Căn phòng xử rộng mênh mông, trang nghiêm trở nên lạnh lẽo đến gai người khi chỉ có Hội đồng xét xử, vài ba người dự khán và một bị cáo bé nhỏ, lọt thỏm trong chiếc vành móng ngựa.
Tòa thẩm vấn lý lịch. Nó khai rành rọt tên Lê Tiến Hạnh, chỉ mới 15 tuổi vài ngày, học vấn chưa hết cấp 2. Khi vị thẩm phán hỏi: "Bố mẹ bị cáo có dự phiên tòa hôm nay không?", nó dáo dác quay về phía sau tìm kiếm nhưng chẳng có gương mặt thân quen nào ở đó. Và chỉ có thế, nước mắt nó trào ra, đưa ống tay áo lên quẹt vội... nó nghẹn lời im lặng.
Hỏi thì cứ hỏi nhưng tòa đã biết trước sẽ chẳng có người thân nào có mặt trong phiên xử của nó nên đã mời một cán bộ bên Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM làm người giám hộ vì bị cáo vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên. Những ngày Hạnh mới bị bắt, cơ quan công an cũng nhiều lần đánh giấy triệu tập cha mẹ nhưng nhà nghèo quá, nợ nần chồng chất nên chẳng có tiền vào với con. Cuối cùng, công an phải gửi tiền ra để bố nó lấy lệ phí đi lại. Hôm gặp nó trong trại, bố con nó ôm lấy nhau khóc ròng...
Ở quê, nhà nó làm nông. Bố mẹ nó quanh năm suốt tháng quần quật trên mấy sào ruộng, làm thuê làm mướn cho bà con chòm xóm nhưng vẫn không đủ nuôi hai anh em nó học hành đàng hoàng. Anh nó học đến lớp 5 thì nghỉ, ra Hà Nội đi làm mướn. Nó cũng nối gót anh, 15 tuổi bắt đầu cũng khăn gói lên đường, kiếm tiền nuôi thân.
Lêu lổng vài tháng ở thủ đô, nó chẳng làm được gì ra hồn nên lại về nhà, vét được 100.000 đồng bắt xe vào TP HCM định tìm người anh bà con nhờ giúp đỡ. Nhưng khổ cho cái thân nó, vừa xuống xe, sờ đến chiếc túi, nó phát hiện khoản tiền ít ỏi mang theo đã bị trộm cuỗm hết, chỉ còn vài đồng lẻ nhàu nát. Niềm hy vọng cuối cùng cũng đổ sụp khi nó không thể nào tìm được địa chỉ của người quen duy nhất trong thành phố mênh mông rộng lớn này.
Thằng bé bắt đầu lang thang khắp các ngả đường để xin việc nhưng chỗ thì bảo không cần, chỗ khác lại chê nó nhỏ người nên cả ngày trời, nó vẫn không tìm được nơi nào để kiếm cái ăn, nơi trú ẩn. Mệt và đói, nó móc nốt những đồng tiền cuối cùng mua hai chai sữa đậu nành và một ổ bánh mì không nhưng cũng nén lòng dành lại một phần cất trong túi xách phòng khi đói. Và giữa lúc túng quẫn đó, trong đầu nó đã lóe lên một ý nghĩ táo bạo, liều lĩnh.
Nhặt cục gạch bên đường cho vào túi quần, nó vẫy một chiếc xe taxi, yêu cầu người tài xế chở đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, rồi lại chở tiếp qua Thanh Đa. Đến khu vắng người, nó bảo tài xế dừng xe rồi chỉ chờ có thế, nó đột ngột lấy cục gạch đập 2 cái vào đầu anh ta. Sau vài giây thất thần, người tài xế mở cửa xe vùng chạy và tri hô. Quáng quàng, nó leo tường bỏ trốn thì bị bắt... Khi đó, nó chỉ vừa vào thành phố đúng một ngày.
Ra tòa, người tài xế taxi không có lời nào tức giận, không yêu cầu bồi thường gì mà ngược lại còn tha thiết xin tòa giảm án cho nó. Bản thân nó thừa nhận hết mọi hành vi và lý giải: "Bị cáo chỉ muốn chú ấy xỉu, rồi lục túi lấy tiền để về quê với cha mẹ. Bị cáo không muốn làm cho chú ấy chết". Rồi sau đó nó bật khóc nức nở. Vị luật sư bào chữa miễn phí cho nó cũng lập luận là "cú đập của bị cáo quá nhẹ". Biên bản giám định xác định ở trường hợp này không gây nguy hiểm cho nạn nhân. Từ đó, luật sư đề nghị tòa xem xét lại tội danh giết người cho nó.
Tuy nhiên, tòa nhận định: "Bị cáo đã có sự chuẩn bị, tính toán trước, hành động lại rất bài bản, quyết liệt, đánh vào vùng đầu là vùng nguy hiểm nhất của con người. Nạn nhân không chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo". Vì thế, tòa đã tuyên nó 5 năm tù cho cả hai tội giết người và cướp tài sản.
Phiên tòa kết thúc. Chiếc còng sắt bập vào hai tay, Lê Tiến Hạnh được dẫn giải ra xe về trại... Bóng dáng nhỏ bé của nó xiêu vẹo trên sân tòa trong cái nắng nóng như thiêu đốt. Không cầm lòng được, người tài xế taxi chạy với theo: "Ráng cố gắng cải tạo tốt để còn về với gia đình, nha con". Nó cúi rạp người như cảm tạ rồi gạt nước mắt, bước lên xe...
N.H.