Việc sử dụng rộng rãi thiết bị cầm tay này đã dẫn đến chứng nghiện ĐTDĐ ở Hàn Quốc |
Mới đây, nhóm hoạt động School Beautiful Movement cùng với Cơ quan Xúc tiến Cơ hội số (KADO) và công ty SK Telecom đã khai trương chiến dịch dạy cho thanh thiếu niên cách sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) đúng cách.
Có tổng cộng 12 học sinh tiểu học, cấp 2 và cấp 3 được chọn vào học chương trình thử nghiệm. Trong hai tháng tới, những học sinh này sẽ nói về việc sử dụng điện thoại của họ, thảo luận về những triệu chứng khi không có di động, đồng thời cân nhắc việc sử dụng đúng cách như một người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tới đây các trường học ở Hàn Quốc sẽ có các tủ khóa để học sinh tự nguyện cất di động trong thời gian học trên lớp.
Một trường hợp “nghiện dế” là cô nữ sinh 16 tuổi Park Eun-young ở Seoul. Park bị giáo viên tịch thu di động vì cô nhắn tin trong giờ học. Thày giáo phạt tội này bằng cách giữ di động của Park một tuần mới trả lại. Nhưng khi không có “dế yêu” trong tay, Park cảm thấy bồn chồn và không biết làm gì với đôi tay “nhàn rỗi”. Một ngày sau, Park tới gặp thày giáo và đề nghị thày trả lại di động và hứa rằng sẽ không dùng di động trong lớp nữa. Thày giáo từ chối và cứ giờ ra chơi là Park lại năn nỉ thày xin lại di động, thậm chí cô còn khóc lóc cầu xin. Ngày hôm sau, thầy giáo đành phải “chịu thua” cô trò và trả lại di động cho Park.
Hàn Quốc là một trong những nước có hệ thống di động tân tiến nhất và dịch vụ di động chất lượng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi thiết bị cầm tay này đã dẫn đến chứng nghiện di động, đặc biệt là ở tuổi teen. Điện thoại di động đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày của những “con nghiện” này. Cảm thấy bồn chồn khi không có và không được cầm trong tay chiếc di động là “bệnh” thường thấy của nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc.
Một khảo sát của KADO thực hiện năm 2005 với các học sinh 14-19 tuổi cho thấy 90% số học sinh được hỏi có ĐTDĐ, 38,2% gửi hơn 1.000 tin nhắn mỗi tháng, 43,7% trò chuyện với bạn bè qua tin nhắn trong giờ học.
Trước đó, điều tra của Hiệp hội Xã hội Thông tin Hàn Quốc năm 2001 cho thấy 74,9% thanh thiếu niên xứ kim chi cảm thấy lo lắng, bồn chồn nếu không có ĐTDĐ.
Và chương trình ngăn ngừa việc lạm dụng dùng di động ra đời cũng xuất phát từ thực trạng “nghiện” di động ở giới trẻ Hàn Quốc và những “hệ lụy” của nó.
(Theo Tuổi Trẻ)