Một nạn... cẩu. |
Nửa đêm, đang say giấc, bỗng chuông điện thoại của tôi reo như đấm vào tai. Số máy nhà ông bạn già ở Láng Hạ hiện lên chập chờn. Tôi nghe máy, đầu dây, ông bạn tôi mếu máo như cháy nhà đến nơi rồi: "Sáng sớm mai, chú đi chuộc chó lại với tôi". Tôi ờ cho xong chuyện, nhưng cúp máy rồi, tôi chợt nghĩ, mất chó mà còn chuộc lại được sao?...
Còn nhớ, có lần tôi tới thăm ông, trong nhà không có gì đáng giá, ông quý nhất vẫn là vài chậu cây cảnh, lồng chim, bể cá cảnh... Nhưng, ông đối đãi đặc biệt nhất là với con chó to. Với ông, con Bớp - bố ông đặt tên - quý nhất vẫn là giá trị tinh thần, vì nó là di vật do bố ông trước khi mất để lại. Ông còn kể: "Hôm làm ma cho bố, con chó cứ quấn lấy quan tài của chủ. Khi con Bớp sấn lại, mọi người xua ra, nó ra cửa, mắt đỏ ngầu, gầm gừ với những người đã chia rẽ nó với người thân. Nhìn cảnh đó, ai dự trong đám tang cũng cảm động. Gia đình ông bạn tôi sau này chăm bẵm nó như một đứa trẻ. Con Bớp còn ý nghĩa về chữ hiếu, nên mất nó, ông bạn buồn là phải.
Buổi sáng, ông bạn đã đứng đợi từ đầu ngõ, mặt hốc hác vì thiếu ngủ. Vừa thấy tôi, ông bảo: "Phải đến các lò mổ tìm chuộc lại, may ra còn kịp". Ông kể rằng, nghe bà con lối phố mất chó, muốn tìm lại phải đến lò mổ khi họ chưa kịp thịt. Ông còn kể, từ 1 giờ sáng, ông đã kịp vòng lên Ngã Tư Sở, ở đó cũng có người vừa mất một con chó lai nặng tới 20 kg, nhưng ông đã kịp chuộc lại ở một lò mổ tận thị xã Hà Đông.
Đầu tiên, phải xác định địa bàn, ví như đường Láng thì bọn trộm chỉ rút lui về các lò mổ ở các hướng Cầu Giấy, Mễ Trì hoặc Hà Đông. Cung đường đầu tiên chúng tôi rà soát là từ Ngã Tư Sở cho đến Cầu Giấy, xuống Hoàng Hoa Thám, có đến cả trăm quán thịt chó kiêm lò mổ, nhưng chủ quán vẫn đóng cửa im ỉm vì còn quá sớm. Hẳn bọn trộm cũng đã trừ ra những quán đang đóng cửa. Bây giờ điểm duy nhất, cũng là lò mổ lớn nhất, đông đúc nhất Hà Nội này là làng Mễ Trì Thượng.
Từ đầu con đường nhỏ cắt vào, hàng chục cửa hàng thịt chó đã trưng biển đón khách. Thỉnh thoảng có vài cái xe máy chở chó còn sống về lò. Thỉnh thoảng lại có xe chở thịt chó hôi (tức là làm sẵn) đi cung cấp cho các lò mổ như trong thành phố. Hai bên đường làng, thịt chó tươi nguyên bày roi rói. Ông bạn tôi săm soi các lồng sắt còn buộc trên xe máy, hoặc các lồng bày trước hàng thịt chó xem cho kỹ xem có thấy con chó Bớp bị "bỏ tù" trong đó không. Thỉnh thoảng, nghe tiếng chó gầm gừ, oăng oẳng ở sau bếp, ông cố nhận dạng xem con chó sắp "hoá kiếp" trên bàn mổ có phải của mình, may ra còn kịp cứu nó. Chúng tôi vào một cửa hàng khá lớn, trưng biển to đùng, trước cửa hàng có cái lồng sắt rất lớn dùng để nhốt chó. Nhìn chiếc lồng, tôi mường tượng nó như cái cũi nhốt, giải phạm nhân thời phong kiến. Chỉ khác là, cái lồng này làm bằng sắt to như ngón tay cái, đan kín với nhau, "cẩu" dù hung hăng đến mấy cũng khó mà cắn nổi. Trong lồng, có cả chục con chó chồng chất lên nhau. Ngoài những con chó ốm, gầy, ghẻ lở, khi vào lò ra bị cạo lông ngay. Còn, những con béo tốt, chủ lò giữ lại trưng bày. Ai vào nhìn thấy thích con nào là "cắt tiết" trước mặt.
