Anh Bùi Đình Thăng, 33 tuổi, là hoạ sĩ tự do, sống tại quận 7, TP HCM. Anh Thăng nổi tiếng trong cộng đồng mạng với trang Fanpage Thăng Fly Comics, kể về những câu chuyện thường nhật dưới góc nhìn hài hước.
Trước dịch, anh kể về bà bán bún cá, anh chủ quán dưới chân chung cư, chú bộ đội biên phòng hay chuyện người anh đi xuất khẩu lao động bên Nhật. Đến cuối tháng 4, Covid-19 tái bùng phát. Làn sóng thứ 4 đẩy TP HCM vào đợt giãn cách toàn thành phốtừ 0h ngày 31/5.
Dưới chung cư nơi anh ở, có nhiều F1 đã phải đi cách ly tập trung, kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính với nCoV. Đường sá tiêu điều, hàng quán xung quanh đóng cửa. Mỗi lần xuống siêu thị, anh phải lựa những lúc vắng người, tránh tiếp xúc.
Không khí xung quanh rất căng thẳng, anh nhìn ra cửa sổ không còn khung cảnh người dân chạy bộ như trước đây. "Thực sự cuộc đời mỗi người chưa bao giờ trải qua giai đoạn đặc biệt như thế này. Đây có lẽ là một trải nghiệm không bao giờ quên nếu chúng ta vượt qua được", anh Thăng nói.

Họa sĩ Bùi Đình Thăng.
Trong thời gian giãn cách xã hội, anh Thăng nhận được rất nhiều tin tức, câu chuyện xúc động về tình hình dịch bệnh thông qua trang Fanpage. Anh bắt đầu hướng đến những bức tranh cổ vũ tinh thần chống dịch, chia sẻ với lực lượng tuyến đầu, bởi hơn lúc nào, họ đang cần một hậu phương vững chắc tiếp sức.
Mỗi ngày, có khoảng 10 người nhắn tin, gửi câu chuyện hoặc hình ảnh cho anh Thăng. Trong số đó, có cả những tình nguyện viên, y bác sĩ đang trực tiếp "chiến đấu" với Covid-19 tại các tâm dịch khắp cả nước.
"Mình rất hân hạnh được lắng nghe tâm sự của lực lượng tuyến đầu, phân tích vấn đề ngay từ góc nhìn của người trong cuộc", anh nói.
Tuỳ độ khó và nội dung của câu chuyện, anh Thăng mất khoảng 30 phút đến 2 tiếng hoàn thành bức tranh. Anh dành thời gian tìm hiểu, trò chuyện với những y bác sĩ, tình nguyện viên trong tâm dịch để hiểu họ hơn. Sau cùng, anh chọn góc nhìn, câu thoại đắt nhất, phác hoạ nên tác phẩm ngắn gọn, đầy đủ nội dung truyền tải mà mọi người muốn kể.
Hơn một tháng qua, anh Thăng đã vẽ rất nhiều. Ấn tượng nhất với anh là câu chuyện em bé Lào Cai bật khóc nức nở, ôm chầm lấy bố là bác sĩ xuống chi viện Bắc Giang. Mọi người dỗ dành mãi, em bé mới chịu để bố cùng đồng đội lên đường.
"Mình rất xúc động, có chút đồng cảm với cuộc chia ly chưa hẹn ngày về giữa em bé và người bố đi thẳng vào tâm dịch", anh nói.

Hình ảnh người bố chào tạm biệt con gái đi chống dịch.
Hay bức tranh trung úy cảnh sát giao thông Tống Ngọc Kiên ở tỉnh Bắc Giang, giơ tay chào theo điều lệnh khi đón đoàn xe 200 y bác sĩ từ Quảng Ninh chi viện. "Các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch xứng đáng nhận được động viên, chia sẻ của mọi người bởi họ rất vất vả", anh Kiên nói.

