật mí. Sau khi lột cua, Quyên thường làm miến xào hoặc nấu bánh canh. Chiêu bóc cua 'quý tộc' của cô gái Cà Mau Kim Quyên trình diễn khả năng bóc cua đồng. Ảnh: NVCC Nguyên Chi