Thứ năm, 16/12/2021, 12:12 (GMT+7)

Chàng trai sưu tầm 500 điện thoại 'cục gạch'

TP HCMLưu Triệu Tuấn Khanh (38 tuổi) dành 20 năm sưu tầm hơn 500 điện thoại cổ từ nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Căn phòng rộng chừng 40 m2 tại quận 3 là nơi anh Tuấn Khanh trưng bày bộ sưu tập điện thoại cổ. Anh xếp chiếc máy N91 8GB lên kệ. Ngoài thương hiệu Nokia, anh Khanh còn có hàng trăm điện thoại được sản xuất từ năm 1995, không có cảm ứng, đến từ các thương hiệu: Motorola, Siemens, Vertu, Mobiado...

Anh Khanh kể ngày học cấp ba, trong một lần đi chơi thấy bạn dùng điện thoại Nokia 8850, anh mê mẩn và mượn dùng thử nhưng không may làm hỏng loa. "Không tiền và không có chỗ sửa, tôi đánh liều tự làm”, anh nói.

Thời đó không có nhiều video hay sách vở dạy sửa điện thoại, anh Khanh tự tìm hiểu sửa thử và thành công. Đến năm 2001, anh được mẹ tặng chiếc điện thoại Nokia 3310. Mỗi lần điện thoại hỏng, anh đều tự sửa, càng làm, càng tích lũy kinh nghiệm, dễ dàng chỉnh các lỗi hư phím, chuông loa không hoạt động đến hỏng micro, màn hình không sáng...

Học xong cấp ba, anh Khanh đi nghĩa vụ quân sự. Khi xuất ngũ, anh xin làm việc tại Trung tâm Nokia Care. Được tiếp cận nhiều dòng máy, anh nhen nhúm ý định sở hữu bộ sưu tập các dòng điện thoại cổ. Từ tiền lương đi làm, anh bắt đầu với dòng máy Nokia, sau mở rộng ra nhiều nhãn hiệu khác.

Anh Khanh thu mua hàng trăm điện thoại cổ, có chiếc đã qua sử dụng nhưng nhiều sản phẩm fullbox (nguyên hộp, đủ phụ kiện).

Theo anh, một chiếc điện thoại đạt tiêu chuẩn là đồ cổ phải là những chiếc còn ốc, chưa đụng vào, nước sơn vẫn mới. Có như vậy, giá trị sưu tầm của điện thoại mới cao, dù hình thức có thể không mới.

Ngày nay, khi điện thoại thông minh phát triển, chiếm lĩnh thị trường, anh Khanh cho biết mình trở thành "kẻ điên" trong mắt nhiều người, khi bỏ ra cả tỷ đồng mua "thứ chẳng ai dùng đến". Bỏ ngoài tai lời nói của mọi người, anh Khanh vẫn theo đuổi sở thích với những chiếc điện thoại "cục gạch".

Tìm được một chiếc điện thoại cổ đã khó, nhiều chiếc hư hỏng, anh Khanh tự mày mò "cứu sống" chúng. "Khó khăn nhất trong khâu phục chế là tìm linh kiện bởi nhiều mẫu đã ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, điện thoại đời đầu ít tính năng, nếu không am hiểu công nghệ, cấu tạo phần cứng - mềm của máy, khi phục chế sẽ làm hỏng thiết bị bất cứ lúc nào", anh nói.

Các dòng máy trong bộ sưu tập của anh Khanh thường được xách tay từ nước ngoài bởi dòng máy nhập khẩu chưa bị sửa chữa, vỏ vẫn kèm logo nhà mạng, gần như mới nguyên.

Tùy từng loại, mỗi chiếc dao động từ một đến hàng chục triệu đồng. Tổng giá trị tài sản anh Khanh thu mua đến nay ước tính hơn một tỷ đồng.

20 năm sưu tầm, anh có hơn 500 điện thoại cổ, từ Nokia cổ trắng đen đến Samsung, Siemens, Ericsson, Motorola. Hai năm trước, anh bán lại hơn 150 chiếc cho một người bạn chung sở thích, muốn mua về trưng bày trong tiệm cà phê. Hiện trong bộ sưu tập còn hơn 300 chiếc. Trong thời gian tới, anh Khanh hy vọng tìm được nhiều kiểu dáng độc lạ, cổ để làm phong phú hơn cho bộ sưu tập.

Đông Vũ

Đánh giá phiên bản mới