Sợ con hư, nhiều phụ huynh phải đưa đón con dù chúng đã lớn. |
Khi nghe tin báo cậu con quý tử đang bị công an phường tạm giữ do gây gổ đánh nhau, bà Nguyễn Thị Thu, ở quận Đống Đa, Hà Nội chỉ biết than trời và tất tả đến bảo lãnh cho con.
Gửi con cho thoát nợ
Đây không phải lần đầu tiên con trai bà bị bắt vì tội đánh nhau, nhưng lần này, bà suýt ngất khi thấy con mặt mũi, tóc tai bê bết máu, da tái xám đang ngồi thất thần bên cạnh cậu bạn thân cũng trong bộ dạng tương tự. Thì ra, hai đứa vừa tham gia một cuộc trả thù “nợ máu”. Trước đó một tuần, trong lúc chơi bi-a, một nhóm thanh niên trường khác nhìn thấy Tuấn trông có vẻ “ngứa mắt” đã phang chiếc gậy bi-a vào người. Tức tối, Tuấn và người bạn thân bỏ học rình rập suốt cả tuần để phục thù.
Hồi học cấp 2, Tuấn là học sinh ngoan, học giỏi, chưa bao giờ gây gổ với ai. Nhưng từ khi lên cấp 3, cậu thay đổi hẳn do chơi với đám bạn quậy phá cùng trường. Cậu không sợ ai, sẵn sàng đánh nhau và nổi tiếng ở trường với trò đua xe. Sau lần đó, bà Thu bàn với chồng chuyển trường cho cậu con trai đang học lớp 11 này để tránh phiền phức. Nhưng suy đi tính lại, học trường nào trong TP cũng không thể tách con ra khỏi đám bạn kia, thậm chí chuyển trường mới nó lại tiếp tục quậy phá thì thêm khổ. Bà Thu bèn gọi điện cho dì ruột của Tuấn đang sống ở TP HCM để gửi con. Và thế là không lâu sau, hai vợ chồng bà Thu nước mắt ngắn dài tiễn quý tử vào Sài Gòn với hy vọng thay đổi môi trường sống, Tuấn sẽ ngoan ngoãn hơn.
Còn cô Nguyễn Hà Mai, nhà ở phường Đội Cung, TP Vinh, cũng khẩn cấp tìm chỗ cư ngụ mới cho đứa con 16 tuổi. Hùng là con trai út của cô Mai, từ khi hai chị lớn đi lấy chồng, Hùng thường xuyên bỏ nhà đi thâu đêm và trở về nhà với bộ dạng phờ phạc vào sáng hôm sau. Thì ra, cậu đã trở thành con nghiện của game online. Chửi mắng, đánh đập con, nó lại càng đi nhiều hơn. Bố mẹ không cho tiền thì cậu cắm xe đạp, cắm dây chuyền để có tiền chơi game. Đến khi biết con mình mượn xe máy của bạn đi cắm, vợ chồng cô Mai mới tá hỏa đi tìm con và ra lệnh cấm cửa đối với Hùng. Và để đỡ mệt mỏi thêm vì con, cô Mai đã gửi con vào TP HCM theo học ở một trường nội trú được quản lý nghiêm ngặt về giờ giấc ở quận 10. Hùng phải ở trong trường suốt cả tuần, muốn ra ngoài phải có người thân bảo lãnh.
Một chị cũng hay phàn nàn chuyện con ngày càng hư hỏng, khó dạy bảo. Chị nói chỉ mong nó học xong lớp 12 rồi “tống” nó đi du học ở một nước nào đó cho rảnh nợ. Con chị học năm cuối cấp, không lo học mà suốt ngày đưa bạn gái về phòng rồi khóa chặt cửa lại, càng nói nó lại càng tỏ ra mạnh bạo, bất cần hơn. Không những thế, cậu con trai quen được nuông chiều thường xuyên phí tiền vào chuyện mua sắm. Cứ hễ có kiểu thời trang nào mới xuất hiện trên phố, là y như rằng, con chị lại đòi tiền mẹ mua cho bằng được và tất nhiên, đám bạn của nó cũng toàn là những tay chơi tuổi teen nổi tiếng trong TP. “Nhà được mỗi đứa con, xa nó biết rằng sẽ rất nhớ, nhưng ở gần nó khiến tôi sống dở chết dở. Thà cung cấp cho nó tiền đi du học, sang bên đó muốn làm gì thì làm còn hơn ở nhà phá phách chịu không nổi”, chị tâm sự.
Cuộc sống các gia đình ngày càng khá giả, lại ít con, vì thế, nhiều cha mẹ quá nuông chiều mà không quan tâm đến cách giáo dục con cái ngay từ bé. Đến khi chúng hư hỏng, họ lại tỏ thái độ buông xuôi, phó mặc cho nhà trường hoặc tìm một nơi khác để gửi gắm với hy vọng thay đổi được tính nết của con.
Với tuổi teen, lứa tuổi rất nhạy cảm, dễ thay đổi, ý thức về cuộc sống và bản thân chưa rõ nét và dễ bị ảnh hưởng từ nhân tố xấu, các bậc cha mẹ nên gần gũi, hiểu rõ tâm sinh lý của con để có cách giáo dục hiệu quả ngay trong gia đình. Nếu để chúng xa cha mẹ ở độ tuổi này, chúng dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý, không biết nương tựa vào ai và càng khó quản lý nếu không gửi gắm được người thân trông nom, chăm sóc chúng...
(Theo Người Lao Động)