Ông McClatchey. |
Suốt 12 giờ đồng hồ ngày 20/11/2004, công việc cấp cứu bệnh nhân Jim McClatchey của toàn thể y bác sĩ Khoa Tim mạch và Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Piedmont đã đưa họ vào kỷ lục lịch sử y khoa.
Hôm ấy cũng là một ngày bình thường của McClatchey. Ông thường xuyên ngồi phía sau bàn, quan sát công việc kinh doanh đồ nhôm của gia đình. Đột ngột, McClatchey gục xuống và bất tỉnh. Người nhà ngỡ ông bị động kinh, thật ra ông bị V-Fib (thuật ngữ y học gọi là loạn nhịp tâm thất), thường gọi là sự ngừng tim (cardiac arrest). Theo bác sĩ Charles Wilmer, chuyên gia tim mạch ở Bệnh viện Piedmont, tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 1-5%, và đại đa số chết tại nhà, đơn giản là vì không kịp đưa đến bệnh viện.
Sự kiện ông McClatchey được đưa tới Piedmont và sống sót quả là rất lạ thường, bởi những diễn biến tiếp theo xứng đáng được ghi vào sách kỷ lục. Thấy ông bắt đầu mất nhịp tim, các bác sĩ quyết định dùng máy rung tim tạo sốc để lấy lại nhịp tim.
Theo An Ninh Thế Giới, trong 1 giờ đầu, tim ông ta ngừng đập 50 lần, cứ mỗi lần tỉnh dậy nhìn thấy máy rung, 3-4 giây sau ông lại “chết”. Bác sĩ Wilmer và các đồng nghiệp không rõ điều gì đang xảy ra, đôi lúc họ băn khoăn không biết phải làm gì để cứu mạng McClatchey. Đối sách tối ưu được đưa ra: áp dụng mọi tiến bộ y học để giữ cho tim còn đập.
Ngày 20/11 lịch sử ấy, Jim McClathcey chết 100 lần và bị sốc điện thường xuyên ở mức cao đến nỗi ngực ông giờ đây còn di chứng của sẹo bỏng độ 2. McClatchey xúc động nói: “Tôi không cảm thấy may vì sống lại, mà vì các bác sĩ quá tận tình với tôi”. Trước thời điểm bị nạn, McClatchey không hề bị bệnh về tim. Các bác sĩ tin một loại virus cúm đã tấn công tim và ông bị ngừng tim vì dùng thuốc tự mua ngoài cửa hiệu.