Nữ diễn viên Trung Quốc Trương Mạn Ngọc đã mang về vinh quang cho điện ảnh châu Á tại liên hoan phim Cannes sau khi giành giải nữ diễn viên xuất sắc cho vai nữ chính trong phim Clean của đạo diễn Olivier Assayas, chồng cũ của cô.
“Đây thực sự là khoảnh khắc kỳ diệu trong đời tôi”, nữ minh tinh thổ lộ tại lễ trao giải.
Bộ phim nói về Emily, vợ góa của một ngôi sao nhạc rock qua đời vì sốc thuốc. Người phụ nữ này đã nỗ lực từ bỏ ma túy và làm lại cuộc đời. Sau khi ra khỏi tù, cô đã tìm cách giành lại đứa con trai từ tay cha mẹ chồng.
Từng đóng nhiều vai lớn trong suốt 2 thập kỷ qua, nữ minh tinh 40 tuổi cho biết vai bà mẹ trong Clean là thách thức lớn đối với cô.
“Đó là một vai diễn khó. Các đạo diễn khác có thể để tôi đóng các loại vai khác nhau, kể cả vào vai một kẻ nghiện ngập. Nhưng chỉ có tin tưởng tôi để cho tôi diễn như những gì tôi cảm nhận”.
Còn đạo diễn Olivier nói: “Cô ấy đã khám phá bản thân khi thoát khỏi những gì người ta tưởng tượng về cô ấy. Tôi muốn làm một bộ phim với thông điệp rằng con người có thể thay đổi”.
Sinh năm 1964 tại Hong Kong, Trương Mạn Ngọc cùng gia đình chuyển sang Anh khi cô lên 8 tuổi, nhưng sau đó cô trở lại Hong Kong năm 1981 và theo nghề người mẫu.
Diễn viên Trương Mạn Ngọc. |
Năm 1983, cô tham gia cuộc thi hoa hậu Hong Kong và ký hợp đồng với đài TVB. Sau đó, nữ diễn viên xinh đẹp đã lọt vào mắt xanh của Jackie Chan. Mạn Ngọc đã được giao vai chính trong phim May in Police Story (năm 1985) và trở thành ngôi sao màn bạc sau vai diễn này.
Sau đó, Mạn Ngọc đã hợp tác với đạo diễn Wong Kar Wai và tham gia một số phim như As Tears Go By năm 1988 và Days of Being Wild năm 1990.
Năm 1991, nữ minh tinh này là ngôi sao Trung Quốc đầu tiên giành giải nữ diễn viên xuất sắc trong liên hoan phim Berlin cho vai diễn trong phim Centre Stage.
Qua mặt rất nhiều tên tuổi lớn, cậu bé 14 tuổi người Nhật Bản Yagura Yuuyi đã được trao giải Nam diễn viên xuất sắc với diễn xuất trong phim Nobody Knows - kể về 4 anh em bị mẹ bỏ rơi phải tự bươn chải mưu sinh ở thủ đô Tokyo.
Giải thưởng lớn – Á quân - được trao cho bộ phim Hàn Quốc Old Boy. Đây là câu chuyện kể về sự báo thù của một người đàn ông sau nhiều năm bị tống giam vô cớ. Phim Tropical Malady của đạo diễn trẻ Thái Lan lần đầu dự Cannes Apichatpong Weerasethakul nhận được giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo.
Fahrenheit 11/9 công kích cách nước Mỹ và Nhà Trắng phản ứng về vụ 11/9 đồng thời chỉ ra những quan hệ bí mật giữa gia đình Bush và hoàng gia Ảrập Xêút, trong đó có gia đình bin Laden, cũng như đả kích cuộc chiến ở Iraq. Đây là lần đầu tiên một bộ phim tài liệu được tôn vinh ở vị trí cao nhất của LHP Cannes kể từ năm 1965.
Sau buổi trình chiếu, khán giả đã đứng dậy vỗ tay suốt 20 phút - sự tán thưởng chưa từng có trong lịch sử Cannes.
Theo giám đốc LHP Cannes Thierry Fremaux (Hollywood Reporter 18-5-2004). Fahrenheit 9-11 không là phim hành động giật gân hay tình cảm mùi mẫn. Nó là một phim tài liệu khô khan và thậm chí rất sốc, với nội dung “nhạy cảm” đến mức không hãng nào dám nhận phát hành tại thị trường Mỹ…
Fahrenheit 9-11 mở đầu bằng vài chi tiết về chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000 với chiến thắng nhiều tranh cãi của ứng cử viên George W. Bush. Tiếp đó, phim chuyển sang đề tài chính: Bush và sự kiện 11/9/2001. Không có cảnh máy bay đâm vào tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới (New York) nhưng hiệu quả âm thanh với tiếng gầm rú máy bay đã được sử dụng. Kế đó là những giọt nước mắt trên hàng triệu khuôn mặt công chúng bàng hoàng trong tâm trạng sửng sốt lẫn kinh hãi tột đỉnh. Và rồi đến phần mổ xẻ mối quan hệ bí mật giữa gia đình Bush và hoàng gia Saudi Arabia.
