Chỉ vỏn vẹn một tháng sau khi cưới, chồng mình đã có người đàn bà khác. Từ đó cho đến nay, mình đã phát hiện anh ta ăn nằm với người khác không biết bao nhiêu lần. Mình không nói quá đâu. Thật sự nhiều đến mức mình không thể nhớ nổi. Không những làm chuyện có lỗi với mình, anh ấy còn quay ra đánh đập mình không nương tay mỗi lần bị phát hiện.
Càng ngày anh ấy càng quá đáng, anh không hề che giấu chuyện ra ngoài "ăn phở". Anh ấy cứ thản nhiên không né tránh che đậy nhưng lại không nhìn nhận. Chỉ cần mình đề cập đến những gì mình biết thì y như rằngchồng nói không, sau đó là thượng cẳng tay hạ cẳng chân với lý do là "anh đã nói không thì là không". Chắc là các bạn đang rất bực mình vì "cái con ngu" này chuyện như vậy mà cũng nhịn được còn lên đây kêu ca. Xin hãy khoan, xin hãy đọc hết câu chuyện của mình.
Con trai của mình năm nay đã gần 4 tuổi. Cháu vẫn chưa được đi học mặc dù mình rất muốn. Xin nói thêm để các bạn được rõ, cháu mang quốc tịch Singapore. Một năm trước mình đã bị chồng đánh đập (mặc dù theo đúng luật pháp của Singapore, phụ nữ chúng mình được bảo vệ một cách triệt để). Trường hợp của mình, ngay chính những người cảnh sát bên đó cũng khuyên mình nên áp dụng theo đúng luật. Có nghĩa là mình phải báo trường hợp của mình cho cảnh sát, (chuyện này mình đã làm rồi) sau đó cầm tờ giấy cảnh sát cấp cho mình đi tới Family Court (toà án gia đình) để đóng dấu.
Sau khi có con dấu đó, chỉ cần hắn chạm tay vào mình thì hắn sẽ bị cảnh sát tóm cổ ngay lập tức. Hơn thế nữa, mình còn được quyền xin toà phán hắn không được phép đến gần mẹ con mình trong phạm vi toà không cho phép. Còn khi không có con dấu đó, cảnh sát sẽ chẳng thể làm gì ngoài việc hòa giải. Nhưng mình không làm được, cầm tờ giấy cảnh sát cấp cho mình đã hơn hai năm, mình vẫn không thể đi đóng con dấu đó.
Ảnh minh họa. |
Sẽ có người trách mình dại dột, nhưng mình tin rằng sẽ có không ít các bạn ở đây hiểu tại sao và đồng cảm với mình. Mình không thể cho cha của con mình ngồi tù. Mình không biết trả lời thế nào với con khi nó hỏi cha nó đâu. Mình không có quyền tước bỏ khỏi con mình cha của nó. Và trên hết, mình không biết làm sao để có khả năng chăm sóc cháu khi mình đang ở xứ lạ quê người, không bạn bè, không người thân, không việc làm, không nhà cửa... Mình ẵm cháu về Việt Nam cứ tưởng sẽ khá hơn. Nhưng sự thật không phải như vậy.
Về tới nơi mình được sinh ra, nhưng lại không phải nơi cháu được sinh ra. Cháu không nói được tiếng Việt, ngôn ngữ của cháu là tiếng Anh. Cháu không hề có bạn bè, vì không thể giao tiếp với ai. Mình rất muốn cho cháu đi học, nhưng những trường bình thường thì làm sao cháu hiểu những gì thầy cô và bạn bè nói? Còn trường quốc tế thì mình không có khả năng. Chưa kể đến việc, vì cháu là người nước ngoài, khi cư trú ở Việt Nam cần phải có Visa. Cứ một vài tháng lại phải chật vật chạy chọt để xin gia hạn Visa cho cháu. Mình thì lại không có nghề nghiệp rõ ràng nên không thể xin cho cháu giấy miễn thị thực để yên ổn mà ở lại Việt Nam.
Cứ như vậy tình trạng kéo dài đã một năm nay, nhìn cháu lớn lên mỗi ngày cứ thui thủi một mình không bạn bè không trường lớp, mình đành bấm bụng bảo chồng mình về đây mà đón cháu sang bên kia để học hành. Vì mình nghĩ tương lai của cháu vẫn sẽ tốt hơn khi sống ở môi trường bên đó. Dù gì đi nữa thì chính sách của Singapore vẫn lo cho người dân của họ đàng hoàng tử tế. Hơn nữa cũng còn ông bà nội, ít ra thì vẫn hơn mình không có người thân nào. Ở đây mình chỉ có bản thân.
Các bạn phải hiểu, khi cho cháu theo ba về bên đó, đồng nghĩa với việc mình sẽ cô đơn một mình. Mình phải cắt đi núm ruột và là người thân duy nhất. Mình sẽ phải sống cuộc sống không có định hướng và mục đích rõ ràng trong hiện tại. Nhưng mình không biết phải làm gì hơn. Mình không thể để con mình mãi như vậy. Mà mình cũng không thể tiếp tục sống với một tên khốn như thế. Vậy mình phải làm sao đây? Mình quyết định như vậy là đúng hay sai? Bản thân mình cũng không rõ. Có còn giải pháp nào cho mình hay không? Hãy giúp mình với.
Thương Tống
* Gửi tâm sự của bạn tới địa chỉ email changnang@ngoisao.vnexpress.net để được độc giả chia sẻ, gỡ rối. Lưu ý bài viết bằng tiếng Việt có dấu.