Tại những trường này, yêu cầu đầu vào rất dễ. Và không ít công ty du học hiện nay đã tận dụng vào những trường "hạ cám" này để kinh doanh với những lời quảng cáo "du học tại những trường nổi tiếng của Mỹ".
Chị Mai, phụ huynh của HS Hoàng Ngọc Minh (lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP HCM) đến Phòng Du học (Sở GD-ĐT TP HCM) hỏi khá kỹ điều kiện để tham gia chương trình giao lưu văn hóa bậc THPT. Nguyên nhân để cậu con trai nhỏ muốn sống tự lập nơi xứ người của chị xem ra khá đơn giản.
Chị Mai cho biết: "Con tôi từng được đi giao lưu của chương trình Pháp - Việt vào lớp 5. Cháu rất thích học ở bên ấy, vừa nhẹ nhàng, vừa sinh động và cứ mong ước được học ở nước ngoài... Trong tháng 5 này, mọi hồ sơ giấy tờ phải xong nên giờ tôi phải “chạy nước rút”.
Cũng như chị Mai, nhiều bậc cha mẹ đang ấp ủ mộng cho con theo học chương trình giao lưu văn hóa, chỉ có điều, ít ai quan tâm và được tư vấn kỹ lưỡng. Trong khi đó, thực tế không phải lúc nào cũng tươi sáng như lời quảng cáo của các trung tâm tư vấn du học.
Nam là cựu HS Trường THPT Lê Quý Đôn. Khi đi du học giao lưu văn hóa, Nam được bố trí ở cùng một HS đến từ Đức. Cả hai được nhận làm thành viên của một gia đình (thường được gọi host family). Tình cảm “nhất bên trọng, nhất bên khinh” của cha mẹ nuôi khiến cả hai bạn cảm thấy rất khó xử. Bà mẹ nuôi thương du HS người Đức trong khi ông ba nuôi lại quý mến du HS người Việt. Nam tâm sự: "Đi xa nhà mới thấy quý trọng tình cảm gia đình. Ở nhà người ta, làm sai việc gì, dù là nhỏ xíu, cũng sợ run cả người. Cuối cùng Nam phải xin đến gia đình khác".
Trường hợp của em Hương lại là hục hặc với con chủ nhà. Bà mẹ nuôi ban đầu rất quý Hương nhưng sau nghe con nói ra nói vào lại ác cảm với em. Có lần về nhà trễ, em bị khóa cửa không cho vào… tắm. Từ những lá thư đầy nước mắt của Hương và những cú điện thoại của gia đình em ở Việt Nam, đại diện của tổ chức đưa Hương đi cũng đến tìm hiểu thực tế. Nhưng, gia đình cha mẹ nuôi tỏ vẻ không có gì xảy ra, mọi việc đều bình ổn. Với vốn ngoại ngữ vừa phải của một du HS lớp 10, Hương không thể nào diễn đạt được thực tế đang xảy ra cho người đại diện biết.
May mắn hơn các bạn khác, Nguyên Lam, cựu HS Trường THPT Lê Quý Đôn, sống chung với một gia đình tử tế mà em coi đó như mái ấm thứ hai. Họ đã tạo điều kiện để em hòa nhập với môi trường mới. Nguyên Lam nhìn nhận: “Việc học ở Mỹ rất nhẹ nhàng, HS Việt Nam qua đây thường đứng đầu”.
Tuy nhiên, theo ước tính của Nguyên Lam, chỉ khoảng 2/10 HS vào được gia đình như mong muốn. “Khi nghĩ về Mỹ, các bạn mơ về một TP như New York với nhà lầu, xe điện như trong phim. Nhưng thực tế rất ít HS được ở những thành phố lớn, phần vì những người ở TP quá bận rộn, khó tổ chức các host family, phần vì các trung tâm sợ HS ở TP lớn bị ảnh hưởng không tốt. Vì vậy, 90% các bạn phải đến những TP nhỏ”.
