Lên truyền hình trước khi lấy bằng tú tài
Tôi là người may mắn. Ngay từ khi còn là học trò trường Mạc Đĩnh Chi, tôi đã được biết đến sau một show truyền hình. Với HCV của liên hoan ca nhạc học sinh, tôi như người đi hia bảy dặm, bước thẳng vào các phòng trà ca nhạc nổi tiếng bấy giờ như QueenBee, Tự Do, Khánh Ly, Lệ Thu, Macabane... Từ sân khấu phòng trà, tôi đi một đôi hia bảy dặm khác vào lĩnh vực điện ảnh. Tôi thật sự được công chúng biết đến từ những năm 1971-1972, và là diễn viên, ca sĩ nhận thù lao cao nhất trong lứa tuổi của mình. Muốn nổi tiếng rất khó, phải qua chọn lọc của các tay bầu, đạo diễn khó tính. Không có chuyện mua chuộc hay lăng-xê.
Lên phim và làm ông chủ
Hai năm sau ngày giải phóng, tôi đầu quân cho đoàn kịch nói Bông Hồng của nghệ sĩ Thẩm Thuý Hằng và nổi lên với các vở Hoa sim gai trắng, Cho tình yêu mai sau... Rồi tôi bước vào điện ảnh cách mạng với các phim Tình đất Củ Chi, Giữa hai làn nước... Sau những phim đó, tôi được chọn đóng vai chính trong Ván bài lật ngửa (8 tập). Với bộ phim này, tôi thật sự khẳng định được mình.
Khi nền điện ảnh nước nhà sa sút, tôi trở thành chủ nhà hàng. Làm nhà hàng Ngói Xanh (với sự hùn hạp của một số anh em) cũng là thời gian tôi nghỉ ngơi. Nhưng anh em cứ bắt ôm đàn hát miết. Vừa hát vừa nhậu, không ai cho phép, cũng chẳng ai cấm. Tối nào cũng tụ tập như vậy, cứ thế mà thành phong trào. Tôi tin là phong trào "Hát cho nhau nghe" trong các quan nhậu, nhà hàng đã khởi nguồn từ Ngói Xanh. Riêng tôi, ngày nào cũng hát như thế riết rồi... thành bệnh, nên phải dẹp quán. Không phải vì ế mà... sợ chết.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Chánh Tín
Tôi có may mắn được "trúng mánh" vài vụ đất đai. Có tiền, tôi mua máy ảnh đời mới. Một sở thích từ lâu có dịp thoả nguyện, tôi trở thành nhiếp ảnh gia. Bạn cứ tin đi, tôi đang có âm mưu sẽ làm một triển lãm ảnh cùng với bạn bè. Cuộc sống quá nhiều bon chen, đôi lúc tôi cũng thấy mệt. Chợt một hôm nhìn thấy hoa đẹp - cái đẹp bị bỏ quên. Tôi không khỏi ngạc nhiên. Cuộc sống con người, niềm vui giản dị và dễ thương biết chừng nào mà mình đánh mất trong sự hỗn độn của đời sống hàng ngày.
Tôi không thể trở thành ca sĩ chuyên nghiệp
Tôi đã sống hết mình cho ca nhạc, cho điện ảnh. Một ca khúc hay một vai diễn, tôi không thích thì không thể diễn hay hát được. Nó phải vào máu tôi thì tôi mới diễn, mới hát được. Tôi chỉ thật sự nhớ được rất ít các ca khúc. Tình hình ca sĩ bây giờ, như tôi cảm thấy, hình như các em chỉ chú ý vào biểu diễn giọng hoặc biểu diễn thể hình. Hiếm có người trẻ hiện nay biết kết hợp hai cái đó. Diễn viên cũng vậy, hầu hết họ chỉ diễn bề ngoài chứ không diễn cái bên trong. Cho nên sự thành công của họ chỉ có mức độ, chứ không vượt bậc. Họ chỉ là những người biết hát, biết múa, biết diễn chứ không phải là nghệ sĩ thực sự.
"Tôi chưa bao giờ thấy mình đẹp"
Có thể có người cho rằng tôi thành công là nhờ cái mã đẹp trai. Thật ra, tôi chưa bao giờ thấy mình đẹp trai so với các ca sĩ hay diễn viên khác, nếu nhìn vào từng khía cạnh. Nếu cộng lại từ dáng dấp, mặt mày đến tướng tá thì có lẽ nhìn từ xa coi tôi cũng được. Nhưng tôi chẳng có gì tự hào về điều này.
Trong lĩnh vực nghệ thuật, một diễn viên đẹp có lợi thế gấp hai diễn viên không đẹp. Trong hiện tại cũng như quá khứ, một diễn viên cũng có thể tự làm xấu một cách dễ dàng, như Anthony Quin trong phim Thằng gù nhà thờ Đức Bà chẳng hạn. Nhưng xấu mà làm cho đẹp thì xem chừng khó quá. Bởi thế người đẹp có thể đóng được nhiều vai hơn người xấu. Giữa một người đẹp và một người xấu, nếu tài ngang nhau thì người đẹp thắng. Người xấu phải có tài gấp 3, gấp 4 người khác mới có cơ hội như cái anh chàng Dustin Hoffman chẳng hạn. Tuy nhiên, đẹp mà vô duyên, bất tài thì cũng vứt.
Chánh Tín và phụ nữ
Tôi có thể bị "khổ nạn" vì đàn bà? Một người đàn ông tài hoa, có tên tuổi thì tất nhiên có nhiều người ái mộ. Với tôi thì không thể gọi là "khổ nạn" mà phải là "sướng nạn" mới đúng. Nhưng tôi không lợi dụng ưu thế của mình để tán tỉnh đàn bà con gái. Quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, tôi cho là bình thường, miễn đừng giả dối.
Đàn bà nhiều khi không hiểu được như mình. Dù thế, tôi vẫn coi người đàn bà là cái nôi trong gia đình. Người ta nói "Mẹ Việt Nam" chứ không nói "Cha Việt Nam" khi nói về sự hy sinh. Không riêng gì bà xã tôi khổ, mà người vợ nào có chồng nghệ sĩ cũng phải khổ. Bà xã tôi tất nhiên cũng nhiều khi buồn vì tôi, nhưng tôi chỉ có một người vợ chính thức - người mà đôi lúc tôi thấy như người chị, người mẹ của mình. Sự cảm nhận đó tôi nghĩ cũng không dễ. Nhất là đối với một nghệ sĩ. Nếu như không mang một tâm trạng trở về giống như tôi bây giờ thì có lẽ không nhìn được nhìn được hết điều đó.
Bạn có thể thắc mắc, thế còn những người đàn bà không chính thức? Không chính thức thì làm sao kể được...