Gia đình chị Loan có 4 thành viên: hai vợ chồng, con trai lớn học tiểu học và con gái út một tuổi. Mỗi tháng, trung bình chị tiêu khoảng 26 triệu đồng cho các khoản sinh hoạt phí. Tháng 4 do phát sinh tiền đi thăm người ốm, mua máy hút mũi, đóng phí tham quan và tổ chức sinh nhật ở trường cho bé lớn nên trội thêm hơn 8 triệu đồng. Chị Loan làm việc trong doanh nghiệp xăng dầu còn ông xã làm du lịch, có tổng thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng mỗi tháng. Hàng tháng, sau khi chi trả các khoản, vợ chồng chị còn dư khoảng 20 triệu đồng để dành mua xe ôtô vì đã có sẵn nhà riêng.
Chi tiết bảng kê chi tiêu của gia đình chị Loan: |
Còn 4 ngày nữa mới hết tháng 4 nhưng gia đình chị Loan thống kê sinh hoạt phí hết 34,6 triệu đồng. Vợ chồng chị không giữ chung thu nhập mà mỗi tháng ông xã đưa vợ 20 triệu đồng để chi tiêu, những khoản phát sinh lớn anh chủ động thanh toán. Chị Loan thấy may mắn vì không phải lo mua sắm nhà cửa, đồ đạc và được hai bên nội, ngoại hỗ trợ. Tiền tiết kiệm vợ chồng chị dành mua ôtô, lo cho con trong tương lai và thỉnh thoảng đi du lịch.
Khi chia sẻ mức tiêu của gia đình lên mạng xã hội, chị Loan nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng vợ chồng chị dành phần tiền lớn cho ăn uống nhưng chỉ chi 2,2 triệu đồng tiền học cho con. Chị Loan giải thích: con trai học lớp 1 ở trường công lập nên học phí thấp, mặt khác bà mẹ Hà Nội không để con tham gia nhiều lớp học thêm vì muốn bé có thời gian vui chơi, trải nghiệm cuộc sống.
Chị Loan cho biết với thu nhập hiện tại, mức chi 26 triệu đồng mỗi tháng là hợp lý. Nhờ có bà nội hỗ trợ chăm sóc hai bé nên chị tiết kiệm được khoảng 5-7 triệu đồng tiền thuê người giúp việc.

Bảng chi tiêu của một gia đình khác hết gần 40 triệu đồng/ tháng.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Vân Anh