Công Vinh trong một buổi tập trên tuyển. Ảnh: VNE |
Một tuổi thơ khốn khó, một hoàn cảnh gia đình không được may mắn, sum vầy như những người khác, những cái nhìn đầy khinh miệt của nhiều người khi bố tôi gặp nạn... tất cả những điều ấy đã dạy tôi một điều: "Đừng bao giờ tự cho mình thỏa mãn bất kỳ điều gì".
Tôi có nghe nhiều người nói rằng: "Cầu thủ bây giờ sướng như tiên, nhiều tiền, muốn chơi nổi". Thực ra không mấy ai hiểu được áp lực đằng sau đời cầu thủ mà nói ra chưa chắc đã nhiều người dám đánh đổi".
Ở SLNA, tôi nhận lương 3 triệu một tháng, ở đội tuyển, tôi nhận khoản phụ cấp chưa đầy 4 triệu, chỉ chờ vào tiền thưởng. Đúng là với những người dân ở quê tôi, thu nhập như thế là giàu. Nhưng điều mà tôi phải đánh đổi để có khoản lương ấy là gì? Là một ngày hai tuổi tập vắt kiệt sức trên sân cỏ. Là xa cách người mình yêu quý, là việc cứ tối tối phải về nơi tập trung đúng 21h. Hơn nữa, bóng đá thực sự có những lúc thật bạc bẽo.
Khi anh ghi bàn, cả sân hô tên anh, nhưng chỉ trận sau thôi, anh không có phong độ tốt nhất lập tức gia đình, bố mẹ anh bị réo tên ra chửi. Chúng tôi, những cầu thủ phải chấp nhận tất cả những chuyện ấy. Có lần, hồi còn đá ở đội U20 quốc gia, tôi đã bị vu cho là bán độ, cũng may các thày tin tưởng chứ tôi không thể thanh minh một cách cụ thể.
Thậm chí, cũng mới đây thôi, tôi còn bị xúc phạm bằng cách ai đó đã rải tờ rơi ở CLB nói tôi bán độ. Đó là những khoảng thời gian đầy áp lực, có người nói sau lưng tôi rằng: "Rồi thằng Vinh nó cũng đi tù như bố nó thôi". Nó như mũi dao cứa vào chỗ tôi đau nhất. Tất nhiên, với công sức của mình, tôi có quyền cho mình thực hiện một số sở thích.
>> Công Vinh đã suýt phát điên >> Ngày tháng khổ luyện của Công Vinh >> Chị và em gái của Công Vinh >> Mong một bữa cơm có bố có mẹ >> Chuyện người cha đi tù của Công Vinh |
Tôi khẳng định là tôi vẫn nghèo, gia đình tôi vẫn cần rất nhiều tiền để trang trải những khó khăn hàng ngày, mẹ tôi vẫn phải quanh quẩn với cái quán nhỏ đầy bụi cạnh nhà máy xi măng Hoàng Mai, bố tôi vẫn chưa có một ngôi nhà thực sự và đang sống ở một cửa hàng cầm đồ, nơi mà ông thuê, em tôi văn chưa đỗ đại học, các chị tôi không khá giả gì. Tôi thực sự chưa làm được điều gì cho họ ngoại trừ một việc họ có thể tự hào với mọi người, với hàng xóm vì có một người con, một người anh, một người em như tôi.
Tôi vẫn phải ý tứ khi ra ngoài đường, từ lời ăn tiếng nói đến cách ăn mặc. Thậm chí, tôi chưa bao giờ bước chân vào một quán bar, vũ trường chỉ để "xem nó như thế nào" mặc dù đó không hẳn là những nơi xấu xa. Nhưng tôi tránh.
"Vinh à, mày là một thằng chuyên nghiệp", anh Huy Hoàng nói với tôi như thế, anh Hoàng rất ít khen ai, nhưng tôi tin anh ấy nhận xét đúng về tôi. Khi kết thúc một giải đấu, tôi có thể uống bia đến say mèm nhưng bình thường thì không, tuyệt đối không. Tôi cũng không hút thuốc lá vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe và nghề của tôi.
Những gì tôi đang có với nghiệp bóng đá, cũng có thể gọi là thành công, nhưng nó rất mong manh. Chỉ một phút ngã lòng là tất cả sẽ sụp đổ. Tôi biết điều ấy và luôn tìm cách giữ mình trước những cám dỗ.
Tôi không thật sung sướng nhưng hạnh phúc vì nhận được sự tin tưởng, mến yêu của người hâm mộ. Tôi vui khi một ngày được trở về nhà, ăn miếng cơm đạm bạc do chính tay mẹ nấu và tôi rất muốn có những phút giây riêng tư với người bạn gái đang học Đại học Văn hóa, hai đứa có thể được đi ăn ốc nóng vỉa hè, có thể thoải mái tâm sự cùng nhau,...
Nhưng trước mắt vẫn là những trận đấu phải vắt sức, vẫn là những ngày xa nhà đằng đẵng. Đó là điều mà tôi đang chấp nhận.
(Theo Thể Thao Ngày Nay)