Thứ năm, 19/8/2021, 12:21 (GMT+7)

Cây thị gần 500 tuổi cho quả

Hà TĩnhĐầu tháng 7, cây thị gần 500 tuổi của dòng họ Phạm ở thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên vào mùa quả chín, tỏa hương thơm ngào ngạt.

Cây thị nằm trong khuôn viên nhà thờ họ Phạm Đại tôn, thuộc thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên.

Người trông coi cây, ông Phạm Được, 68 tuổi, trú xã Cẩm Duệ cho biết, vào thế kỷ 15, ông tổ dòng họ là Phạm Công Lâu, về lập nghiệp tại vùng đất Cẩm Hạ, xã Hạ Phong, huyện Phú Phong, tỉnh Hà Tĩnh xưa. Nhiều cây thị được ông tổ trồng năm 1559.

"Ngày xưa ông tổ trồng rất nhiều cây thị, song chỉ cây này là tồn tại đến hôm nay, hiện gia đình tôi cử thành viên trông coi", ông Được nói.

Cây cao hơn 20 m, chu vi gốc 7,5 m, đường kính thân 2,3 m, 5 người lớn dang tay ôm mới xuể. Lớp vỏ cây có nhiều khối u, đường gân sần sùi.

Giữa thân có chỗ bị khoét rỗng ruột, phía trong rộng gần 2 m2, từ đó có thể nhìn thấu đến ngọn.

Ngày 14/6, cây thị được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đại diện dòng họ cho hay, sắp tới khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lễ nhận bằng, công bố quyết định và gắn bia đá lên cây.

Đối với cây tự trồng, để được công nhận là Cây Di sản Việt Nam phải đạt các tiêu chí như: sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ, cao trên 20 m, hình dáng đặc sắc, có giá trị văn hóa và lịch sử...

Đầu tháng 6 đến rằm tháng 7 (âm lịch) hàng năm, quả thị chín vàng, tỏa hương thơm ngào ngạt. Nhiều trái chưa kịp thu hoạch nứt nẻ trên cành.

Một tháng qua, con cháu dòng họ Phạm thường dùng sào nứa dài khoảng 7 m để hái quả.

Quả chín dễ rụng, chỉ sào trúng chạm sẽ lập tức lọt vào chiếc đầu đựng được kết từ nan nứa. Một chiếc đầu đựng được 4-5 quả.

Hàng ngày, quả chín rụng đầy gốc và xung quanh khuôn viên nhà thờ tổ, bà Đặng Thị Minh Hà (70 tuổi, vợ ông Được) cầm rổ tre đến nhặt.

Theo bà Hà, cây thị mỗi năm cho hàng tấn quả. Hàng chục năm trước, khi kinh tế còn khó khăn, lúc vào mùa, con cháu dòng họ Phạm thường đến hái quả về bán lấy tiền trang trải cuộc sống.

"Quả thị không còn được chuộng như xưa. Thỉnh thoảng, tôi hái về thắp hương thờ ngày rằm, mùng một; đem biếu khách làm quà, hoặc tặng hàng xóm cho thơm nhà", bà Hà nói.

Tại các chợ quê Hà Tĩnh, một kg quả thị bán 10.000-30.000 đồng. Nếu bán theo quả, giá 1.000-2.000 đồng tùy loại.

Nhiều trẻ em ở thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ thường rủ nhau đến cây thị hóng mát, nhặt quả chín rụng dưới gốc rồi cười đùa, chơi trò đuổi bắt.

Phía trước cây thị gắn bàn thờ, gia đình ông Được phụ trách việc hương khói vào ngày lễ, Tết, rằm, mùng một...

"Ngoài giá trị về mặt văn hóa, cây còn có giá trị lịch sử. Theo Gia phả họ Phạm, những năm chiến tranh, dân quân tự vệ địa phương thường hội họp dưới cây bàn công việc, vì kín đáo và bí mật", ông Được cho hay.

Để giữ gìn cảnh quan, chiều muộn mỗi ngày, bà Hà (góc trái) cùng con trai Phạm Quốc Hùng (37 tuổi, trú xã Cẩm Duệ) đến quét dọn những quả rụng và hư hỏng ở dưới gốc.

Dưới ánh nắng vàng đầu mùa thu, vợ chồng ông Được nâng những quả thị chín vàng vừa hái xuống.

Ông Võ Tá Kỷ, Bí Thư, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết, xã có hàng trăm gốc thị do người dân trồng, cây của dòng họ Phạm có tuổi đời lâu nhất và là cây đầu tiên trên địa bàn được công nhận Cây Di sản Việt Nam.

Hùng Lê

Đánh giá phiên bản mới