![]() |
Bệnh nhân Nguyễn Sỹ Tuân - trường hợp nhiễm H5N1 nặng nhất của VN - thoát khỏi tử thần sau gần 3 tháng điều trị. |
Đó là bệnh nhân Phạm Thị Vân, 12 tuổi, ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nhập viện ngày 27/12/2003 trong tình trạng sốt cao, viêm phổi cấp và tử vong sau đó 2 ngày. Trước đó, khoảng cuối tháng 11/2003, gia đình cháu Vân có nuôi 4 con gà thì cả 4 đều bị chết. Chỉ nghĩ là gà chết do lạnh, gia đình quyết định giết thịt và cháu Vân là người trực tiếp mổ thịt. Đến ngày 25/12 (sau đó gần 1 tháng) cháu Vân có triệu chứng sốt cao. Ngay sau đó cháu được đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng cũng không còn kịp. Và đến ngày 9/1/2004, đến lượt mẹ cháu Vân cũng qua đời tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới. Cả hai mẹ con cháu Vân đều được khẳng định nhiễm cúm type A H5N1.
Món tiết canh làm 3 người nhiễm H5N1
Trong vòng hai tuần, 3 anh em Nguyễn Hữu Việt, Nguyễn Thanh Hưng, Nguyễn Mạnh Hùng ở Thái Bình đều phải nhập Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới và đều được xác định nhiễm H5N1. Điều tra dịch tễ cho thấy, cả 3 anh em đã ăn thịt ngan và tiết canh ngan. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số 3 người sống sót. Người anh cả Nguyễn Hữu Việt đã tử vong sau ít ngày điều trị. Một điển hình khác là gia đình anh Vũ Văn Sơn, 39 tuổi, ở Kiến Thụy, Hải Phòng cùng với vợ và 3 con gái (10 tuổi, 3 tuổi và 4 tháng tuổi) cũng được xác định nhiễm H5N1 do tiếp xúc với gia cầm. Ngày 22/3, 5 thành viên trong gia đình anh Sơn đã vào Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng trong tình trạng ho, sốt, khó thở nhẹ, bạch cầu tăng...
Đặc biệt, bệnh nhân Nguyễn Sỹ Tuân - trường hợp nhiễm H5N1 nặng nhất từ trước tới nay - đã may mắn thoát chết sau 82 ngày điều trị, phải thở máy và đặt nội khí quản trong thời gian dài. Nhập viện ngày 21/2, bệnh nhân Tuân đã trải qua rất nhiều giai đoạn nguy kịch do phổi bị tổn thương nặng, có tràn dịch màng phổi, suy đa phủ tạng. Thậm chí, có thời điểm khả năng tử vong của bệnh nhân này là 90% - 95%. Bệnh nhân này cũng được xác định nhiễm H5N1 do ăn gia cầm bệnh.
Tử vong do tắm kênh, rạch có gia cầm chết
Trường hợp này là bệnh nhân M.T.T.L., 35 tuổi, ngụ tại Cao Lãnh, Đồng Tháp và tử vong chỉ 10 giờ sau khi vào BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Lúc nhập viện, bệnh nhân L. đã trong tình trạng không thể cứu vãn nổi với 2 phổi tổn thương gần như hoàn toàn, phải thở máy do suy hô hấp. Trước đó, bệnh nhân này không làm thịt, không ăn gia cầm chết, nhưng theo lời kể của người nhà, bệnh nhân đã tắm trên kênh có nhiều xác gia cầm chết.
Bệnh nhân L. cũng là người thứ 7 nhiễm H5N1 tử vong thuộc khu vực phía Nam tính đến thời điểm đó. Tất cả các trường hợp này đều liên quan đến gia cầm, thủy cầm bệnh. Theo đánh giá của ngành y tế, ngoài một số ít trường hợp có nguồn lây hoặc không rõ nguồn, một vài trường hợp khác được phát hiện nhiễm H5N1 do hút dịch nhầy của gà chọi mang virus H5N1 khi tham gia đá gà hoặc tiếp xúc với gà chọi.
Chết do ăn gà rù, lẩu gà
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định, phần lớn các trường hợp tử vong do cúm H5N1 đều tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm, thủy cầm bị bệnh. Có những bệnh nhân bị H5N1 do nhà bán hàng ăn nên đã tiếp xúc thường xuyên với gà, có người lại ăn rất nhiều gà rù như trường hợp Trần Văn Cường, 19 tuổi, ở Bắc Giang, cháu Nguyễn Đức Long, 4 tuổi, ở Hà Tây... Hay trường hợp tử vong do nhiễm H5N1 của cháu A.T., 11 tháng tuổi, ở Hà Nội, dù không tiếp xúc với gia cầm nhưng ở gần nơi cháu sinh sống có chợ buôn bán gia cầm. Gần đây nhất, bệnh nhân Bùi Thanh Hải, 35 tuổi, ở Hà Nội nhập viện ngày 26/10 và tử vong ngày 29/10 cũng chỉ vì ăn lẩu gà...
Gia cầm luộc chín nhưng trong tủy xương vẫn còn máu, nghĩa là virus H5N1 vẫn tồn tại
Trong khi vacine H5N1 vẫn đang trong thời kỳ bào chế và cũng chưa có một loại thuốc đặc hiệu nào có thể “thắng” được virus cúm H5N1, thì biện pháp tốt nhất được các chuyên gia y tế khuyến cáo là không tiếp xúc, không ăn gia cầm, thủy cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc. Theo ông Huấn, kể cả những gia cầm, thủy cầm dù đã được luộc chín nhưng trong tủy xương vẫn còn máu, nghĩa là virus H5N1 vẫn còn tồn tại.
Giáo sư Hoàng Thủy Long, nguyên viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, khuyến cáo khi dịch cúm gia cầm bùng phát rầm rộ thì hàng tỉ tỉ con virus cúm được đào thải ra theo phân, phân lẫn với bụi phát tán trong không khí, con người hít phải không khí có thể hít luôn virus cúm gia cầm. Do vậy, những bệnh nhân sống ở những nơi không nuôi gia cầm hay chế biến gia cầm vẫn có thể mắc bệnh.
Đại dịch cúm xuất hiện trở lại theo chu kỳ? Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu đại dịch cúm xảy ra ở nước ta, với dân số 82 triệu người sẽ có khoảng 8,2 triệu dân nhiễm bệnh và 820.000 người tử vong. Đặc biệt, đại dịch này có thể ảnh hưởng tới 1/4 dân số thế giới. Người ta cũng có những thống kê về các đại dịch trước và đưa ra nhận định, các đại dịch cúm thường xuất hiện theo chu kỳ và cứ 25 năm một lần lại xuất hiện một đại dịch. Cụ thể, năm 1918 cúm Tây Ban Nha đã làm 40 triệu người chết, sau đó là đại dịch cúm năm 1957 và 1968 làm hàng triệu người tử vong. Do đó, các chuyên gia cảnh báo, chúng ta đã trải qua 3 đại dịch cúm và nguy cơ virus cúm H5N1 biến chủng, có thể gây ra đại dịch cúm H5N1. |
(Theo Tuổi Trẻ)