Thứ năm, 13/7/2017, 02:00 (GMT+7)

Cây bao báp lớn tuổi nhất Sài Gòn nở rộ hoa

Cây bao báp đặc trưng châu Phi có tuổi đời gần 25 năm được trồng ở trung tâm Sài Gòn đang vào độ khoe sắc.

Bao báp là loại cây đăc trưng của châu Phi và được trồng rất ít ở Việt Nam. Ngay tại trung tâm TP HCM, trong khuôn viên ĐH Sư phạm (quận 5) có một cây bao báp cao lớn, xum xuê lá và đang nở hoa.

Cây bao báp thuộc họ cây gòn, người dân châu Phi xem như một loại rau quả. Theo PGS - TS Nguyễn Kim Hồng (hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP HCM), cây được trồng trong khuôn viên của khoa sinh học từ năm 1993.

"Cây này do thầy Nguyễn Quý Tuấn, nguyên Phó trưởng phòng Khoa học - công nghệ và sau đại học của trường, trồng. Khi còn giảng dạy ở khoa Sinh vật, thầy Tuấn có 5 năm (1988 - 1993) làm chuyên gia giáo dục ở Angola. Khi về nước, thầy mang một ít hạt cây bao báp", thầy Hồng cho biết. Sau gần 25 năm, cây vẫn phát triển xanh tốt, cao khoảng 15 m với thân to bằng vòng tay hai người lớn.

Ban đầu, thầy Tuấn trồng trong nhà để làm bon sai. Tuy nhiên, cây lớn nhanh nên thầy phải mang vào trường trồng.

Được 10 năm, cây bao báp đã cho hoa. "Nhưng có lẽ do thổ nhưỡng ở đây không hợp nên đến bây giờ, hoa vẫn nở rất nhiều nhưng lại không thể kết trái", thầy Hồng cho hay.

Lá bao báp thường rụng vào đầu mùa khô khiến cây chỉ còn lại những cành trơ trụi. Hoa bao báp nở vào mùa hè, có cuống dài gần 1 m, nụ to gần bằng nắm tay.

Hoa bao báp to gần bằng một bàn tay, bắt đầu nở vào cuối buổi chiều, rạng rỡ nhất về đêm. Khi nụ hoa nứt ra, các đài hoa cong lên và nhụy hoa chúc ngược xuống đất, trắng muốt.

Dù vậy, hoa nhanh chóng héo rũ ngay sau khi nở được nửa ngày, khi ánh nắng xuất hiện. Theo thầy Hồng, khi cây còn nhỏ, Thảo Cầm Viên Sài Gòn có đến xin về trồng nhưng phía nhà trường không đồng ý.

TP HCM còn ba cây bao báp khác nhỏ hơn, được trồng ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, có tuổi đời khoảng 20 năm và cũng đang trong thời kỳ nở hoa.

Ngoài TP HCM, đến nay, cây còn được trồng ở Hà Nội, Kiên Giang và Huế. Trong đó, cây ở Kiên Giang có tuổi đời ước tính khoảng 100 năm.

Quỳnh Trần

Đánh giá phiên bản mới