![]() |
Lô hàng 33 con heo từ Đồng Nai nhập vào TP HCM, trong đó có bốn con bị bệnh LMLM được phát hiện ngày 23/4 tại lò mổ Nam Phong. |
Ông Nguyễn Văn Tân, trưởng trạm thú y quận Bình Thạnh, cho biết lò giết mổ Nam Phong nằm ở quận Bình Thạnh mỗi ngày nhận giết mổ khoảng 2.000 con heo.
Nguồn heo đưa vào giết mổ tại Nam Phong trước đây chủ yếu từ các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi Lâm Đồng công bố dịch thì không tiếp nhận heo từ nguồn Lâm Đồng nữa.
Tuy nhiên, ông Tân nghi vấn các thương lái vẫn mua heo bệnh rồi tìm cách chạy về Đồng Nai xin giấy. Theo ông Tân, nghi vấn này là có cơ sở vì lượng heo từ Đồng Nai về TP HCM tăng bất thường. Ngay cả người chuyên chở heo trước đây chỉ chuyên chở heo từ Lâm Đồng về thì gần đây lại thấy chuyển sang buôn heo từ Đồng Nai và trình giấy của Đồng Nai.
Trạm thú y Bình Thạnh cũng nghi ngờ nguồn heo từ tỉnh Bình Thuận về TP HCM không phải của Bình Thuận mà có thể là của Lâm Đồng được “chạy giấy” hợp pháp hóa.
Từ trước đến nay heo từ Bình Thuận thường không về lò mổ Nam Phong, nhưng gần đây lại về tăng gấp nhiều lần. Thời gian vừa qua, chỉ riêng tại lò mổ Nam Phong đã phát hiện cả trăm con bị bệnh lở mồm long móng (LMLM) từ một số nơi đưa về.
Tối 23 rạng sáng 24/4, Trạm thú y Bình Thạnh phát hiện lô hàng 33 con heo từ Đồng Nai nhập vào, trong đó bốn con có biểu hiện bệnh LMLM. Sau khi phát hiện, trạm đã lập biên bản và cô lập lô hàng này.
Tuy nhiên, chủ hàng đã làm dữ, la lối và có những lời lẽ không hay với các cán bộ thú y khiến Công an phường 13, quận Bình Thạnh phải đến can thiệp. Các chủ hàng này phản ứng vì cho rằng những con còn lại không bị bệnh thì phải cho giết mổ, tiêu thụ.
Còn theo ông Tân, tuy những con này chưa có biểu hiện bệnh nhưng nằm chung lô với những con bị bệnh trong một thời gian thì rất có khả năng bị nhiễm mầm bệnh, phải xử lý tiêu hủy.
Chiều 24/4, Trạm thú y Bình Thạnh đã công bố quyết định của giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP HCM về việc xử lý 33 con heo từ Đồng Nai về. Theo đó, chi cục thú y sẽ đưa năm con heo bệnh và chết lên bãi rác Đông Thạnh thiêu hủy.
28 con chưa có biểu hiện bệnh bắt buộc phải xử lý nhiệt (luộc chín) và phải tiêu hủy toàn bộ đầu, lòng, tứ chi. Đồng thời tiến hành các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ nơi xử lý heo và khu vực chuồng nhốt trữ.
Chiều qua, trong một đoạn đường Vũ Tùng, khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) có đến năm điểm bán thịt bày ra bên vệ đường. Thịt được bày trên những kệ thấp. Có người còn bán thịt, lòng heo bên đống cát đá ngổn ngang bụi.
Tại khu chợ tự phát trên đường Phan Văn Hân, đường Chương Dương cũng tình trạng buôn bán tương tự. Người mua không cần biết xuất xứ lò mổ. Theo các cán bộ thú y, những khu chợ tự phát, buôn bán lòng lề đường luôn làm đau đầu lực lượng kiểm dịch. Đây cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh nhiều nhất.
Bà Trần Thị Hải Yến, Phó ban quản lý chợ Thị Nghè, nói: "Cách chợ không xa, tuần trước lực lượng thú y đã phát hiện một trường hợp nhập thịt heo lẻ không đạt yêu cầu từ miền Đông. Có thể từ những cơ sở nhập thịt heo lẻ này không vào chợ được nhưng lại phân phối ra những khu vực chợ tự phát hoặc quán ăn".
Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, lưu ý: “Ngoài những hàng mẹt lề đường, quán ăn bình dân, heo quay cũng nằm trong nhóm có khả năng lẫn lộn thịt heo bệnh. Ngay cả những con heo bị LMLM nặng, có da bị nổi mụt đỏ thì khi quay lên người tiêu dùng cũng khó thể phát hiện”.
Ngày 24/4, bác sĩ Hoàng Phương Nam, quyền chánh thanh tra Chi cục Thú Y TP HCM, cho biết từ tháng ba đến nay tại TP HCM chưa phát hiện thêm trường hợp nào heo bị bệnh LMLM. Trong các chợ thì heo bệnh rất khó lọt vào. Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, khẳng định: “Chỉ cần một con heo bệnh trong xe thì phải thiêu hết tất cả heo có trong xe”. Do vậy nên trong vài năm nay tại chợ không phát hiện trường hợp heo LMLM chuyển về. |
(Theo Tuổi Trẻ)