Coolhaus ngày nay là thương hiệu kem làm thủ công thượng hạng đến từ bang California, được các ngôi sao như Justin Bieber, Angelina Jolie, Brad Pitt hay Johnny Depp yêu thích. Sản phẩm của hãng để lại dấu ấn riêng biệt nhờ hương vị, phong cách và thiết kế độc đáo. Coolhaus hiện có hơn 50 nhân viên, phân phối cho hơn 6.000 bách hóa. Năm ngoái, hãng kiếm 7 triệu USD từ việc bán kem tại Mỹ, châu Á và Trung Đông.
Nhà phê bình ẩm thực Jeffrey Steingarten của tạp chí Vogue nhận định, Coolhaus làm ra "những chiếc sandwich kem ngon nhất trong lịch sử". Ít ai biết, Coolhaus được gây dựng và trở nên nổi tiếng, nhờ tình yêu, sự sáng tạo của cặp doanh nhân đồng tính, Natasha Case và Freya Estreller.
Case và Estreller ban đầu bán kem dạo trên chiếc xe tải cũ được mua lại với giá 2.500 USD. Câu chuyện khởi nghiệp của hai phụ nữ đứng sau hãng kem nổi tiếng này từng xuất hiện trên hàng loạt tờ báo như Forbes, Entrepreneur, Good Morning America… Tuy nhiên, năm 2013, do không tìm được tiếng nói chung, Estreller lựa chọn rời bỏ "đứa con chung" Coolhaus đã gây dựng cùng người bạn đời.
Cơ duyên và tình yêu nảy nở
Khi còn là sinh viên Đại học California, Natasha Case nung nấu ý định đưa kiến trúc đến với nhiều người một cách gần gũi. Một lần nọ, khi thuyết trình mô hình nhà ở trước lớp, Case nhận phê bình từ giáo viên rằng thiết kế của cô trông giống một "hộp bánh". Lời chê cười bỗng trở thành gợi ý cho Case. Cô quyết định sẽ kết hợp kiến trúc với ẩm thực.
Ra trường năm 2008, Natasha Case được nhận vào Walt Disney với vai trò thiết kế ý tưởng. Thời gian rảnh, cô bắt đầu nghiên cứu loại đồ ăn phù hợp để thổi hồn kiến trúc.
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khiến nhiều người bạn của Case bị sa thải nhưng lại mở ra cánh cửa cho cô. Như một món quà để an ủi bạn bè, cô làm bánh lấy cảm hứng từ trường phái "tối giản" (minimalism) trong kiến trúc và lấy tên Mint-imalism (bánh quy kẹp kem vị bạc hà).
Nhiều sản phẩm kem về sau của Coolhaus như Frank Behry, Norman Bananas Foster cũng được đặt tên dựa theo các kiến trúc sư nổi tiếng (Frank Gehry và Norman Foster). Cô từng có lần chia sẻ trên Architect Magazine: "Chúng tôi như một công ty quảng cáo kiến trúc".
Cũng trong năm 2008, Natasha Case gặp Freya Estreller, một phụ nữ làm về bất động sản, tại tiệc sinh nhật một người bạn chung. Ý tưởng "Farchitecture"- kết hợp đồ ăn (Food) và kiến trúc (Architecture) – nhanh chóng cuốn hút Estreller. Sau đó, tình yêu nảy nở giữa hai người, bắt đầu từ những cuộc trò chuyện về công việc. Case và Estreller đồng sáng lập ra Coolhaus chỉ sau hai tuần gặp mặt. Khi ấy, cả hai mới ngoài 20 tuổi.
Kinh nghiệm tài chính của Estreller kết hợp cùng tài năng thiết kế và marketing của Case giúp hai người bắt tay vào xây dựng mô hình kinh doanh. Tuy nhiên do thời gian hạn hẹp, cả hai bán kem lẻ tại các khu chợ địa phương khi rảnh rỗi mỗi cuối tuần. Case chỉ bắt đầu dồn sức cho Coolhaus sau khi mất việc tại Disney. Còn Estreller bấy giờ vẫn có việc làm ổn định và duy trì nguồn thu nhập để nuôi sống cả hai. Công việc kinh doanh của họ thời điểm đó diễn ra chậm chạp.
