![]() |
2 chị em Thủy và Nguyệt. |
Theo đơn trình bày của chị Quyên, chị chỉ là một trong số hàng chục phụ nữ nghèo ở các tỉnh Quảng Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Bắc Giang... vì muốn đổi đời đã bỏ ra 2.100 USD/người đi xuất khẩu lao động sang Ma Cao qua công ty Tân Đại Lục. Sau 10 ngày học tiếng, đến ngày 19/6, chị Quyên cùng 4 phụ nữ khác được công ty thuê xe đưa ra sân bay mua vé sang Ma Cao. Trước khi chia tay, Thuỷ còn dúi vào tay mỗi người một tấm "cạc" trong đó ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, tên bà chủ công ty ở Ma Cao và số điện thoại quốc tế của Thuỷ để mọi người tiện liên lạc.
Đến Ma Cao, các chị bị bà Ngô, chủ công ty ở Ma Cao thu hộ chiếu, hồ sơ và bắt mọi người hàng ngày phải đến công ty ngồi để những gia đình cần người giúp việc đến xem mặt, thuê về. Gần 3 tháng ăn chực nằm chờ, cuối cùng chị Quyên cũng được thuê về giúp việc nhà nhưng chỉ được 4 hôm đã bị chủ nhà đem trả với lý do không biết tiếng Trung Quốc. Thấy các chị Mơ, Huyền, Hải, Quyết, Quý, Liên cũng chịu cảnh chờ việc, bị chủ thuê 1đến 2 ngày là bị đuổi, chị Quyên đã bàn với họ điện thoại về cho Thuỷ đồng thời gọi điện về nhà thông báo tình hình. Vài ngày sau, Thuỷ sang nói là tại các chị già, xấu, không "được việc" nên đưa về nước bằng xe khách qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Theo xác minh của công an quận Cầu Giấy, công ty Tân Đại Lục không có giấy phép về chức năng xuất khẩu lao động song dưới sự điều hành của Thuỷ, Lê Thị Nguyệt (chị gái Thủy) vẫn quảng bá với người lao động rằng công ty tuyển người ra nước ngoài lao động và hiện vẫn còn nhiều người đang lao động ở Đài Loan.
Để chiếm đoạt tiền của người lao động, Thuỷ chỉ làm cho họ visa sang Ma Cao du lịch 1 tháng sau đó điện thoại cho "vây cánh" ở Ma Cao, Quảng Châu đón về giữ giấy tờ phòng bỏ trốn.
Khi Thuỷ sang đưa 7 phụ nữ về vì quá xấu, không người thuê, thị lấy lý do tại họ không biết làm việc để trừ các khoản chi phí như lo thủ tục, hộ chiếu, vé máy bay, chi phí chỗ ở...
Khánh Ngọc