Công ty Công nghệ Twilio, có trụ sở tại San Francisco, Mỹ nổi tiếng với phần mềm giúp các công ty tự động hóa liên lạc với người dùng bằng tin nhắn văn bản hoặc những cuộc gọi thoại và video. Khách hàng của công ty này là những cái tên quen thuộc như Uber, WhatsApp, Coca-Cola, Twitter, AirBnB, eBay...
Hiện công ty này được định giá khoảng 14 tỷ USD và doanh thu năm 2018 đạt 650 triệu USD. Tuy nhiên ít ai biết rằng ở giai đoạn khởi nghiệp, 3 nhà đồng sáng lập công ty là Jeff Lawson, Evan Cooke và John Wolthuis đã phải chật vật vay mượn từ gia đình, bạn bè khi không gọi được vốn đầu tư. Thậm chí Jeff Lawson đã phải bán đi quà cưới của hai vợ chồng để Twilio "không chết yểu".
Jeff Lawson, CEO của Twilio. Ảnh: Fobes.
Quay về 10 năm trước, ba người bạn Jeff Lawson, Evan Cooke và John Wolthuis cùng nhau thành lập một doanh nghiệp chuyên cung cấp phần mềm có tên gọi Twilio. Sản phẩm chính của công ty là phầm mềm giúp các công ty tự động hóa thực hiện việc liên lạc với người dùng của họ bằng tin nhắn văn bản hoặc những cuộc gọi thoại và video.
Tháng 9/2008, ba nhà đồng sáng lập Twilio gặp mặt các nhà đầu tư tiềm năng ở Thung lũng Silicon để huy động vốn cho startup của họ. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra và không có một nhà đầu tư nào mạo hiểm rót vốn cho startup chỉ mới vài tháng tuổi như Twilio.
Khi việc gọi vốn thất bại, Jeff nhớ lại: "Cả ba chúng tôi đều nghĩ rằng có lẽ ý tưởng mình thật ngu ngốc và không biết có nên tiếp tục hay không".
Cuối cùng, họ đã quyết tâm duy trì công ty bằng việc vay mượn từ gia đình và bạn bè để Twilio hoạt động và tiếp tục phát triển sản phẩm. Đến khi số tiền vay mượn đã cạn kiệt, việc kinh doanh không mang lại kết quả tốt, họ thậm chí đã nghĩ đến việc bỏ cuộc thì Jeff nhận được sự động viên lớn của vợ là Erica. Erica đã đồng ý để chồng đem bán tất cả quà cưới của hai người để có tiền duy trì hoạt động của công ty.
Khách hàng đầu tiên của Twilio là một người đàn ông thiết kế website giúp mọi người tìm lại điện thoại bị mất. Bước ngoặc mở ra thành công của Twilio khi Jeff được mời tham gia một hội thảo công nghệ có tên gọi SF New Tech Meetup vào cuối năm 2008. Tại đây thay vì giải thích về công nghệ phức tạp của phần mềm tin nhắn tự động này, anh đã yêu cầu những người tham gia hội nghị cùng sử dụng Twilio. Việc làm này của Jeff đã thu hút sự chú ý của nhiều công ty lớn, trong đó Sony Music đã liên lạc với anh vào ngày hôm sau để đề nghị hợp tác.
Jeff Lawson (giữa) và các đồng nghiệp khi công ty niêm yết thành công trên sàn chứng khoán New York. Ảnh: Fortune.
Có khách hàng lớn như Sony Music, Jeff đã tìm đến các nhà đầu tư từng từ chối mình trước đây. Và họ đã đồng ý rót vốn 1 triệu USD cho Twilio. Sau đó startup này liên tiếp gọi vốn thành công và nhận được 261 triệu USD tiền đầu tư. Công ty này tiến hành niếm yết thành công tại sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 2016.
Mô hình kinh doanh của Twilio tính phí các công ty trong mỗi lần giao tiếp với khách hàng. Một tin nhắn văn bản đơn giản ở Mỹ có giá 0,0075 USD. Con số này tuy không nhiều nhưng khi doanh nghiệp nhắn tin cho hàng chục triệu khách hàng, thì doanh thu của Twilio là không nhỏ.
Tuy nhiên hoạt động kinh doanh của công ty này không phải lúc nào cũng thuận lợi. Cổ phiếu của họ đã giảm mạnh trong năm 2016 và 2017, thậm chí còn có thời điểm mất hơn một nửa giá trị. Cho đến năm 2018 thì việc kinh doanh của công ty dần khởi sắc và giá cổ phiếu tăng mạnh trở lại.
Hiện Twilio có 16 văn phòng tại 10 quốc gia với hơn 1.200 nhân viên và gần 40.000 khách hàng doanh nghiệp. Jeff Lawson là CEO của Twilio và là người nắm giữ số cổ phần lớn nhất tại công ty công nghệ này. Theo ước tính của Forbes, Jeff hiện nắm giữ khối tài sản khoảng 500 triệu USD.
Sơn Nam (Theo BBC)