Tới đây, công chức sẽ nhận lương qua thẻ tín dụng. |
Chiều 10/9, phòng kế toán của UBND phường 9, quận 3, TP HCM, tấp nập các cụ đi lĩnh lương hưu. Việc lĩnh tiền mặt diễn ra nhanh chóng, sau đó các cụ được mời đến chiếc bàn bên cạnh để... mở thẻ ngân hàng. Cô nhân viên ngân hàng Đông Á đã có mặt từ bao giờ, nhanh chóng hướng dẫn các cụ đăng ký để nhận lương qua thẻ cho những lần sau.
Theo ông Võ Văn Đức, Chủ tịch UBND, trong tháng này phường bắt đầu làm thủ tục trả lương qua thẻ cho gần 600 cụ hưu trí (cụ nào không chịu thì... thôi). Đây được xem như là một bước đệm để tháng sau sẽ bắt đầu áp dụng chi trả lương cho cán bộ công chức thông qua ngân hàng Vietcombank TP HCM để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.
Phường có tất cả 50 người đang làm việc, lương trung bình mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng. Nhìn sơ qua cũng biết chẳng bõ bèn gì so với số lượng các doanh nghiệp đang chi trả lương thông qua Vietcombank. Vậy mà ngân hàng cũng phải kiên nhẫn thuyết phục hơn hai tháng mới được vị khách hàng này đồng ý.
Theo Trưởng phòng kinh doanh thẻ của một ngân hàng quốc doanh, quyết định của Thủ tướng về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách đã mở ra một thị trường rộng lớn nhưng vô cùng "khó gặm" đối với các ngân hàng. Ông cho biết ngân hàng đã bắt đầu tiếp xúc với UBND TP HCM và các quận huyện, các sở ban ngành từ tháng qua.
Ông kể: "Chúng tôi tiếp xúc qua đủ thứ kênh, có lúc là các trưởng phòng hành chính, phòng nhân sự, phòng kế toán…Phải gọi qua gọi lại, đi tới đi lui nhiều lần. Dưới này "gút" rồi thì chúng tôi mới đi lên gặp các lãnh đạo cao nhất của đơn vị. Mà cũng khó lắm, phải có người giới thiệu kia, đâu dễ tự nhiên đi gặp ông giám đốc sở để mời ông mở... thẻ”.
Tuy nhiên, các cơ quan hành chính đang tính chuyện trả lương qua tài khoản cũng gặp một số vướng mắc. Theo ông Võ Văn Đức, hiện nay đến ngày lĩnh lương, UBND phường 9 cho nhân viên đến kho bạc lĩnh về, còn nếu muốn trả lương qua thẻ, ông phải làm kế hoạch lương trình Kho bạc Nhà nước. Nếu kho bạc đồng ý thì sẽ chuyển tiền qua Vietcombank trước khi tiền được chuyển vào tài khoản của từng người. Bù lại, phường sẽ phải trả cho ngân hàng các loại phí liên quan nhưng "những chi phí này tôi chưa tính được là ai sẽ trả”, theo như lời của ông Đức.
Không chỉ ông Đức không có tiền trả, hầu hết các cơ quan hành chính khác cũng rơi vào vòng luẩn quẩn này. Cho nên các ngân hàng mạnh về thẻ đang lên kế hoạch chào gói sản phẩm "ba không": không phí phát hành, không phí chuyển tiền, không phí thường niên. Đây quả thật là một cuộc chạy đua quá sức đối với một số ngân hàng nhỏ.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, nếu nói về trả lương qua thẻ thì các doanh nghiệp mới là món lợi lớn. Thông thường các ngân hàng thu phí phát hành thẻ 100.000 đồng, phí chuyển tiền 2.000-4.000 đồng/người cho một lần chuyển tiền, và phí thường niên 50.000 đồng.
Các loại phí này thường do chủ doanh nghiệp trả. "Chúng tôi biết làm với các cơ quan hành chính hầu như không có lãi, thậm chí còn phải chuẩn bị tinh thần họ đòi hỏi nhiều thứ khác. Nhưng làm với họ mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn, được họ tín nhiệm thì các doanh nghiêp cũng sẽ tin cậy mình hơn", đại diện một ngân hàng phân tích.
Như vậy, để phát triển thị trường thẻ, các ngân hàng đã quyết định lấy lãi từ khối doanh nghiệp để "bù” cho các cơ quan hành chính. Ngoài việc sẵn sàng miễn phí các loại phí, các ngân hàng cũng đang thiết kế gói sản phẩm hấp dẫn để thuyết phục các đơn vị này. Cho phép khách hàng (thuộc các đơn vị) vay chi tiêu trước một khoản tiền tương đương 3-5 tháng lương, cho tài khoản thẻ kết nối trực tiếp với tài khoản tiền gửi thanh toán... đã nằm trong kế hoạch của nhiều ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thượng Thức, Trưởng phòng thẻ Vietcombank TP HCM, việc các ngân hàng đưa ra ưu đãi nhiều cũng chưa phải là yếu tố quyết định. "Quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ của ngân hàng. Trong đó then chốt là việc phân bố hệ thống máy ATM, sau đó là giá cả. Các ngân hàng chào giá rẻ, nhưng nếu các khách hàng tính đến sự tiện lợi khi sử dụng và cân nhắc các dịch vụ khác sẽ được hưởng khi hợp tác với ngân hàng thì họ sẽ có sự chọn lựa đúng đắn", ông Thức nói.
Ông Trần Thế Nam, giám đốc trung tâm ATM của ACB, phân tích: "Thẻ không chỉ là công cụ để nhận lương rồi đến ATM rút tiền. Làm cho khách hàng hiểu và sử dụng các dịch vụ khách hàng cá nhân khác là điều mà tất cả ngân hàng đang hướng đến".
Theo chỉ thị của Thủ tướng, từ ngày 1/1/2008, sẽ bắt đầu trả lương qua tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước (các cơ quan trung ương, cơ quan, đơn vị thuộc UBND các cấp tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành phố)... Tiếp theo, từ ngày 1/1/2009, tiếp tục mở rộng thực hiện việc trả lương qua tài khoản ở những đơn vị chưa triển khai trên phạm vi cả nước, nơi mà các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có khả năng đáp ứng việc trả lương qua tài khoản. Ngày 10/9, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang khảo sát năng lực cung ứng dịch vụ của các ngân hàng và chuẩn bị hướng dẫn thực hiện ngay trong tháng này. |
(Theo Tuổi Trẻ)