Màn 'chào sân' trước hàng nghìn người
Trong cuộc phỏng vấn trên CNBC, Natasha Case tâm sự, tháng 4/2009 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc kinh doanh kem của họ. Cặp uyên ương quyết tâm tiến về Lễ hội âm nhạc nổi tiếng Coachella với suy nghĩ "được ăn cả ngã về không". Họ đầu tư 2.500 USD mua lại một chiếc xe tải hỏng rồi biến thành quầy kem di động, ra mắt đám đông 16.000 người.
Tại đây, những chiếc sandwich kem khác lạ của Case và Estreller trở thành hiện tượng, thậm chí còn xuất hiện trên tờ New York Times. Họ bán hàng liên tục tới sáng hôm sau, khi mọi người vẫn tiệc tùng. Case nhớ cô bị dựng dậy khi đang ngủ vì có hàng dài khách đang đứng chờ quầy kem của họ mở cửa. Sau sự kiện Coachella, 5.000 email quan tâm gửi về cho Case và Estreller, trong khi trước đó, con số này chỉ quanh quẩn 50. Estreller thậm chí còn nghĩ tài khoản của họ bị hack.
Thấy được tiềm năng mở rộng mô hình, cả hai đưa xe kem đến với New York. Công ty cũng bắt đầu làm ăn có lãi từ năm sau đó, 2010. Case cho biết, một phần lớn lợi nhuận của Coolhaus đến sau một bước tiến vào năm 2011, khi công ty phân phối cho đại lý và bán qua mạng. Doanh thu năm này cũng lần đầu cán mốc 1 triệu USD.
"Nếu bạn không phải chi trả cho các khoản thuê mặt bằng và nhân viên trông coi, chi phí sẽ giảm rất nhiều. Thêm vào đó, bán số lượng lớn giúp tiếp cận nhiều khách hàng hơn trong thời gian ngắn hơn", Case nói.
Năm 2012, Case và Estreller kết hôn tại thành phố New York.
Thành công đến cùng áp lực và rạn nứt
Case và Estreller dần nhận ra những khác biệt trong cách tiếp cận kinh doanh và nhân viên. Đỉnh điểm mâu thuẫn giữa hai người là khi số nhân viên công ty lên đến 50 và có thêm sự tham gia của các nhà đầu tư… Công ty mở rộng khiến việc quản lý tài chính và điều hành trở nên nặng nề với Estreller, trong khi bạn đời của cô có vẻ đảm đương phần việc thú vị hơn. Tranh cãi khiến hiệu quả công việc suy giảm, buộc một trong hai người chủ động lên tiếng.
Trong lúc dùng bữa tại một nhà hàng Italy năm 2013, Estreller tuyên bố rút khỏi Coolhaus. Điều thú vị, ngay sau đó cả hai vẫn về chung một nhà. Quyết định tách biệt trong công việc để giữ gìn tình yêu đem đến trái ngọt cho hai người. Hiện, họ có với nhau một cậu con trai và Estreller sở hữu thương hiệu rượu của riêng mình.
Natasha Case vẫn tiếp tục gắn bó với Coolhaus cho đến nay, thậm chí đa phần thiết kế đóng gói, website, marketing của hãng kem vẫn do cô tự tay thực hiện. Quãng thời gian làm việc tại Disney cho Case nhiều bài học về cách kể chuyện gắn với thương hiệu. Coolhaus luôn được thổi hồn thông qua những đổi mới về sắc màu và hương vị, bên cạnh các yếu tố kiến trúc, như dòng kem mùa hè mang tên Blue Hawaiian và Strawberry Lime Magarita lấy cảm hứng từ cocktail nhiệt đới.
Case lọt vào danh sách "30 Under 30" của Forbes năm 2012. Cô gửi thông điệp đến những doanh nhân tương lai: "Dấn thân như thể quên đi mình đang mạo hiểm, câu chuyện khởi nghiệp luôn là thế".
Quốc Việt tổng hợp