Tôi bước vào trình bày hoàn cảnh mất con "chó quý" với ông chủ lò mổ. Ông chả buồn ngạc nhiên và đề phòng như thể đã quá quen. Ông tên T., dáng ục ịch, hàng ria mép lún phún, rất hợp tướng thịt chó. Người nhà và bản thân ông đặt tên cho quán là "thịt chó T. "Mập". Ông T. "Mập" dẫn chúng tôi ra lồng chó, bảo: "Sáng đến giờ có 9 con vào lồng, xem nào, chủ yếu là thợ từ Sơn Tây (Hà Tây) và Long Biên đưa sang, các bác cứ xem kỹ". Tôi lại hỏi: "Chó này ông mua theo bầy hay đánh lẻ từng con một". "Cả hai, cai chó, lái chó và cả người bán lẻ chứ chọn làm gì?". "Bán lẻ, chủ yếu của chủ chó mang đến đây bán hay của bọn chôm được?". "Không cần biết. Nhưng chắc trộm, ai mua mà hỏi han lý lịch thì lần sau mất mối à. Mà trộm thì đúng hơn. Vì tôi trả giá rẻ, chúng cũng vội vàng bán đứt không cần suy nghĩ. Có thằng nhóc, đem chó đến bán, bọn nó ngồi ở xa đợi run cầm cập như người bị phong, chắc đói thuốc".
Theo một số người trong nghề buôn đi bán lại chó, do bọn trộm bán với giá rất rẻ, cao lắm chỉ 100.000 đồng/con, hoặc rẻ hơn. Nhưng khi đã vào lồng của chủ lò mổ, hoặc quán thịt thì bán "đội" giá gấp 3-4 lần, làm chủ chó nản lòng mà về.
Tôi lại hỏi: "Nếu như người chủ mất chó, thấy con vật nằm trong nhà ấy, báo công an thì thế nào?". "Nói thật nhé, tôi buôn bán đàng hoàng, bỏ tiền ra để làm ăn chứ lừa đảo, trộm cắp gì đâu".
Ông bạn tôi nhìn đồng hồ, đã quá trưa, ông liền bấm điện thoại gọi về cho hai cậu con thứ chia nhau đi hướng chợ Mơ, Phúc Xá, Phúc Tân, Long Biên... những "điểm nóng" về ẩm thực xem sao. Còn chúng tôi lại ngược xe ra vùng ngoại vi thị xã Hà Đông. Đây mới là thế giới của thịt chó, đủ hiệu, từ quán nhỏ, to, chó cứ ngồn ngộn. Nhưng chúng tôi vẫn không tìm thấy con Bớp đâu cả. Về đến nhà ông bạn, mâm cơm nguội lạnh chờ chúng tôi. Chưa ai ăn cả, hai cậu con báo tin buồn đã "lượn" khắp nơi mà vẫn không gặp mặt con Bớp đâu. Mất thật rồi. Ông bạn già của tôi lẩm bẩm, thắp nén nhang lên bàn thờ ông cụ, khấn vái lầm rầm nhận lỗi...
Trên địa bàn Hà Nội, các tuyến phố lớn, nhất là đường Láng, có những tuần mất trên chục con chó. Bọn "cẩu tặc" không những hoạt động một tuyến duy nhất. Theo kết quả thăm dò, bọn cẩu tặc gây án rộng khắp Hà Nội. Chúng nhằm các tuyến phố vành đai, hay có chó chạy rông để ra tay rất trắng trợn trước mắt khổ chủ đang cho chó dạo phố. Theo điều tra, những vụ mất chó trên địa bàn Hà Nội, hành vi gây án gần như là cướp trên tay khổ chủ thì đúng hơn. Gần đây, anh Vinh ở Thanh Xuân Bắc, sáng sớm mấu xích vào cổ chó cho nó đi vệ sinh buổi sáng trên đường Nguyễn Trãi. Nào ngờ, hai tên thanh niên đi xe máy từ phía sau rà tới, cướp luôn dây xích trên tay anh rồi kéo con chó đi một đoạn. Chúng nhanh như cắt kéo xích tóm lấy cổ con chó tống vào bao tải và mất hút khi anh chưa kịp kêu la người đuổi bắt. Ngoài ra, khi chó thả rông trên đường, bọn trộm "sáng tạo" ra thòng lọng bằng đoạn thép, có vòng tròn tạo bằng dây đay cứng, hoặc đay thừng, có nút thắt rất năng động, cán bằng đoạn gỗ, hoặc sắt, đi ngang, chúng chỉ cần quăng thòng lọng vào cổ con chó lôi đi mà con chó cứng cổ không tài nào kêu được.
Phương tiện gây án của bọn "cẩu tặc" rất gọn nhẹ. Chúng di trên xe gắn máy, thường là đeo biển số giả, che biển số, thậm chí tháo biển. Xe nào cũng có 2 tên, một tên cầm lái, tên ngồi sau quăng thòng lọng chuẩn xác tới từng milimét một. Đại đa số, bọn "cẩu tặc" này từ nơi khác đến, không nghề ngỗng, nghiện hút... Thời điểm gây án thường vào lúc mọi người còn chưa dậy hoặc đã đi ngủ. Khi bị phát giác, truy hô, đuổi bắt, chúng không thèm vứt bỏ lại tang vật mà còn rồ ga, rú ga, lạng lách, đánh võng trước mũi xe của những người truy bắt. Hơn nữa, khi bị "bắt sống" đem ra công an, rõ ràng là trộm cắp, nhưng giá trị của con chó không quá được 500.000 đồng, chưa đủ cấu thành tội, chưa bỏ tù. Khi "ăn" được hàng, chỉ cần đem vào các lò mổ, quán thịt là tiêu thụ được ngay. Các chủ tiêu thụ còn có ý khuyến khích nữa là khác, vì họ mua vào với giá quá rẻ, dễ kiếm lời từ những con chó được trộm cắp đem tới.
(Theo Lao Động)