Theo Thị trưởng Maui Richard Bissen, ông Herman Andaya nộp đơn xin từ chức hôm 17/8 với lý do sức khỏe.
Thông báo được đưa ra chỉ một ngày sau khi Andaya bảo vệ quyết định gây tranh cãi của mình là không kích hoạt hệ thống báo động trên toàn đảo vì sợ họ chạy về nơi nguy hiểm, khi các vụ cháy rừng trên đảo bùng phát và lan rộng.
Đơn từ chức của ông Andaya lập tức có hiệu lực, đồng nghĩa vị trí Chỉ huy Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Hạt Maui (MEMA) bị bỏ trống, khi hòn đảo vật lộn với hậu quả trận hỏa hoạn đã khiến ít nhất 111 người chết.
"Do mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng mà chúng tôi đang phải đối mặt, đội ngũ của tôi sẽ bổ nhiệm ai đó vào vị trí chủ chốt này càng nhanh càng tốt và tôi hy vọng sớm đưa ra thông báo đó", Thị trưởng Bissen cho biết.
Bằng cấp của Andaya cho vai trò trên bị nghi ngờ sau khi ông hứng chỉ trích gay gắt về phản ứng của mình trong tình huống hỏa hoạn.
Trong cuộc họp báo hôm 16/8, cựu giám đốc MEMA cho biết ông không hối hận vì đã không kích hoạt còi báo động cháy rừng khi bị một phóng viên gây áp lực mạnh mẽ. Người này nói bóng gió rằng nếu hệ thống còi báo động được kích hoạt, có thể hàng trăm người đã được cứu sống.
Andaya khẳng định còi báo động thường được dành riêng cho cảnh báo sóng thần và người Hawaii được huấn luyện sẽ tìm kiếm vùng đất cao hơn khi chúng được kích hoạt. "Ngay cả khi kích hoạt còi báo động, chúng tôi cũng sẽ không cứu được những người bị kẹt trên sườn núi", ông giải thích.
Ông Andaya cũng bảo vệ thành tích của mình, nói rằng ông từng được kiểm tra kỹ lưỡng và đào tạo bài bản trước khi đảm nhận vai trò người đứng đầu Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Hạt Maui vào năm 2017.
Tuy nhiên, ông không có bất kỳ kinh nghiệm trực tiếp nào trong việc xử lý trường hợp khẩn cấp, ngoài việc phối hợp với MEMA trong thời gian ông làm việc tại bộ gia cư và với tư cách là nhân viên nội các của thị trưởng Bissen.
Tính đến ngày 17/8, các đội cứu hộ đã tìm kiếm ít nhất 45% khu vực cháy và xác nhận tìm thấy 111 người chết, mặc dù con số này dự kiến sẽ tăng lên khi các quan chức rà soát đống đổ nát.
Hàng nghìn người dân Maui sơ tán đã được đưa vào các nhà tạm trú, khách sạn và các đơn vị Airbnb, trong khi hàng chục nghìn ngôi nhà và cơ sở kinh doanh vẫn bị mất điện.
Nguyên nhân của vụ cháy rừng, vốn là vụ cháy rừng kinh hoàng nhất ở Mỹ trong hơn một thế kỷ qua, đang được điều tra.
Hướng Dương (Theo NY Post)