Thương trường - Chủ nhật, 13/5/2018, 00:10 (GMT+7)

Chàng thủ khoa đại học Mỹ bỏ việc đi dạy miễn phí cho người khiếm thính

Lê Đình Hiếu tốt nghiệp thủ khoa đại học Mỹ, bỏ việc tại tập đoàn tài chính lớn để về nước theo đuổi ước mơ giáo dục.

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa, Lê Đình Hiếu được giữ lại trường UCLA làm trợ giảng và được nhiều công ty hàng đầu Mỹ săn đón. 

30 tuổi, Lê Đình Hiếu là CEO Học viện G.A.P và là người sáng lập dự án dạy tiếng Anh, Tin học miễn phí cho người khiếm thính. Anh từng được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất năm 2016. Chàng trai với nụ cười thường trực trên môi luôn đem đến cho mọi người tinh thần lạc quan ngay lần đầu gặp gỡ.

Đình Hiếu sinh ra trong gia đình có bố mẹ là công chức nhà nước. Năm Hiếu học cấp hai, mẹ anh bị điếc và nghỉ việc cơ quan. Những người phụ nữ bên nhà ngoại anh mắc một căn bệnh di truyền là cứ ngoài 30 tuổi bắt đầu giảm thính lực. Năm Đình Hiếu học lớp 9, mẹ anh điếc hoàn toàn. Kể từ đó, thế giới của bà không còn bất kỳ âm thanh kỳ diệu nào của cuộc sống này.

Ngày nhỏ, mẹ dạy Hiếu chơi đàn piano, hướng dẫn cụ thể, nhận xét từng nốt nhạc. Nhưng dần dần, bà chỉ dạy con cách đặt ngón tay ra sao, dáng ngồi như thế nào. Ngày ấy, không biết bệnh tình của mẹ, Hiếu từng nghĩ mẹ "làm biếng".

Hiếu nhận được học bổng của Đại học UCLA nhờ bài luận về người mẹ khiếm thính. 

Những năm đầu bị giảm thính lực, mẹ anh giấu các con và cố gắng thích nghi với cuộc sống thường nhật. Bị khiếm thính và gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống nhưng bà luôn lạc quan và động viên các con hãy biến sự bất hạnh thành động lực cố gắng. Nghị lực sống của mẹ trở thành hành trang cuộc sống sau này của Đình Hiếu.

Từ ngày biết mẹ bị điếc, Đình Hiếu tìm hiểu và tham gia sinh hoạt tại cộng đồng người khiếm thính TP HCM. Anh bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu, đồng thời tìm hiểu các câu chuyện của người khiếm thính. Số phận của họ luôn là nỗi trăn trở với cậu thiếu niên chưa tròn 18 tuổi. 

Trong thời gian du học Mỹ, Hiếu từng làm nhiều công việc như đổ rác, dọn kho, phục vụ, quản lý căng tin để trang trải sinh hoạt phí.

Tốt nghiệp trung học, Hiếu nhận được học bổng của Đại học UCLA, một trong những trường hàng đầu tại Mỹ. Sau 4 năm, Đình Hiếu tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh tế và là người Việt Nam đầu tiên giành được vinh dự này. Anh được giữ lại trường làm trợ giảng, đồng thời nhận lời mời làm việc tại tập đoàn tài chính ING (một trong 10 tập đoàn lớn nhất thế giới), với mức lương hơn 3.000 USD. 

Đình Hiếu luôn mang trong lòng nỗi trăn trở về những số phận từng gặp trước đây và muốn giúp họ có cơ hội học tập bình đẳng như bao người khác. Vì thế, năm 2011 Đình Hiếu quyết định về nước theo đuổi con đường giáo dục, dù tương lai đang rộng mở.

Lòng trắc ẩn là động lực khởi nghiệp giáo dục

Về Việt Nam, anh làm việc tại tập đoàn Deloitte (một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới) với mức lương "khủng".

Lê Đình Hiếu (phải) và hai doanh nhân Lê Tấn Thịnh, Tuệ Nghi tư vấn những kỹ năng cần trang bị cho sinh viên trước khi ra trường. 

Bước ngoặt để anh dấn thân khởi nghiệp giáo dục bắt đầu từ gánh hàng rong sương sáo phục linh. Từ nhỏ, Hiếu thích món ăn này và thường ghé đến một hàng cạnh công viên Gia Định để thưởng thức. Sau khi về Việt Nam, anh tìm đến hàng sương sáo năm nào của bà má miền Tây và cô con gái nhỏ. 

