![]() |
Cựu sinh viên ĐH FPT thấy được giải tỏa cảm xúc với múa. Ảnh: WA Studio. |
Để thực hiện ước mơ là người tiên phong ở Việt Nam kết hợp múa balê và hip hop, Thắng (nickname Mamazola) bỏ qua mặc cảm tuổi tác và những lời khuyên "nên đi về" của thầy cô dạy múa. Bị loại ở vòng thi tuyển đầu tiên, cựu sinh viên ĐH FPT quay lại trung tâm học balê năn nỉ cô giáo giúp đỡ. Với lời hứa quyết tâm luyện tập, ước mơ múa của chàng trai gốc Hà Nội đã được chắp cánh. Cậu thi vào trường với số điểm cao thứ hai.
Bỏ công việc ổn định ở FPT tháng 8 năm ngoái, đến giờ bản thân Mamazola cũng không hiểu mình khi quyết định gắn bó với múa. Mỗi khi xem tác phẩm, cậu ngây người và bị cuốn đi theo động tác uyển chuyển. Những lúc ấy, chàng trai có mái tóc dài uốn xoăn thấy thanh thản và quên hết mọi thứ.
Khi còn là sinh viên, nam sinh có tính cách nhí nhảnh, cao 1m70 từng tham gia đội nhảy hip hop của trường. Cách đây nửa năm lúc xin học balê, Thắng từng bị giáo viên "nhắc khéo" đã quá tuổi để thi vào trường múa. Hơn nữa Thắng đến với múa đã muộn nên tuổi nghề sau này sẽ không đáng là bao. Một diễn viên múa cần 10 năm luyện tập nhưng tuổi nghề sẽ chỉ non nửa số ấy. Ngoài cô giáo, bạn bè của dancer này cũng ném lại câu "phí bằng đại học" khi khuyên không được.
Thắng Mamazola 'thoát xác' với múa |
63492 |
Đăng ký vào lớp học toàn các em nhỏ, thêm Thắng nữa là 16, lúc đầu cậu khá vất vả để theo. Hiểu lời cô hướng dẫn nhưng Mamazola không thể làm theo bởi cơ thể trưởng thành của cậu khó dẻo dai như các em bé. "Phân bố sức không đều, em thường xuyên nhanh mệt lúc tập. Bị tụt lại phía sau, không ít lần em mặc cảm với các bạn nhí. Tuy nhiên để đi theo con đường múa chuyên nghiệp, em buộc phải chấp nhận nỗ lực gấp nhiều lần", Thắng chia sẻ.
Không chỉ tập ở lớp, về nhà dancer Mamazola tranh thủ rèn các động tác giúp thân hình dẻo dai như xoạc chân, tập dẻo. Theo Thắng, trên thế giới từng có sự kết hợp giữa balê và hip hop nhưng những màn biểu diễn này chưa đẹp mắt. Để hòa trộn hai thể loại ấy, vũ công cần được đào tạo bài bản. Thắng phân tích, khác với hip hop, balê đi ngược với cơ thể khi hai bàn chân vặn ra ngoài. Trong khi một bộ phận di chuyển thì các phần còn lại của cơ thể đứng yên.
Ở trường múa, Thắng nhận ra balê không đơn giản như cậu nghĩ. Hết giờ học, cậu ở lại tự luyện tập thêm để không thua kém bạn. Trong số 9 bạn nam trong lớp, Thắng nhiều tuổi nhất nhưng luôn được đánh giá cao thứ hai sau một nam sinh từng học xiếc.
![]() |
Dancer Mamazola muốn múa đẹp như nghệ sĩ Linh Nga. Ảnh: Facebook. |
Với Mamazola, chỉ có nhảy múa mới giúp cậu tìm lại chính mình, tìm lại những cảm xúc bị chai lì bởi những dòng code trên máy tính. Cậu nhận ra máy tính không giúp mình giải tỏa ngoài việc post bài viết hoặc treo status (trạng thái). "Lúc giận hay bực chuyện gia đình, em không thể làm gì khác với máy tính. Thời gian làm việc với máy khiến em kiềm mình lại, mòn cảm xúc bình thường", Thắng nói.
Nhận mình là con người cảm xúc, Thắng thấy đẹp hơn khi đứng trên sân khấu múa. Ánh đèn, tiếng vỗ tay của khán giả như chất gây nghiện làm cậu say mê. Nam sinh cho hay, balê và hip hop khác nhau ở triết lý. Balê bay bổng, nhẹ nhàng còn hip hop mạnh mẽ, năng lượng được dồn xuống mặt đất. Muốn kết hợp hai tính chất ấy, vũ công cần hoàn chỉnh động tác và biết xử lý âm nhạc. Chất hip hop đời thường giúp Thắng được là bản ngã còn balê quý tộc khiến cậu thấy mình đẹp hơn.
Đến giờ, khi Thắng Mamazola đã là sinh viên năm nhất của trường Cao đẳng múa Việt Nam, gia đình cậu vẫn chưa hay biết. Mẹ mất sớm, bố lại mất sức, anh em cậu được người chú không có con cưu mang cho ăn học. Hàng tháng người chú gửi tiền cho bố con Thắng sinh hoạt. Nam sinh ấy bảo, lối rẽ sang múa này có thể khiến người thân bị sốc vì suy nghĩ múa chỉ dành cho nữ.
![]() |
Cựu sinh viên ĐH FPT thấy được giải tỏa cảm xúc với múa. Ảnh: WA Studio. |
Sự mềm mại, nữ tính của balê làm Thắng bị những người xung quanh nghi ngờ giới tính. Không ít lần cậu bị gạ gẫm, nhắn tin hỏi han. Nhiều đại gia muốn rủ Thắng đi chơi chỉ để thỏa mãn sở thích bệnh hoạn nhưng cậu tự tin vì đã đủ trưởng thành để tránh xa cạm bẫy.
Để theo đuổi ước mơ, hàng ngày Thắng dạy múa ở WA Studio và đi dựng bài. Mỗi tháng thu nhập khoảng 2 triệu (tháng nhiều nhất khoảng 8 triệu) nhưng cậu vẫn thấy hạnh phúc vì được làm điều mình muốn. Nhắc tới ước mơ, Thắng bảo cậu muốn được du học múa truyền thống ở Trung Quốc giống như nghệ sĩ múa Linh Nga hoặc học balê ở Nga. Sau đó Thắng sẽ xin vào một đoàn múa của châu Âu bởi theo cậu môi trường ở đó sẽ giúp cậu tiến xa.
"Được như chị Linh Nga thì quá tuyệt", Thắng ước.
Bình Minh