Nguyên Lam cho biết, một số bạn của em đã không vào được gia đình tốt vì gặp những trung tâm làm ăn thiếu trách nhiệm. Họ thường kiếm đại một gia đình, hoàn toàn không cần biết gia đình đó như thế nào. Một trường hợp rất bi kịch mà bạn của em đã gặp phải: không có phòng riêng (là một trong những tiêu chuẩn và quyền lợi của HS mà trung tâm đã hứa), chỉ có 1 cái giường và 1 cái bàn kê giữa lối đi và… nhà tắm. Đồ đạc cá nhân thường không cánh mà bay. Kinh nghiệm của Nguyên Lam là nếu gặp phải host family có vấn đề, HS nên can đảm gọi điện thoại với người đại diện xin đổi.
Theo tìm hiểu của PV Sài Gòn Giải Phóng, dù xuất hiện mới mấy năm nay nhưng chương trình giao lưu văn hóa thu hút rất nhiều HS tham gia. Hiện nay có nhiều đơn vị tổ chức tuyển chọn HS đi giao lưu văn hóa tại Mỹ. Chỉ riêng Aspect đã gửi hơn 1.000 HS, SV sang giao lưu văn hóa tại Mỹ.
Hạn chế của học bổng giao lưu văn hóa là chương trình chỉ kéo dài 1 năm, và HS phải quay trở về Việt Nam khi kết thúc chương trình. Chương trình này chưa được sự công nhận của Bộ GD-ĐT Việt Nam, do vậy HS phải mất 1 năm để học lại lớp đã học ở Mỹ.
Trong khi hầu hết các bậc cha mẹ nhắm cho con học tiếp ĐH tại Mỹ thì rất hiếm HS được học bổng học tiếp bậc THPT, ĐH mà thường phải tự bỏ tiền túi ra học trường tư với chi phí một năm từ 20.000 USD đến trên 30.000 USD. Bên cạnh đó, sự khác biệt về môi trường văn hóa cũng khiến nhiều du HS bị “sốc”. “Không thích ứng được hoàn cảnh mới nên một số em phải ngậm ngùi ôm va ly về nước sớm”, chị Hồ Thị Ngọc Sương, chuyên viên Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết.
Tuy nhiên, chương trình vẫn ngày càng thu hút được nhiều phụ huynh HS vì theo chị Sương, ưu điểm lớn của nó góp phần tăng thêm sự hiểu biết văn hóa giữa HS, SV các nước. HS VN có cơ hội học tập và sống trong cộng đồng người Mỹ, kỹ năng Anh ngữ được nâng cao. Đây chính là điều hấp dẫn PHHS nhất.
Ông Đặng Thanh Châu, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhận định: "Ngoài yếu tố visa, điều kiện quan trọng nhất là vấn đề tài chính. HS nên tham gia chương trình ở lớp 12 để thuận lợi cho việc học tiếp. Cuối tháng 2 hàng năm, nhà trường tổ chức 2 buổi hội thảo ở bậc THPT dành cho HS muốn tìm hiểu về học bổng giao lưu văn hóa và một hội thảo ở bậc ĐH, giúp cha mẹ du HS chủ động tìm trường cho con. Khi HS hoàn tất chương trình phổ thông ở bên Mỹ thì tại Việt Nam, gia đình đã tìm kiếm, liên hệ với một trường ĐH ở Mỹ cho các em".
Điều kiện tham gia dự tuyển học bổng giao lưu văn hóa khá dễ: HS từ 15 đến 18 tuổi. Điểm trung bình các môn học văn hóa đạt loại khá, giỏi; trình độ tiếng Anh phải đạt kết quả bài kiểm tra S.L.E.P (45 điểm). Tổ chức thi S.L.E.P đơn giản, HS có yêu cầu là được sắp xếp thi liền mà không mất tiền. HS có thể thi đến 10 lần, cho đến khi nào đậu. Nếu chọn vùng để học, HS phải đóng thêm phí từ 200 USD đến 600 USD. Học bổng giao lưu văn hóa bao gồm: phí học, phí ăn ở (trừ ăn trưa), phí bảo hiểm sức khỏe, đưa đón tại sân bay. HS phải tự túc vé máy bay. |