Lần ấy, anh thấy cô bé khoảng 14 tuổi khệ nệ bụng bầu hơn 7 tháng. Cô bé, do không được trang bị các kiến thức cơ bản về giới tính, đã không bảo vệ được bản thân. Hình ảnh cô gái nhỏ gầy guộc với cái bụng ngày càng lớn ám ảnh tâm trí Hiếu, thôi thúc anh cần làm gì để giúp đỡ em.

Hiếu nhận thấy các em học sinh và bạn trẻ Việt Nam thiếu nhiều kỹ năng sống. Anh nghĩ chỉ có con đường giáo dục mới có thể giúp các em có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật tìm thấy tương lai.

Sau này, Đình Hiếu cùng ba người bạn sau đó lên kế hoạch lập dự án giáo dục Everest Education dạy các môn học truyền thống như Toán, Lý, Hóa... bằng tiếng Anh.

Sau thời gian dạy thử, nhóm nhận được phản hồi tích cực từ học sinh và phụ huynh. Năm 2012, Đình Hiếu chính thức nghỉ việc ở tập đoàn tài chính để dành toàn bộ thời gian cho các dự án giáo dục. Nhờ nguồn thu từ đóng góp của phụ huynh, nhóm của Đình Hiếu cho ra đời Học viện Đào tạo Phương pháp Tư duy và Kỹ năng sống G.A.P.

Sau 3 năm hoạt động, Học viện G.A.P từ 11 bạn nhỏ ban đầu đã phát triển lên con số 8.500 học viên. Liên tiếp trong hai năm 2017, 2018, học viện được tổ chức giáo dục và đào tạo quốc tế UNESCO CEP chọn làm đối tác chiến lược cho dự án tìm kiếm tài năng trẻ Talent Generation kết nối 10.000 sinh viên và tạo cơ hội việc làm cho 1.000 sinh viên các trường đại học trên toàn quốc.

Học viện G.A.P có đội ngũ giảng viên tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu trong nước và quốc tế.

Không chỉ Học viện Đào tạo Tư duy và Kỹ năng sống cho giới trẻ, Đình Hiếu còn sáng lập dự án Hear.Us.Now dạy tiếng Anh và Tin học cho người khiếm thính. Dự án này của anh lấy cảm hứng từ người mẹ khiếm thính, đồng thời cũng là ước muốn đem đến sự bình đẳng cho người khuyết tật. 

"Tôi đọc trên báo câu chuyện về một bạn khiếm thính bị trường đại học từ chối tiếp nhận vì tiêu chuẩn đầu ra của trường bắt buộc tất cả sinh viên phải nộp chứng chỉ tiếng Anh và Tin học, kể cả người khuyết tật. Tôi thấy buồn và đau lòng", anh Hiếu chia sẻ.

Từ đó, chàng trai trẻ quyết tâm thực hiện dự án dạy tiếng Anh và Tin học miễn phí cho các bạn câm điếc. Anh cho hay ở Mỹ học sinh khuyết tật, kể cả câm điếc bẩm sinh, vẫn có chương trình học ở mọi cấp bậc. Trong khi ở Việt Nam, chương trình dành cho người khiếm thính chỉ đến bậc trung học. 

Đình Hiếu mày mò giáo trình của nước ngoài, cải tiến và xây dựng phương pháp giảng dạy bằng hình ảnh trực quan sinh động để các em câm điếc có thể nhận dạng được. Anh cũng trực tiếp đứng lớp giảng dạy các em bằng ngôn ngữ ký hiệu. 

Lớp học tiếng Anh và Tin học miễn phí cho người khiếm thính do Đình Hiếu và các cộng sự đứng lớp.

Anh Hiếu hiện nỗ lực tìm kiếm các tổ chức giáo dục cung cấp phương pháp thi phù hợp với người khiếm thính, giúp các em có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học như bao người khác. 

Mỗi năm dự án của anh hỗ trợ từ 100 đến 200 suất học miễn phí cho người khiếm thính. Với những đóng góp tích cực này, anh được Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Cộng đồng Lin (Lin Center) trao tặng giải thưởng Rút Ngắn Khoảng Cách và tài trợ 150 triệu đồng để sản xuất các video dạy tiếng Anh miễn phí cho người khiếm thị.

"Cả nước có đến hơn 3 triệu người câm điếc, trung tâm của tôi chỉ có thể hỗ trợ khoảng 200 suất học miễn phí. Con số này như muối bỏ bể nhưng tôi vẫn cố gắng trong khả năng hữu hạn của mình. Trong tương lai, tôi hy vọng mọi người cùng chung tay giúp đỡ người khuyết tật để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn", chàng trai Sài thành tâm sự. 

Thảo Nguyên
Ảnh: NVCC

Đánh giá phiên bản mới