Đạo diễn Michael Moore. |
Tuy nhiên, đây chỉ là điểm chấm phá. Phần quan trọng hơn nằm ở chỗ các tình tiết hậu trường cho thấy quan hệ lịch sử giữa gia đình Bush và gia đình Bin Laden kéo dài trong ba thập niên. Tác giả Fahrenheit 9-11 cũng lần đầu tiên trình chiếu cảnh gia đình Bin Laden lục tục khăn gói di tản khỏi Mỹ (vài ngày sau sự kiện 11/9) với sự giúp đỡ từ bên trong Nhà Trắng!
Không chỉ sự kiện 11/9, Michael còn trình bày hình ảnh bi thảm của trẻ em Iraq chết vì chiến tranh với thi thể cháy đen như than, cùng hình ảnh binh lính Mỹ bị thương. Nhìn vấn đề ở góc độ báo chí và cập nhật thời sự, Michael Moore còn chiếu cảnh một số lính Mỹ ngược đãi tù binh Iraq hoặc cười nham nhở trước thi thể lính Iraq…
Đặt tựa theo quyển Fahrenheit 451 của Ray Bradbury (nói đến nhiệt độ cần có để tiêu hủy sách trong một xã hội chống chủ nghĩa duy tâm), Michael Moore gọi Fahrenheit 9-11 là “thứ nhiệt độ thiêu hủy tự do”. Và bởi sức nóng của nhiệt độ này, không hãng phim nào dám tung nó ra thị trường Mỹ (đặc biệt trong mùa chính trị nhạy cảm với chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ), ít nhất ở thời điểm hiện tại.
Theo Tuổi Trẻ, mùa xuân năm ngoái, Icon Productions (của Mel Gibson) đã từ chối “dính dáng” Michael Moore. Cuối cùng, Miramax Films (phân nhánh Walt Disney) mới nhảy vào, với hợp đồng bỏ vốn 6 triệu USD và nhận phát hành tại thị trường Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, đến nay, hai ông chủ Miramax (anh em Harvey và Bob Weinstein) vẫn tiếp tục “đấm đá” với giới điều hành Walt Disney để Fahrenheit 9-11 được phát hành vào dịp quốc khánh Mỹ (ngày 4-7) như ý Michael. Theo lời Michael Moore, Walt Disney không phát hành thật ra do lo ngại không còn được bao che trốn thuế cho hoạt động kinh doanh công viên chủ đề tại Florida, nơi Jeb Bush (em Tổng thống Bush) ngồi ghế thống đốc.
Trên trang web của mình, Michael cho biết thêm một tháng sau khi phim được bấm máy và Michael ký được hợp đồng với Miramax, chủ tịch Walt Disney, Michael Eisner, đã gặp người đại diện Ari Emanuel, bày tỏ sự tức giận trước hợp đồng Miramax, khẳng định rằng Fahrenheit 9-11 không bao giờ được phát hành qua bất kỳ hãng nào thuộc Walt Disney - dù cá nhân Eisner chưa từng xem phân cảnh nào hoặc thậm chí đọc kịch bản. Eisner cũng nói thêm ông không muốn làm phật lòng Jeb Bush...
Fahrenheit 9-11 không đề cập đến vấn đề hoàn toàn mới. Báo chí Mỹ đã nói nhiều đến mối liên hệ giữa Bush và (gia đình) Bin Laden, về quan hệ (dầu hỏa) “môi hở răng lạnh” giữa Mỹ và Saudi Arabia, về loạt thương vụ trong bóng tối giữa George W. Bush thời làm thống đốc Texas với nhiều thành viên hoàng gia Saudi Arabia.
Điểm tạo ra sự khác biệt giữa những bài báo và bộ phim của Michael Moore là ở chỗ, Fahrenheit 9-11 cho thấy nền văn hóa Mỹ đã phản ứng trước chính sách Nhà Trắng như thế nào, như từng thấy ở thái độ văn hóa trong giới hoạt động nghệ thuật Mỹ thời phản chiến chống chiến tranh VN. Đó là lý do tại sao người ta lo sợ Fahrenheit 9-11 có nguy cơ đốt cháy xã hội và tâm lý công chúng Mỹ, trong khi sức nóng từ chảo lửa Iraq đã và đang cháy bén đến Washington!