Chiều ngày 5/8, ông Trương Văn Sơn (sinh năm 1965, cha của nạn nhân, trú tại xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) rủ bạn bè về nhà nhậu cho đỡ buồn. Khi buổi nhậu của cha kết thúc thì cũng là lúc con trai Trương Văn Lâm (sinh năm 1993, ngụ địa chỉ trên) đi nhậu với bạn bè về. Trong lúc dọn dẹp mâm bát, thấy nền nhà bẩn, Lâm khó chịu nói với ông Sơn: “Lần sau có nhậu thì đừng nhậu với những “thằng” này”.
Bạn nhậu vẫn còn đang ngồi chơi đầy nhà, ông Sơn xấu hổ nạt con: “Thằng này là thằng nào? Tất cả đều là bậc cha chú của mày đấy! Người ta đến nhà bày cách cho mày làm ăn đấy. Đã xác định mời khách đến nhà nhậu thì phải chấp nhận nhà phải dơ, phải dọn dẹp chứ”.
Trước những lời mắng của cha, Lâm tức giận lấy tay đập vỡ tấm kính trên cửa ra vào. Người cha thấy con mình nổi khùng lên đập kính, phần vì tiếc của, phần vì giận con, ông nhặt lấy miếng kính vỡ ném về phía thằng con bất trị. Miếng kính vỡ không ngờ trúng tay Lâm khiến máu chảy ròng ròng. Người em họ vội vàng lấy xe chở Lâm ra trạm y tế Nông trường cao su gần nhà sơ cứu.
Ông Nguyễn Văn Long, Y sĩ Trạm y tế Nông trường cao su Thanh An là người trực tiếp sơ cứu cho Lâm, kể lại: “Chiều tối ngày 5/8, Lâm được một người em họ dẫn đến sơ cứu vết thương ở cổ tay. Nghe người em họ này nói lại thì do cha của Lâm ném miếng kính vỡ, Lâm đưa tay ra đỡ nên bị miếng kính đâm vào làm rách cổ tay. Theo chẩn đoán ban đầu thì vết rách làm đứt tĩnh mạch khiến máu chảy rất nhiều. Nhưng tôi chưa kịp khâu lại vết rách, mới chỉ băng tạm thời thì Lâm đã vùng chạy ra cổng. Ngay từ lúc mới đến, Lâm đã tỏ ý không hợp tác, không cho tôi sơ cứu vết thương ở tay của Lâm. Vừa vùng vẫy, Lâm vừa khóc”.
Người em họ thấy anh có những biểu hiện lạ, nhưng vẫn vòng về nhà lấy tiền, đồng thời báo thêm người nhà ra để cấp cứu cho Lâm. Trong lúc đó, Lâm đã chạy ra khu vực hồ Cần Nôm, cách trạm y tế khoảng 200m rồi nhảy xuống hồ tự tử.
Lúc này ông Sơn vẫn không hề hay biết sự việc, ung dung ở nhà nằm xem tivi. Mãi đến khi thấy đứa cháu họ hớt hải chạy về báo tin con trai mình bị thương ở tay chảy rất nhiều máu, nhưng không chịu đi băng bó mà đòi tự tử, người cha mới vội vã chạy theo đứa cháu họ ra trạm y tế nhưng không thấy Lâm ở đó. Chạy ra phía cầu Cần Nôm, dưới ánh đèn, ông Sơn thấy vết máu còn vương lại trên cầu.
Khản tiếng gọi con nhưng không thấy con trả lời, ông Sơn sấp ngửa cùng người thân và bà con hàng xóm đi dọc bờ hồ tìm con trai. Giữa trời mưa gió, ông Sơn bước thấp bước cao đi lại dọc quanh hồ nát cả đám cỏ mà vẫn không thấy con. Mãi đến giữa buổi sáng hôm sau, người dân mới phát hiện xác của Lâm nổi lên ở khu vực giữa cầu Cần Nôm.
Gương mặt người cha khắc khổ, như già đi thêm cả chục tuổi trong đám tang con. Ông bộc bạch: “Thấy Lâm nổi khùng đập bể cửa kính, nhà đã nghèo nên tôi sợ nếu đập hết thì lấy tiền đâu mà lắp lại. Tôi định bụng chỉ ném miếng kính vỡ hù dọa cho con sợ mà dừng lại. Nào ngờ!”
