Scorpio
Mắt tôi ngon lành cho tới khi tôi lên lớp 9, thế rồi cứ mờ dần. Nhưng cái việc ở lớp, ngồi bàn gần cuối không nhìn được trên bảng nữa thì chả bao giờ tôi về kể với bố mẹ tôi. Nhà tôi phát hiện ra mắt tôi kém là do trong bữa cơm tối, hồi đó VTV3 cứ 19h là chạy list những chương trình sẽ phát, rõ là cả nhà nhìn được mà tôi phải bê bát cơm chạy lên trên ghế cho gần mới đọc nổi. Sau một cuộc họp ngắn gọn, gồm những lời bình luận và sự lo ngại, bố mẹ tôi quyết định sẽ đưa tôi đi khám mắt. Và người được giao trọng trách đưa tôi đi, không ai khác chính là mẹ.
Thời đó chưa có máy soi, tôi nhớ cô y tá mặc áo cháo lòng bảo tôi đứng ra xa 5m rồi chỉ bảng bắt đọc. Toàn các chữ C quay bốn hướng chứ cũng không phải cả bảng chữ cái như bây giờ, nó chỉ bé dần từ trên xuống. Nhiệm vụ của tôi là mỗi khi cô y tá cầm cái ăngten tivi chỉ vào chữ nào, tôi phải nói được chỗ khuyết của chữ C quay đi đâu. Mấy chữ đầu thì Ok vì nó to lắm, đến mấy dòng dưới thấy tôi cứ ấp úng, mẹ tôi đứng ngoài nhắc tôi... Có lẽ suốt cuộc đời này, tôi không quên khoảnh khắc đó. Mẹ tôi cầm cái nón, sợ cô y tá thấy nên hơi đưa nghiêng lên che mặt, thì thào nhắc tôi chữ nó quay về hướng nào, từng chữ một, đúng như nhắc bài thi...
Tôi đọc gần hết thì cô y tá phát hiện ra, mắng mẹ tôi ghê lắm, quát tháo um lên. Rằng thì là: "Chị làm thế sao tôi khám cho cháu được, thương con thì phải để tôi khám cho biết đúng bệnh chứ, muốn cho nó mù à... chị đúng là không biết cái gì". Mẹ tôi chỉ đứng lặng im biết lỗi, ôm cái nón trước ngực, nhìn tôi ngơ ngác...
Đó là ở bệnh viện mắt gần nhà tôi, ngày ấy hình như chỉ là trung tâm mắt. Dĩ nhiên là người ta bực mình không khám cho tôi nữa. Mẹ tôi lại đèo tôi trên chiếc xe đạp (mà theo bố nói thì nó là của hồi môn của ông bà ngoại dành cho mẹ) đi lên bệnh viện Tình Thương ở đường Thái Bình để khám lại. Ở đó, người ta kết luận mắt tôi, trái 7/10 và phải chỉ còn 3/10. Tôi nhớ mẹ còn dằn vặt hỏi tôi mãi, khi hai mẹ con ngồi đợi ở bên ngoài: "Con không nhìn thấy dòng chữ kia à? Đấy, cái chữ Phòng Tài Vụ ấy, con không đọc được sao? Quả thật là tôi không đọc được, mắt mẹ nhìn tôi... buồn, buồn lắm.
Cho đến tận bây giờ và mãi mãi, tôi tin rằng mẹ không có bất cứ một ý thức nào trong hành động nhắc tôi khi ấy. Nó chỉ là một phản xạ vô thức và rất đỗi bình thường của mẹ. Một phản xạ của người mẹ dành cho con, bật lên từ sâu thẳm trái tim, chỉ mong con mình không bệnh tật, không muốn tin rằng con mình không mạnh khỏe. Một hành động luôn muốn giữ con trong vòng tay, không muốn con cái phải đối diện với bất kỳ một nỗi đau nào, dù là nhỏ nhất.
Tôi tin rằng, không phải mẹ tôi không biết gì như lời cô y tá nói. Tôi tin rằng, không phải mẹ tôi không biết làm như thế chính là hại cho con mình. Tôi tin rằng, kiến thức mẹ tôi còn hơn cô y tá ấy. Và tôi biết rằng, chỉ có mẹ tôi mới làm như thế...
Thế nhưng ngày ấy, tôi còn đem chuyện đó kể khắp mọi nơi. Coi nó như một chuyện cười để nói về sự chất phác, thật thà nhà quê của mẹ. Để đến bây giờ, càng lớn càng thấm thía, tình yêu thương của mẹ, tấm lòng của mẹ dành cho mình... quá lớn lao.
***
Có lẽ hơn tất cả và sau cùng, người mong đợi ta nhất, giang rộng vòng tay nhất đón ta trở về, bất kể sau thành công hay thất bại... là Mẹ. Kỷ niệm về mẹ thì quá nhiều, viết về mẹ thì quá dễ, nhưng tôi rất ngại viết. Vì một lẽ tôi luôn cảm giác có lỗi với bố mẹ, thực ra không phải cảm giác, mà là sự thật. Tất nhiên không một ai là không từng mắc lỗi với bố mẹ mình, nhưng hầu hết, ít ra là đến cái tuổi của tôi bây giờ, người ta đều đã mang đến niềm vui, niềm tự hào cho bố mẹ... còn tôi thì chưa.
Hôm qua, vô blog của một người bạn, đọc được entry: "Đời này ta còn gặp bố mẹ được mấy lần?" Đại ý nói rằng, ai cũng mải lo cho sự nghiệp và cuộc sống bề bộn của mình, có người mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một lần. Nếu bố mẹ còn sống được 20 năm nữa thì họ cũng chỉ gặp được bố mẹ 20 lần. Nhưng với nhiều người, bố mẹ có thể chỉ còn sống trên đời này được 10 năm nữa thôi, vậy là chỉ còn 10 lần gặp mặt. Khoảng thời gian bố mẹ còn trên đời này của mỗi người có thể còn ngắn hơn nữa, chắc có người trong chúng ta không dám nghĩ tiếp... Nghĩ mãi, thấy nó giống hoàn cảnh hiện tại của mình, một năm may ra về thăm bố mẹ được một lần, nên tôi quyết định viết.
Phải viết thôi, cứ viết về mẹ dù ta còn chưa làm vui lòng mẹ. Dù cho đã hơn một lần mẹ khóc vì tôi hư, đã hơn một lần mẹ tuyệt vọng về tôi, đã hơn một lần mẹ lẳng lặng cứu tôi mà giấu bố, đã quá nhiều lần mẹ buồn vì tôi...
***
Vu Lan hay còn gọi là Tết Trung nguyên, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, còn được hiểu là lễ báo hiếu. Trong một số nước Á đông, ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, để tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát (cô hồn). Đấy là Wikipedia nói thế, Vu Lan là tên rộng rãi trong nam, chứ hồi nhỏ tôi nhớ ngoài bắc vẫn gọi Rằm xá tội vong nhân. Dưng mà gọi Vu Lan nghe hay, nghe nó hoài niệm...
Vu Lan thì nên viết về Mẹ.
***
Đời này, ta còn gặp bố mẹ được bao nhiêu lần?
Vài nét về blogger:
"Quá khứ là những tiếng thở dài tiếc nuối, hiện tại là một cuộc hành trình và tương lai sẽ là nhưng áng bình minh!" - Scorpio.