Trung uý Tống Ngọc Kiên đứng nghiêm chào đoàn xe đi hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang.
Bức tranh nam sinh 20 tuổi ngất xỉu khi lấy mẫu xét nghiệm trong thời tiết 40 độ ở Bắc Giang, nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Đó là Phạm Trung Anh, 20 tuổi, lớp Xét nghiệm 12B, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, thuộc đội tăng cường cho Bắc Giang.
Hôm đó, ngày 25/5, Trung Anh cùng các bạn di chuyển đến xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Thời điểm dịch căng thẳng, nam sinh không dám cởi đồ bảo hộ để uống nước hay nghỉ ngơi. Cả nhóm tập trung lấy mẫu dưới lán lợp bằng tôn, trời nắng to, gây mất sức nhanh.
Trung Anh bắt đầu chóng mặt, ngồi xuống, tính nghỉ một lúc nhưng sau đó đã ngất xỉu. Cậu được mọi người đỡ vào nhà, dần tỉnh dậy, nghỉ ngơi rồi tiếp tục nhiệm vụ. Dù mệt mỏi, nhưng nam sinh không có ý định bỏ cuộc giữa chừng.

Nam sinh Trung Anh ngất xỉu khi liên tục lấy mẫu xét nghiệm dưới thời tiết nắng nóng.
Trong một bức tranh khác, vào đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, lời chúc "Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, dũng sĩ tí hon!" được gửi đến em bé 3 tuổi, trú tại thôn Tân Trúc, xã Tiên Sơn.
Cả gia đình em đi cách ly tập trung hôm 20/5 tại Tiểu đoàn 16, Trường Sĩ quan Chính trị (đóng tại thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) khi người mẹ có kết quả dương tính với nCoV.
Đến ngày 26/5, bố và 2 anh chị của em cũng dương tính, được chuyển điều trị tại các bệnh viện. Còn em có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính, ở lại khu cách ly tập trung cùng người chú ruột, trải qua một cái Tết Thiếu nhi có lẽ đặc biệt nhất trong cuộc đời.

Em bé 3 tuổi đón tết Thiếu nhi trong khu cách ly.
Học viên Học viện Quân y lên đường đến Bắc Giang chi viện. Đến nay, cả nước hơn 2.000 đội từ các tỉnh thành đến hỗ trợ tâm dịch, hơn 28.000 người khác sẵn sàng chờ lệnh lên đường.

Câu chuyện vui sau giờ làm việc của các bạn của ĐH điều dưỡng Nam Định đang hỗ trợ ở tâm dịch. Sau khi lấy mẫu, mọi người tìm cho mình chỗ riêng để ngả lưng hoặc trêu đùa nhau để quên đi mệt mỏi.

Qua những câu chuyện kể bằng tranh, anh Thăng hy vọng độc giả khắp mọi miền sẽ hiểu được phần nào công việc khó khăn của y bác sĩ, cuộc sống thiếu thốn của người dân trong vùng phong toả. Ngược lại, các y bác sĩ, người dân cũng sẽ nhìn thấy đồng bào mình đang đoàn kết và hướng về tâm dịch như thế nào.
Dưới đây là hai loạt tranh kể chuyện nhóm nhân viên y tế được người dân hỗ trợ khi đang làm nhiệm vụ. Ngoài ra, người dân ở khắp các tỉnh thành còn hỗ trợ lương thực, nước uống... gửi đến tâm dịch.

Như câu chuyện bà con Quảng Bình không quản nắng nóng hơn 40 độ C, miệt mài làm ruốc (chà bông) gửi vào Bắc Giang. Khi miền Trung lũ lụt, bà con cả nước đồng lòng. Nay Bắc Giang rơi vào tâm dịch, bà con Quảng Bình dù còn nhiều khó khăn vất vả sau lũ lụt vẫn hướng về tâm dịch.

Bà con Quảng Bình làm ruốc hỗ trợ Bắc Giang.
"Thông qua những tác phẩm, mình muốn người dân nhìn thấy nhau trong đấy. Chúng ta thông cảm, yêu thương và đoàn kết. Đất nước mình, lòng yêu nước và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, bây giờ chính là thời điểm để phát huy, cùng nhau chiến thắng đại dịch", anh Thăng hy vọng.
Đăng Khoa