Nhiều lúc tôi cảm thấy mình nhớ về thời sinh viên nhiều hơn nhưng không phải vì thế mà tôi lạnh nhạt với chồng mình. Tôi vẫn chăm lo cho anh ấy, chưa bao giờ tôi hết yêu thương anh và không nghĩ rằng chúng tôi sẽ ly hôn hay là tôi sẽ có người đàn ông khác.
Nhiều lúc tôi cảm thấy không vượt qua nổi số phận, có lúc tôi đã muốn kết thúc cuộc sống này bằng những liều thuốc nhẹ nhàng nhưng tôi lại nghĩ đến đứa con trai bé bỏng chưa đầy hai tuổi của mình.
Chúng tôi cưới nhau được ba năm rồi thì trong ba năm này đã rất nhiều lần tôi định ra đi vì cảm thấy không chịu nổi cuộc sống trong gia đình chồng tôi.
Trước khi cưới, chồng tôi là một người rất tâm lý chăm lo cho hạnh phúc, bảo vệ tôi hết lòng. Nhưng bây giờ trong cuộc sống gia đình tôi và mẹ chồng va chạm không ít. Trong những lần như vậy tôi chẳng hề cãi lại mẹ chồng vì tôi là người chịu đựng rất giỏi nhưng có lẽ vì thế mà bà càng bực dọc với tôi nhiều hơn.
Những lúc vắng tôi, bà dành hết thời gian để giải tỏa những bức xúc với con dâu cho con trai mình. Gặp những tình huống như vậy chồng tôi chẳng nói được gì chỉ còn biết mắng vợ để bảo vệ người mẹ thân yêu.
Tôi cũng chẳng trách gì anh vì anh là người con rất có hiếu, nhưng chính từ những xung đột như vậy, tôi cảm thấy chồng không còn dành tình cảm cho tôi nữa nhiều. Lúc sống trong gia đình chồng tôi không có chính kiến nên tôi như người sống thừa.
Đã bao lần tôi khóc lóc xin với bố mẹ tôi xin cho về vì tôi biết bố mẹ rất thương tôi nhưng sau bao lần hoà giải hai vợ chồng tôi lại bình thường. Giờ đây nhiều lúc tôi cảm thấy vô cảm với cuộc sống, nhiều lúc tôi nghĩ sống vì trách nhiệm với con. Chính vì tôi thương con nên không đành lòng làm gia đình tan vỡ.
Sau mỗi lần tôi bảo ra đi hay mua thuốc ngủ, chồng tôi đều có có câu trả lời là tùy sự quyết định của tôi còn anh thì chẳng bao giờ nghĩ đến việc ly hôn.
Vậy thì liệu chồng tôi đã quá vô cảm không, anh ấy có còn yêu thương tôi nữa hay không. Trong lúc này việc tôi quyết định ly hôn là có đúng không? (Lương Nga).
Trong lúc này, kết luận chồng bạn thờ ơ, vô cảm rồi đi đến ly hôn, chưa hoàn toàn hợp lý. Như vậy, chắc chắn cả bạn và chồng sẽ khổ đau và mất mát.
Thông thường, cuộc sống gia đình không phải một thiên đường đầy hoa thơm và trái ngọt. Có câu: “Mỗi nhà mỗi cảnh” để chỉ về sự không dễ dàng, thuận lợi, hoàn hảo của đời sống vợ chồng. Do đó, hạnh phúc chỉ có thể gõ cửa đôi lứa nào biết bao dung, vị tha, tôn trọng và khắc phục những thiếu sót cho nhau.
Khi đã không bằng lòng với hiện tại, con người thường có xu hướng hoài niệm, tiếc nuối những gì đã qua nhất là quá khứ ấy lại lung linh, mơ mộng. Vì vậy, bạn không nên để những dư âm của mối tình đầu làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của mình.
Chung sống hàng ngày với mẹ chồng sẽ không tránh khỏi những khúc mắc, va chạm. Bạn cũng biết khoảng cách thế hệ, kèm theo những quan niệm, thói quen sống hàng ngày của mẹ chồng sẽ không ít lần làm bạn phật ý. Hãy lựa những lúc bà vui vẻ mà tâm tình, trò chuyện. Bạn âm thầm chịu đựng như vậy chỉ khiến hai mẹ con không hiểu được nhau và dần thêm xa cách.
Lưu ý, không nên chỉ trích hay lên án mẹ chồng dù nhiều khi bạn thấy mình có lý hơn. Sức mạnh của lời nói, hành vi nhẹ nhàng, biết lắng nghe sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Ngoài ra, bạn cũng có thể bày tỏ với chồng, nhờ anh ấy ủng hộ thêm khi ý kiến của mình không được tán thành. Hết sức cảm thông cho chồng, vì khi kẹt giữa vợ và mẹ, anh ấy rất khó xử và căng thẳng.
Bản thân bạn một mặt vừa tìm cách hâm nóng tình yêu với chồng, vừa tìm phương pháp hòa hợp với mẹ chồng, chắc chắn gia đình sẽ trở thành một mái ấm thân yêu. Tuyệt đối, dù thế nào đi chăng nữa, bạn cũng không nên có những suy nghĩ và việc làm tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe hay hủy họai bản thân mình.
Tư vấn bởi Công ty Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn.
Điện thoại: 1900 58 58 86 hoặc 1088 - 1 -7