Người cha xót xa: “Chắc nó buồn chuyện tình cảm nên dễ nổi nóng rồi nghĩ quẩn. Cách đây không lâu, nó dẫn bạn gái về nhà ra mắt. Tôi mừng quá vội vay mượn tiền bạc sửa lại căn nhà. Nhưng nhà sửa sang đã xong thì cách đây mấy ngày, tôi thấy nó buồn buồn. Hỏi chuyện mấy đứa hay chơi cùng nó thì được biết nó buồn chuyện tình cảm. Nó và bạn gái chia tay nhau. Tôi đã khuyên nó “Không yêu đứa này thì yêu đứa khác. Thiếu gì con gái để yêu đâu”. Vậy mà nó không nghe, cứ buồn trong lòng cho đến ngày xảy ra cơ sự”.
Hết tự trách mình, ông Sơn lại nhớ những việc mình đang làm để vun vén cho cuộc sống của con. Gần đây thấy con mình có ý sắp cưới vợ, ông Sơn đã vay mượn tiền bạc sửa sang lại căn nhà. Nhà đã sửa xong, nhưng những ngày tháng an nhàn khi con cái đã trưởng thành chưa kịp đến thì người con trai duy nhất mà ông rất mực yêu quý đã “báo hiếu” ông bằng cách tìm đến cái chết. Suốt buổi nói chuyện, người cha đều nói tốt cho con. Ông nghẹn ngào: “Dù tôi và nó hay “khắc khẩu” với nhau nhưng chỉ là do không hợp tính. Nó ngoan lắm. Bà con trong xóm ai cũng khen”.
Tuy nhiên, theo lời người dân địa phương thì Lâm là đứa con khá ngỗ nghịch. Học đến lớp 7, Lâm nghỉ học ở nhà do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cậu ta thường đi xe tốc độ cao, lạng lách trong làng, nhiều lần từng bị chính quyền địa phương nhắc nhở. Nghề nghiệp của Lâm cũng không ổn định. Lúc trước Lâm đi làm thuê làm mướn, người dân kêu gì làm nấy, sau này thì đi phụ làm hàn xì, đồng lương vẫn bấp bênh như trước. Vậy nên dù con trai đã 20 tuổi, nhưng trụ cột gia đình vẫn do một tay người cha già gánh vác.
Bà con làng xóm đều thương xót cho hoàn cảnh của người cha tội nghiệp. Ông Sơn bị tật ở chân và sức khỏe yếu nên không làm được việc nặng. Sau khi lập gia đình, người vợ sinh cho ông hai đứa con một trai một gái kháu khỉnh. Nhưng khi Lâm mới lên 3 tuổi, bé gái mới sinh được vài tháng thì người vợ nhẫn tâm bỏ đi. Ông Sơn rất buồn và giận vợ, nhưng vì thương con nên ông quyết định ở vậy, một mình gà trống nuôi con. Ông kiếm sống bằng nhiều nghề từ làm thuê làm mướn, ai kêu gì làm nấy cho đến làm nghề sửa xe đạp tại nhà. Thời gian gần đây, thu nhập của ông có khá hơn từ nghề làm hàn xì.
Gia cảnh nghèo khó quá mức, nhiều năm gia đình ông Sơn luôn ở trong diện hộ nghèo. May mắn mới đây chính quyền thôn, xã quan tâm giúp đỡ xây tặng ông căn nhà tình thương nên ba bố con ông mới có chỗ vững chãi mà chui ra chui vào.
Chia sẻ về hoàn cảnh của ông Sơn, người dân ấp Thanh Tân đều cảm thấy thông cảm: “Cũng vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, lại thiếu sự quan tâm của người mẹ, nên Lâm không được dạy dỗ đàng hoàng. Chỉ thấy tội cho ông Sơn, gần 20 năm một mình ở vậy nuôi con với biết bao cực khổ hóa ra thành công cốc. Đến khi trưởng thành thì đứa con lại dễ dàng tìm đến cái chết, không nghĩ đến những nỗi đau khổ mà người cha của nó sẽ phải chịu”.
Theo Pháp Luật Việt Nam